Bộ quy tắc mới sẽ được công bố bao gồm các biện pháp xử lý mạnh tay hơn với các “lò công bố quốc tế” và nhiều hành vi sai trái học thuật khác được công nhận là tích cực. Nhưng một số nhà quan sát cho rằng việc thực thi chúng có hiệu quả đến đâu sẽ tiếp tục là vấn đề nan giải.

Nghiên cứu về em bé chỉnh sửa gene của Trung Quốc đã gây tranh cãi và được ví như mở chiếc hộp Pandora. Ảnh: Internet
Nghiên cứu về em bé chỉnh sửa gene của Trung Quốc đã gây tranh cãi và được ví như mở chiếc hộp Pandora. Ảnh: Internet

Bộ quy tắc mới

Bộ Khoa học Trung Quốc đang chuẩn bị công bố một bộ quy tắc toàn diện nhất cho đến nay để đối phó với hành vi sai trái trong liêm chính học thuật. Các biện pháp mới, sẽ có hiệu lực trong tháng tới, nêu rõ những hành vi bị cấm và các hình thức xử phạt thích hợp. Quy định được áp dụng cho bất kỳ ai tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, không chỉ các nhà nghiên cứu mà còn bao gồm những người phản biện và người đứng đầu các tổ chức khoa học – công nghệ.

Chính sách mới cũng lần đầu tiên bổ sung các đối tượng nhận hợp đồng độc lập, chẳng hạn như viết thuê báo nghiên cứu, ngụy tạo dữ liệu hay viết hộ hoặc gửi hộ bài báo nghiên cứu. Những quy định này được thiết kế để chống lại các “lò công bố”, hay các công ty được các nhà nghiên cứu trả tiền để sản xuất các bài báo khoa học ngụy tạo.

Ông Fang Shi-Min, một tác giả sống tại San Diego (California – Mỹ) đã có nhiều bài viết vạch trần hiện tượng gian lận khoa học tại Trung Quốc, cho Nature biết bộ quy tắc mới nhất là kết quả của lời hứa của Bộ cách đây hai năm. Theo các quy định mới, hành vi sai trái học thuật sẽ bao gồm việc làm sai lệch kết quả nghiên cứu, đạo văn, thực hiện thử nghiệm mà chưa có sự chấp thuận của hội đồng đạo đức, can thiệp vào quy trình bình duyệt và biển thủ ngân sách nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu có việc làm gây tổn hại nghiêm trọng hoặc làm tổn thất tài chính sẽ chịu các hình phạt nghiêm khắc hơn trước.

Các chế tài xử phạt có thể bao gồm từ cảnh cáo đến thu hồi tiền thưởng, các giải thưởng và danh hiệu, thậm chí là tạm thời hoặc vĩnh viễn cấm xin ngân sách tài trợ đề tài. Các nhà nghiên cứu tự báo cáo vi phạm, thành khẩn nhận lỗi và cố gắng sửa chữa sẽ chịu mức phạt nhẹ hơn. Nhưng những người tái phạm và những người che đậy hành vi sai trái hoặc đe dọa người tố cáo sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Theo PGS. Fei Wang, nhà nghiên cứu khoa học-chính sách tại Đại học Công nghệ Đại Liên (Trung Quốc), người đã có nhiều bài viết về liêm chính học thuật, chính sách này cũng cho phép các cơ quan hoặc cá nhân bị điều tra có quyền kháng cáo, kể cả thông qua tòa án – một vấn đề rất quan trọng trong quy trình tố tụng. Thêm vào đó, chính sách mới cũng yêu cầu những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải bị xử công khai để làm gương. GS. Li Tang, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại ĐH Phục Đán (Thượng Hải - Trung Quốc) cho rằng: “Việc minh bạch này sẽ giúp ngăn ngừa các hành vi sai trái”.

Con đường dài

Các quy định mới đưa ra lần này được xem là phản ứng trước các vụ việc liên quan đến hối lộ, đạo văn, làm sai lệch dữ liệu và giả mạo quy trình bình duyệt đã dẫn đến một số lượng lớn các bài báo bị rút lại trong vài năm trở lại đây. Hồi năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) đã phải đưa ra cam kết ngăn chặn hành vi sai trái trong liêm chính học thuật sau một bê bối lớn liên quan đến việc rút lại 107 bài báo nghiên cứu trên tạp chí Tumor Biology, từng thuộc về tập đoàn xuất bản Springer Nature. Các bài báo đã bị rút lại do người ta đã phát hiện rằng các bài bình duyệt là giả mạo, và nhiều bài báo trên thực tế được “sản xuất” từ các “lò công bố”.

Thực tế thì các vấn đề đạo đức và liêm chính học thuật tại Trung Quốc đã là một vấn đề dai dẳng và thu hút sự quan tâm trong nhiều năm qua. Số lượng các vi phạm bắt đầu tăng mạnh từ sau năm 2002. Số liệu chính thức năm 2018 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) cho thấy từ năm 2007 đến 2017 đã có 64 vụ việc vi phạm liêm chính học thuật, xảy ra tại 46 trường đại học và một viện nghiên cứu cấp trung ương. Để đối phó thì cho đến năm 2018, Trung Quốc đã ban hành 108 chỉ thị, chính sách và quyết định liên quan đến liêm chính học thuật, trong đó 82 văn bản được đưa ra trong hơn 10 năm trở lại đây, theo China Daily/ Tân Hoa Xã.

Tuy nhiên, thực tế là việc vi phạm các quy tắc vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là vấn đề của việc chậm trễ trong thực thi các quy định đã có. Theo ông Fang: “tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn cách đây 10 năm,” ông nhận xét: “Hành vi sai trái giờ đã trở nên có hệ thống và đã bị thương mại hóa. Có rất nhiều công ty xuất bản ma tồn tại để giúp các nhà nghiên cứu viết và công bố các bài viết học thuật ngụy tạo”.

Chen Xiaotian, thủ thư tại Đại học Bradley, Peoria (Illinois – Mỹ) cũng nói thêm: “Dữ liệu ngụy tạo, hình ảnh bị chỉnh sửa và bình duyệt giả đã trở thành một thứ văn hóa được chấp nhận, và việc thuê viết hộ nghiên cứu hay viết cho các ‘lò công bố’ đã được coi như chuyện thường.” Một ví dụ của hiện tượng này là vào tháng hai, tạp chí Nature xuất bản báo cáo của một nhóm các nhà nghiên cứu, trong đó xác định hơn 450 bài công bố của các tác giả có liên kết với các bệnh viện Trung Quốc đã sử dụng các hình ảnh sai phạm, một dấu hiệu rằng chúng có thể đến từ một “lò công bố” quốc tế như thế.

Như là một hệ quả, dù trong vài năm trở lại đây số lượng công bố quốc tế của Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (tức là chiếm đến 8,2% tổng số công bố quốc tế); thì số lượng công bố bị rút lại chỉ tính đến năm 2017 đã chiếm 24,2% tổng số, một sự chênh lệch rất bất thường, theo phân tích của GS. Li Tang trên Nature hồi tháng 11/2019.

Phản ứng trái chiều

Nhà nghiên cứu xếp lồng chuột thí nghiệm tại một cơ sở nuôi giống tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nguồn: Qilai Shen/Getty/Nature
Nhà nghiên cứu xếp lồng chuột thí nghiệm tại một cơ sở nuôi giống tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nguồn: Qilai Shen/Getty/Nature

Trước chính sách mới, một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng các quy định này sẽ giúp hạn chế các hành vi sai trái và cải thiện đạo đức và liêm chính học thuật trong hệ thống nghiên cứu tại nước này. Đây là “một bước tiến lớn”, theo GS. Li.

Nhưng ở góc độ khác, ông Fang cho rằng những gì Trung Quốc đã làm cho đến nay không thể đảm bảo rằng bộ quy định mới sẽ không có tác dụng làm giảm các hành vi sai trái. Đó là vì các quy tắc hiện hành đã không thể ngăn chặn các hành vi đó: “Họ đâu cần phải đưa ra các quy định mới. Có rất nhiều quy định cũ đã có sẵn rồi,” ông nói. Th.S. Chen cũng chỉ ra trên thực tế, bất chấp việc năm 2015 một số cơ quan chính phủ đã ban hành quy định cấm các nhà nghiên cứu thuê các công ty viết và gửi bản thảo, bao gồm cả việc chỉnh sửa bất kỳ nội dung nào khác ngoài ngữ pháp, hoặc cung cấp bình duyệt ngụy tạo, nói rằng một số lò công bố vẫn tiếp tục quảng cáo dịch vụ công khai. Do đó, theo ông, chính phủ cũng cần phải mạnh tay đóng cửa những dịch vụ này.

Thêm vào đó, để có tác động thực sự, Chính phủ Trung Quốc cần phải xử lý một trường hợp điểm: “Những tác giả có hành vi sai trái trong nghiên cứu, đặc biệt là những người ở vị trí quyền lực và quan trọng cần phải chịu hậu quả”. GS. Li Tang cũng đồng ý yêu cầu phải cần có hành động thực sự để xử lý vi phạm: “Những gì xảy ra tiếp theo mới có tính quyết định.” Mặt khác, các quy định mới sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu hợp tác trong việc điều tra và các tổ chức để tìm hiểu sâu hơn về các hành vi sai trái tiềm ẩn, bà Li nói.

Nhưng GS. Li cũng lưu ý rằng dù các quy định có thể giúp cải thiện tình hình liêm chính học thuật ở Trung Quốc, vẫn rất khó để có thể chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa chúng với nhau. Theo bà thì việc tăng cường báo cáo các trường hợp sai phạm ở Trung Quốc có thể phản ánh chính sách chặt chẽ hơn, và rằng vấn đề này đang được xem xét một cách nghiêm túc hơn ở Trung Quốc và nước ngoài.

Bốn phương cách để nâng cao uy tín học thuật Trung Quốc?

Trong một bài bình luận trên Times Higher Education đầu năm nay, GS. Huang Futao, chuyên gia chính sách khoa học Trung Quốc tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) cho rằng việc ngăn chặn các hành vi sai trái trong khoa học sẽ cần phụ thuộc không chỉ vào các quy định mà còn là các cải cách hệ thống sâu rộng.

Thứ nhất, Trung Quốc cần phải thành lập một bộ khung quy tắc quản lý chất lượng có tính toàn diện và có tính ngăn chặn. Chúng phải bao gồm giảng dạy cho với nhà nghiên cứu (đặc biệt là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp) về đạo đức khoa học và các nguyên tắc liêm chính trong học thuật. Chúng cũng bao gồm việc sử dụng rộng rãi các phần mềm theo dõi và phòng tránh vi phạm học thuật.

Thứ hai, các nhà khoa học đầu ngành không nên được khuyến khích nắm giữ các vị trí trong nhà nước hay doanh nghiệp không có liên hệ đến hoạt động nghiên cứu của cá nhân mình. Họ cần làm việc trong các môi trường chuyên nghiệp để có thể tập trung tài năng và sức lực cho nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, cần phải thành lập các ủy ban theo dõi độc lập nhằm xác thực các tố cáo vi phạm học thuật. Những ủy ban như thế cần được trao quyền ban hành các hình thức xử phạt mạnh tay hơn các quy định hiện có. Bên cạnh đó, các hoạt động học thuật ở cấp đại học cần được đặt trong sự thống nhất giữa cơ chế tự chủ viện trường và tự do học thuật theo các quy định nhà nước. Nghiên cứu không nên bị ảnh hưởng bởi mục tiêu chính trị hay kinh tế, và mục tiêu của nghiên cứu không phải để giành được nhiều tài trợ hay gia tăng số lượng công bố quốc tế, mà phải là ở mục tiêu khoa học và phục sự con người.

Thứ tư, chính phủ và lãnh đạo các viện trường cần phải biết rằng liêm chính học thuật đến từ việc tuyển mộ các nhà nghiên cứu có liên hệ chặt chẽ với đề tài nghiên cứu vào vị trí theo dõi và giám sát, chứ không phải những người đang nắm quá nhiều vị trí và công tác quản lý.