Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm gần đây đang cạn kiệt dần nguồn nước ngọt bởi hệ thống thủy điện và hồ tích nước trên dòng Mekong ngày càng dày đặc. Đó chỉ là phần nổi của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra và tác động cụ thể vào Việt Nam.
Đầu năm nay, ĐBSCL trải qua đợt hạn và ngập mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Người dân vùng này đang chờ mãi mà vẫn chưa thấy lũ về. 16 năm qua, mức nước về ĐBSCL giảm dần và hiện chỉ bằng 1/2 so với năm 2000.
Thời tiết ngày càng khắc nghiệt: Mùa hè ngày càng nắng nóng, còn mùa đông rét sâu kéo dài kỷ lục. Mực nước biển được dự báo ngày càng dâng cao và những vùng như ĐBSCL sớm bị tổn thương.
Nạn hạn hán đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của người dân
các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ai cũng thấy tình trạng đó phần lớn do con người gây ra với việc khai thác cạn kiệt tự nhiên, ngăn sông làm thủy điện, hủy hoại rừng, thải khí CO2 quá nhiều, tàn phá môi trường...
Với những gì đang diễn ra ở ĐBSCL, câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải làm gì để chí ít có thể giúp đời sống của người dân nơi đây bớt đi cực khổ?
Theo nhiều nhà khoa học, chúng ta không thể suốt ngày kêu gọi “đối phó” hay “chống hạn, chống mặn”. Bởi với những gì đã và đang diễn ra, tình trạng này chắc chắn sẽ còn lặp lại, kéo dài.
Với hàng chục dự án thủy điện đã và sẽ xây dựng trên dòng chính sông Mekong cũng như dòng phụ ở các nước, việc làm chủ nguồn nước cho hạ lưu con sông này - vùng ĐBSCL - không thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam.
Vì vậy, điều quan trọng và lâu dài là phải tìm cách thích nghi với điều kiện đó, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Cần có những nghiên cứu trong lĩnh vực thủy lợi cũng như giống cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế; tìm ra những giống cây - nhất là cây lúa - có khả năng chịu mặn cao. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của các nhà hoạch định chính sách và khoa học Việt Nam trong thời gian tới.
Trước tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu cũng như tác động của con người trên phần thượng nguồn sông Mekong, vấn đề của ĐBSCL không còn là việc kiểm soát lũ, chống hạn, xâm nhập mặn... mà phải có những kịch bản, giải pháp hiệu quả để người dân nơi đây sống chung với hạn, mặn hay lũ.
Có như vậy, ĐBSCL mới có thể yên tâm trước những biến đổi ngày càng gay gắt về điều kiện tự nhiên. Không chỉ ĐBSCL, toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Điều đó là dễ hiểu khi Việt Nam là một nước nông nghiệp với khoảng 70% dân số sống bằng nghề nông, 70% lãnh thổ là nông thôn, cuộc sống người dân còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.
Việc ứng phó với biến đổi khí hậu vì thế phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Nói cách khác, chúng ta không thể đối phó mang tính thời vụ mà phải thích nghi lâu dài, ứng xử phù hợp với điều kiện tự nhiên đang diễn ra, cho dù đó chính là hệ quả của hành động con người.