Ở những phút cuối cùng của COP26, Ấn Độ đã thay thế cam kết “loại bỏ” than bằng cam kết “giảm dần” việc sử dụng than.

Ấn Độ biết cái giá phải trả khi sử dụng than. Theo ước tính, khí thải từ đốt than giết chết 112.000 người Ấn Độ mỗi năm. Ấn Độ cũng đã tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo: trong thập kỷ qua, công suất năng lượng tái tạo của nước này tăng gấp bốn lần. Vậy tại sao Ấn Độ vẫn đốt rất nhiều than và thay đổi cam kết "loại bỏ" than, một cam kết được dự đoán sẽ có ảnh hưởng lớn đến chuyển đổi năng lượng.

Ảnh minh họa

Lý do đầu tiên là nhu cầu năng lượng. Dân số Ấn Độ, hiện tại là 1,4 tỷ người và vẫn đang tăng lên, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cũng tăng vọt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong vòng 20 năm tới Ấn Độ cần bổ sung công suất tương đương với tất cả sản lượng điện của EU. Ngay bây giờ, 70% điện năng của nước này đến từ than đá. Chính phủ đã hứa tăng công suất năng lượng tái tạo lên 500 gigawatt vào năm 2030, gấp đôi sản lượng hiện tại, nhưng ngay cả mục tiêu này vẫn chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu dự kiến. Để chuyển sang năng lượng tái tạo, cần nâng cấp hệ thống lưới điện đã cũ kỹ. Các công ty phân phối điện của Ấn Độ, với tổng số nợ lên đến 80 tỷ USD, không đủ nguồn lực để đầu tư vào hệ thống lưu trữ và truyền tải năng lượng tái tạo ổn định. Do đó, điện mặt trời, một giải pháp năng lượng tái tạo rất tiềm năng ở Ấn Độ, khó triển khai ở quy mô lớn.

Không chỉ Ấn Độ, nhiều quốc gia khác cũng lo sợ viễn cảnh không đáp ứng được nhu cầu năng lượng, gây kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Đó là lý do tại sao Trung Quốc và Ấn Độ đồng lòng đòi hỏi một giai đoạn chuyển tiếp “giảm dần” than đá. Hơn nữa, hai nước này đều cảm thấy đang phải chịu bất công về vấn đề than đá: phương Tây đã đốt hàng núi than trên con đường trở nên giàu có, và giờ đây tìm cách ngăn cản họ đốt than. Và mặc dù Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ than lớn thứ hai thế giới, nhưng tính trên đầu người mới chỉ đốt cháy khoảng hơn 1/3 than so với Mỹ.

Ấn Độ có một lý do khác để níu kéo than đá: chính trị. Duy trì khai thác than kéo theo một lượng lớn phiếu bầu của cử tri. Theo một nghiên cứu, sinh kế của khoảng 10-15 triệu người Ấn Độ phụ thuộc vào than, nhiều người trong số họ là thợ mỏ ở các bang nghèo nhất của đất nước, Jharkhand và Chhattisgarh.

Tất cả những điều này khiến cho việc loại bỏ than khỏi nền kinh tế của Ấn Độ trở nên vô cùng khó khăn. Nhưng theo các chuyên gia, vẫn có thể thực hiện các bước tiến nhất định. Đầu tiên, Ấn Độ có thể tân trang các nhà máy hiện có để đốt than theo cách sạch hơn. Và nếu cải thiện cơ sở hạ tầng phân phối, Ấn Độ có thể khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời hiệu quả hơn. Nhưng vấn đề lớn cuối cùng là những người lao động phụ thuộc vào khai thác than: để chuyển đổi, Ấn Độ phải tìm ra cách cung cấp được cho họ cơ hội việc làm tốt hơn.

Nguồn: