Ông Lê Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty cổ phần thép Bắc Việt - chia sẻ như vậy khi nói về nhu cầu đổi mới công nghệ và khả năng tiếp cận các vốn ưu đãi của Chính phủ và các quỹ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Việt Nam hiện có 1.383 doanh nghiệp CNHT, chủ yếu tham gia ở những công đoạn có công nghệ giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Ví dụ, trong ngành dệt - may, doanh nghiệp Việt chỉ tập trung vào các sản phẩm như: Cúc, xốp đựng, đệm bông, nhựa cài, chỉ, dây khóa, băng chun, băng dính. Các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi, chất trợ nhuộm, in hoa… chủ yếu nhập khẩu.
Sản xuất tại Công ty thông tin M1 của Tập đoàn Viettel. Ảnh: PN
Trong ngành da - giày, chất lượng da sống, da tổng hợp, da nhân tạo sản xuất trong nước không đáp ứng yêu cầu. Ngành thiết bị điện - điện tử nhiều năm nay vẫn chỉ loay hoay với việc gia công, lắp ráp…
Theo TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp CNHT trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh ngày càng cao do nhiều nhà cung ứng toàn cầu có lợi thế cao về công nghệ và khả năng cung ứng với giá thấp, khối lượng lớn, đặc biệt là các nhà cung ứng từ Trung Quốc. Hiệp định TPP cũng quy định hàm lượng xuất xứ hay hàm lượng nội địa hóa trong sản phẩm phải đạt ít nhất 60% mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
“Do đó, các doanh nghiệp CNHT trong nước phải luôn tích cực thay đổi mô hình phát triển, lấy đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn theo nhu cầu khách hàng làm căn cứ. Nói cách khác, cần đầu tư công nghệ phù hợp với sản phẩm và thị trường mục tiêu” – TS Tạ Việt Dũng cảnh báo.
Trước bối cảnh đó, ông Trương Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội - cho rằng, cần tập trung nguồn lực quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành CNHT. Đặc biệt, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị mới, nhà xưởng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm sản xuất các sản phẩm CNHT có giá trị cao.
Không dễ nhận ưu đãi
Tuy các doanh nghiệp đều thấy rõ việc đổi mới công nghệ sẽ mang lại nhiều lợi thế, nhưng làm được điều đó không đơn giản. Như Công ty cổ phần công nghệ Bắc Việt – chuyên sản xuất linh phụ kiện nhựa cho Canon và Samsung – tuy là nhà cung ứng cấp 1 có đầu ra ổn định nhưng sản phẩm rất đơn giản, đơn chiếc chứ không phải được kết nối, lắp ráp hoàn chỉnh.
Theo ông Lê Văn Cường, các hãng thường đặt hàng sản phẩm rời rạc nên nguy cơ mất đơn hàng do chỉ làm được một phần của sản phẩm rất cao. Trong khi đó, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT lại chỉ ưu đãi sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, hoặc có nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn EU.
Doanh nghiệp được vay tối đa, thậm chí tới 70% vốn đầu tư nhưng đó phải là dự án đầu tư mới, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, dự án đã được tổ chức bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh vay vốn.
“Với quy định đó, để đủ điều kiện hưởng ưu đãi, doanh nghiệp rất trầy trật. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ gặp nhiều khó khăn” – ông Cường nói.
Ông Cường cũng chỉ ra những khó khăn khi tiếp cận Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), như NATIF yêu cầu doanh nghiệp phải có công nghệ hoàn toàn mới.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa chắc chắn không đủ tiềm lực tài chính để nghiên cứu ra công nghệ mới, còn mua công nghệ mới thì giá lại rất cao. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ của Bộ KH&ĐT yêu cầu doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi thuộc danh mục ưu tiên hỗ trợ của quỹ (thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, quản lý và xử lý nước thải, rác thải…). Việc đáp ứng các điều kiện này để được vay vốn lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn đang giải đáp câu hỏi sản phẩm làm ra bán cho ai thật không dễ dàng” – ông Cường diễn giải.
Mặc dù vậy, ông Hoàng Văn Phong - Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia - gợi ý rằng để tăng cơ hội hưởng ưu đãi, các doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng cũng như cơ chế hỗ trợ của các quỹ để biết rõ sản phẩm công nghệ doanh nghiệp đang tìm kiếm cần đạt tiêu chí nào để đáp ứng các điều kiện nhận tài trợ.