Vào thời điểm ASEAN triệu tập Cuộc họp lần thứ 13 của Lực lượng Đặc nhiệm Phối hợp về Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa, Nhóm chuyên gia của Hội đồng quân sự quốc tế về khí hậu và an ninh (IMCCS) đã công bố một báo cáo mới kêu gọi các nhà lãnh đạo đưa biến đổi khí hậu trở thành một "ưu tiên an ninh" ở Ấn Độ Dương - Châu Á Thái Bình Dương. IMCCS là một nhóm bao gồm các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, các chuyên gia an ninh và các tổ chức an ninh trên toàn cầu - hiện đến từ 38 quốc gia - chuyên dự đoán, phân tích và giải quyết các rủi ro an ninh do biến đổi khí hậu.
Việc COVID-19 xuất hiện và đang tiếp tục gây hậu quả đã bộc lộ những tổn thương xã hội nghiêm trọng, ngay cả ở các quốc gia thịnh vượng, đồng thời chứng minh rằng các cuộc khủng hoảng có thể lường trước vẫn có khả năng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh. Cuộc khủng hoảng COVID-19 lần này là một lời cảnh tỉnh nhắc nhở cần sử dụng khoa học làm cơ sở để quản lý rủi ro. Tương tự như vậy, khoa học khí hậu nên được đưa vào chính sách và quy hoạch an ninh để tránh những kết quả xấu nhất. Báo cáo của Nhóm chuyên gia của Hội đồng Quân sự Quốc tế về Khí hậu và An ninh (IMCCS) có tiêu đề “Khí hậu và An ninh ở Ấn Độ Dương - Châu Á Thái Bình Dương”.
Một người dân dọn rác trôi nổi trên đường cao tốc ngập nước trong trận bão Kammuri năm ngoái tại tỉnh Batangas, Philippines. Ảnh: CNN Philippines.
“Biến đổi khí hậu đóng vai trò như một bộ nhân các nguy cơ, làm gia tăng các mối đe dọa an ninh trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, từ các cơn bão với sức tàn phá ngày càng lớn và mực nước biển dâng cao, đến các nguồn cá di cư làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực của khu vực. Các siêu đô thị trong khu vực đang chịu nguy cơ đặc biệt cao, và sẽ càng trầm trọng hơn khi nhiệt độ tăng và nước biển ấm hơn,"Tổng thư ký IMCCS, Tướng Sherri Goodman , Chiến lược gia cao cấp tại Trung tâm Khí hậu và An ninh, đồng thời là cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, phát biểu. "Bây giờ là lúc cho các biện pháp “ứng phó với khí hậu”, từ việc lồng ghép các rủi ro an ninh khí hậu vào các chính sách đối ngoại và quốc phòng trong khu vực, đến tăng cường năng lực Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thiên tai. Các tổ chức an ninh nên làm việc với các cơ quan ngoại giao, phát triển và đối phó thảm họa để cùng phối hợp chuẩn bị, lập kế hoạch và ứng phó".
Báo cáo chỉ ra những yếu tố gây căng thẳng liên quan đến biến đổi khí hậu, bao gồm thay đổi dòng chảy của sông, nguồn cá di cư, thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng, có thể làm xói mòn khả năng ứng phó, tăng các mối bất hoà, làm trầm trọng thêm những căng thẳng và rạn nứt tiềm ẩn trong khu vực và trong nội bộ các nước, khiến các nguồn lực nhà nước bị quá tải và làm suy giảm môi trường an ninh.
Ngoài ra, một số ngòi nổ an ninh của khu vực đặc biệt nhạy cảm với các tác động khí hậu, ví dụ như mực nước biển dâng và hoạt động xây dựng quân sự tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông; căng thẳng giữa các nước thành viên thể hiện qua (và trở nen trầm trọng hơn do) các tranh chấp về quản lý nước xuyên biên giới; đối đầu trong đánh bắt cá khi sản lượng sụt giảm (do đánh bắt quá mức và ô nhiễm, cùng với khí hậu biến đổi khiến nước biển ấm lên và bị axit hóa); và sinh kế người dân suy yếu càng tăng nguy cơ nạn cướp biển và các hoạt động tội phạm có tổ chức nghiêm trọng.
Nhóm tác giả của IMCSS cho rằng các cộng đồng an ninh ở Ấn Độ Dương-Châu Á Thái Bình Dương có trách nhiệm chuẩn bị và ngăn chặn những thách thức an ninh có thể lường trước này, bên cạnh những nỗ lực của các bên ngoại giao và phát triển. Trách nhiệm này bao gồm hỗ trợ khả năng chống chịu với khí hậu bằng cách tăng cường năng lực quân sự cho các hoạt động Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thiên tai, và cải thiện kỹ năng ứng phó với các mối đe dọa khí hậu bằng cách hỗ trợ lập kế hoạch dài hạn trong chính phủ.
"Báo cáo đã chỉ rõ rằng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng như thế nào đến tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á Thái Bình Dương và những rủi ro an ninh trong tương lai sẽ là gì,"Tướng Tom Middendorp, Chủ tịch IMCCS và cựu Tổng trưởng Quốc phòng Hà Lan, nhấn mạnh."Không phải lúc nào chúng ta cũng có được tầm nhìn xa như vậy về các mối đe dọa an ninh trong tương lai."