Ngân hàng - nhân tố mới của Techmart
Trong 4 ngày diễn ra Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội - Techmart Hanoi 2016 (từ ngày 28/8 đến 1/10), hàng chục nghìn lượt khách đã tới tham quan, tìm kiếm, trao đổi, giao dịch mua bán công nghệ và thiết bị. Trong số đó có nhiều cán bộ quản lý, nhà khoa học, các doanh nhân, nông dân… Sự xuất hiện của các ngân hàng được cho là nhân tố mới trong dịp tổ chức Techmart lần này.
Bà Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, Bộ KH&CN - cho biết, techmart có từ năm 2003, đến nay đã 14 năm, thế nhưng đây là lần đầu tiên có sự tham gia của ngân hàng và các quỹ.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Chủ nhiệm UBKH-CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng (từ trái qua) tham quan các gian hàng tại Techmart Hanoi 2016. Ảnh: Loan Lê
“Giờ các ngân hàng, các quỹ mới thấy techmart là nơi có thể lựa chọn những cặp ký kết hoặc những cặp đối tác có tiềm năng, họ có thể cho vay hoặc “làm một cú hích” về vốn. Điều này giúp họ giảm rủi ro, nợ xấu. Tôi nghĩ đó là đổi mới của ngân hàng và có lẽ sau kỳ Techmart này, các ngân hàng sẽ nhận thấy Techmart là thị trường rất tiềm năng, vừa tránh nợ xấu vừa phát triển được quỹ tín dụng của mình” - bà Lê Thị Khánh Vân nói.
Trong khi đó, theo TS Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, tại Techmart Hanoi 2016 đã có 28 cặp đôi ký kết hợp đồng với tổng giá trị lên đến 150 tỷ đồng. Đây có thể xem là một thị trường tiềm năng đối với các quỹ, các ngân hàng.
Hợp đồng chuyển giao công nghệ và thiết bị sản xuất giá thể mạ và mạ công nghiệp phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại huyện Phú Xuyên; hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất cối trộn bêtông cưỡng bức 2 trục ngang 2.550/1.650 lít; cung cấp nguyên liệu phức hệ nano FGC sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; chuyển giao công nghệ xử lý bã thải sau chưng cất tinh dầu sả để sản xuất phân bón… đều là những dự án được đánh giá là mang tính khả thi cao mà ngân hàng có thể xem xét việc rót vốn đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Techmart 2016 tập trung kêu gọi các doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ tài chính đầu tư vào các công nghệ và sản phẩm của kết quả nghiên cứu khoa học có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển, hỗ trợ cho các nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp đã và sẽ khởi nghiệp kinh doanh bằng chính kết quả nghiên cứu của mình. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới doanh nghiệp, đánh giá và hỗ trợ giải quyết hiệu quả mối quan hệ cung - cầu của công nghệ và thiết bị.
“Techmart nói chung và Techmart Hanoi 2016 nói riêng thực sự bước đầu tạo cho các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thói quen lựa chọn, tìm kiếm thông tin công nghệ và thiết bị khi giải quyết những vấn đề kỹ thuật mà sản xuất yêu cầu; tiếp xúc với không gian tư vấn chuyên nghiệp về chuyển giao công nghệ mà tại đó, các doanh nghiệp giới thiệu nhu cầu đổi mới công nghệ, những khó khăn về công nghệ, thiết bị mà doanh nghiệp đang cần được tư vấn giải quyết cũng như năng lực cung ứng thiết bị và công nghệ” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Thị trường KH&CN đang hoàn thiện
Trên thực tế, việc tổ chức các techmart đều nhằm mục đích đưa được những kết quả nghiên cứu có thể lưu thông trên thị trường vào ứng dụng và giúp gắn kết nhà khoa học với doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, phát triển thị trường KH&CN là một chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm thúc đẩy lưu thông kết quả nghiên cứu vào thị trường, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ, tăng cường gắn kết nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đến nay, thị trường KH&CN Việt Nam đã từng bước được hình thành và đạt một số thành quả đáng khích lệ. Môi trường pháp lý vận hành thị trường KH&CN cơ bản đã được hoàn thiện. Các quyền về tài sản trí tuệ, quyền giao dịch và mua bán công nghệ được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ” - Bộ trưởng nói.
Cũng chung quan điểm này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện liên kết với các nhà khoa học để áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ, thiết bị, giúp cho các doanh nghiệp không phải tự mày mò giải quyết khó khăn trong sản xuất.
Cũng qua techmart, nhiều nhà khoa học sẽ tìm được thị trường mới cho công nghệ của mình; nhà quản lý thấy được những điểm cần khắc phục trong việc tổ chức và quản lý thị trường KH&CN, từ đó đưa ra chính sách phù hợp với nhu cầu đòi hỏi hiện tại.