“Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày một khắc nghiệt tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vậy chúng ta có sống chung với xâm nhập mặn được không? Chúng ta có ngăn được mặn không, hay chỉ kiểm soát mặn và trữ ngọt thôi?”.
Đây là câu hỏi được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - đặt ra và đề nghị các nhà khoa học trong nước, quốc tế nghiên cứu để giúp Chính phủ trả lời tại diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Hậu Giang 2016) với chủ đề “ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển bền vững” tổ chức từ 11-15/7 tại tỉnh Hậu Giang.
Lúa, gạo, trái cây đều chịu sức ép
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, 6 tháng đầu năm nay, hạn mặn làm ngành nông nghiệp vùng tăng trưởng âm 2,2%, thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng, chưa kể thiệt hại gián tiếp tới công nghiệp, các ngành nghề khác và sinh kế người dân. Do đó, toàn ngành nông nghiệp cũng sụt giảm tăng trưởng 0,18% so với cùng kỳ, tác động tới GDP 6 tháng đầu năm.
Đặt câu hỏi 3 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, thủy sản và trái cây đang chịu cạnh tranh căng thẳng nhất ở trong nước hay ở nước ngoài, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các nhà khoa học và doanh nghiệp đóng góp thêm cho Chính phủ luận cứ để giải quyết vấn đề. Về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), Phó Thủ tướng cho rằng đây là bài toán tổng thể cần giải quyết ở các khâu quản lý nguồn nước, phòng, chống BĐKH và phát triển bền vững.
ThS Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho biết, ĐBSCL là vựa lúa, được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng về nông nghiệp, thủy sản, du lịch sông nước miệt vườn… Suốt thời gian dài, vùng đất này dựa trên lợi thế về tự nhiên; nhưng hiện điều kiện này đã thay đổi căn bản do BĐKH. Cả tài nguyên đất và nước đều đang đứng trước thách thức lớn. Bên cạnh đó, yêu cầu hội nhập cũng đang đặt ra vấn đề cạnh tranh.
“Việc 18 triệu dân ĐBSCL thích ứng như thế nào với điều kiện thay đổi là câu hỏi lớn mà chỉ có khoa học mới tìm ra giải pháp. Giải pháp chính là cách tạo nước ngọt, tạo những giống lúa, cây, con thích ứng với điều kiện mới. Đó là những giống cây chịu mặn, chịu ngập, chịu hạn…” - ông Hiệp nói.
Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có thể cạnh tranh được hay không trên thị trường nội địa, trong khi hàng hóa các nước phát triển (thịt bò Úc, trái cây Thái Lan, nông sản Trung Quốc…) sẽ vào ồ ạt cũng là đề bài cần các nhà khoa học nghiên cứu giải quyết.
Bản đồ công nghệ tham gia giải bài toán khó
Bộ KH&CN vừa xây dựng thành công bản đồ công nghệ, được xem là cẩm nang cung cấp các thông tin liên quan đến thị trường, công nghệ và sản phẩm của cả nước, trong đó có bản đồ ngành lúa gạo.
Theo TS Tạ Việt Dũng - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN, trong bối cảnh hiện tại, chúng ta phải cạnh tranh hết sức gắt gao với các nước xuất khẩu khác, đặc biệt trong tình hình BĐKH. Bản đồ ngành lúa gạo đã chỉ rõ các nhà khoa học cần tập trung vào nghiên cứu để cải thiện năng suất, chất lượng cũng như chống lại được các loại bệnh, chống chịu hạn, mặn.
Nhờ định hướng này, Viện Lúa ĐBSCL thời gian qua đã tập trung nghiên cứu và tạo ra được một số giống lúa chịu hạn mặn, có năng suất chất lượng và chống chịu sâu bệnh như MO137, OM10373...
Tập đoàn Lộc Trời 1 cũng đẩy mạnh xây dựng hệ thống canh tác lúa - tôm vùng ven biển Nam Bộ và Tứ giác Long Xuyên. Giống lúa BN1 quang cảm nhẹ được trồng trong mùa mưa luân canh với tôm nước lợ trong mùa nắng.
Với mong muốn cung cấp thêm thông tin về công nghệ và giải pháp, trong khuôn khổ MDEC, ngày 14/7, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo: “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị”.
Các giải pháp công nghệ tiên tiến cho một số cây ăn quả chính của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, các mô hình liên kết phát triển bền vững trong ứng dụng, đổi mới công nghệ để phát triển chuỗi giá trị thủy sản, một số công nghệ đã triển khai và sẵn sàng ứng dụng, chuyển giao cho ĐBSCL… được giới thiệu tại hội thảo với kỳ vọng sẽ phần nào giải đáp những thách thức tại vùng này.