Tại COP26, một số quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng, hạn chế phát thải khí methane và ngừng đầu tư công vào điện than.

Những ngày đầu tiên của Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) đã chứng kiến một loạt các thông báo từ các nhà lãnh đạo thế giới, hứa hẹn giải quyết biến đổi khí hậu.

Methane cháy tại một hố dầu. Một cam kết chính cho đến nay tại COP26 là thỏa thuận cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030.

Giảm phát thải methane

Một trong những cam kết quan trọng trong tuần đầu tiên của COP26 là thỏa thuận hạn chế phát thải khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh chỉ sau carbon dioxide. Cam kết giảm phát thải methane, do Mỹ và Liên minh Châu Âu đứng đầu, tìm cách hạn chế 30% phát thải methane vào năm 2030 và đã được hơn 100 quốc gia ký kết.

Ấn Độ cam kết trung hòa carbon

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thu hút sự chú ý của thế giới khi tuyên bố nước này sẽ đạt mức phát thải ròng carbon bằng không vào năm 2070.

Giới khoa học vốn hoài nghi những cam kết phát thải ròng carbon bằng không vào giữa thế kỷ, vì nhiều khi các nhà lãnh đạo đưa ra những cam kết dài hạn nhưng lại không thực hiện các quyết định ngắn hạn để đáp ứng những cam kết đó. Nhưng cam kết của Ấn Độ bao gồm các mục tiêu ngắn hạn có thể đo lường được, chẳng hạn như cam kết 50% điện năng của Ấn Độ sẽ đến từ các nguồn tài nguyên tái tạo và giảm phát thải một tỷ tấn carbon vào năm 2030.

Đầu tư cho khí hậu

Hơn 450 tổ chức trong lĩnh vực tài chính ở 45 quốc gia cam kết đầu tư tổng cộng 130 nghìn tỷ USD cho những bên nhận đầu tư có cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Các chính phủ cũng công bố các khoản đầu tư mới vào công nghệ sạch. Và hơn 40 quốc gia, bao gồm Vương quốc Anh, Ba Lan, Hàn Quốc và Việt Nam, đã cam kết loại bỏ dần điện than vào thập niên 2030 (đối với các nền kinh tế lớn) hoặc 2040 (trên toàn cầu) và ngừng tài trợ công cho nhiệt điện than.

Trước đó, từ năm 2009, các chính phủ từng cam kết mỗi năm cho đến năm 2020 sẽ cung cấp 100 tỷ USD phục vụ các mục tiêu khí hậu cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhưng các báo cáo cho biết phải mất hai năm nữa thì tổng số tiền đầu tư mới đáp ứng cam kết này; ngoài ra, khoảng 70% số tiền là dưới dạng các khoản vay.

Tại COP26, hơn 130 quốc gia đã đồng ý ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng vào năm 2030.

Chấm dứt nạn phá rừng

Hơn 130 quốc gia cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030. Các bên ký kết chiếm 90% rừng trên thế giới.

Đã từng có các cam kết tương tự. Tuyên bố New York về Rừng năm 2014, được ký kết bởi một liên minh gần 200 quốc gia, kêu gọi giảm một nửa nạn phá rừng vào năm 2020 và “phấn đấu” chấm dứt phá rừng vào năm 2030.

Liên hợp quốc cũng từng cam kết làm chậm lại và cuối cùng đảo ngược sự mất đa dạng sinh học.

Nhưng các cam kết như vậy đến nay chưa được thực hiện và không có giám sát chính thức. Các nhà nghiên cứu cho biết cam kết mới ở COP26 cũng sẽ khó có kết quả nếu không có cơ chế thực thi rõ ràng.

Một số nhà khoa học thì nói rằng cam kết này vẫn là dấu hiệu tích cực, vì các Hội nghị COP trước đây chưa thảo thuận về rừng nhiều như năm nay ở Glasgow.

Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu là hội nghị thường niên củaLiên hợp quốc, tập hợp các chính phủ và các tổ chức tài chính trên khắp thế giới để đưa ra các cam kết và kế hoạch hành động chung của thế giới hướng tới hạn chế biến đổi khí hậu. Cụ thể là các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, trong đó quan trọng nhất là hạn chế mức nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C hoặc nhiều nhất là 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.

COP 26 năm nay diễn ra từ 31/10 đến 12/11 tại Glasgow, Anh.

Nguồn: