Vấn đề này được nêu trong buổi làm việc mới đây của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại TPHCM. Theo đánh giá của Bộ KH&CN, do hầu hết doanh nghiệp CKCT và CNHT Việt Nam thiếu vốn và thiết bị, công nghệ lạc hậu, sản xuất manh mún nên tuy có đủ chính sách hỗ trợ, họ hầu như chỉ hưởng lợi trên giấy tờ.
Doanh nghiệp thiếu thông tin
Ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, xã hội - cho biết, từ năm 2011-2025 Việt Nam chi 250 tỷ USD nhập trang thiết bị. Trong CNHT, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước của một số ngành trọng điểm như ôtô chiếm 20-30%, da - giày, dệt - may trên 10%. Với CKCT, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 27 tỷ USD máy móc, thiết bị, trong khi giá trị xuất khẩu máy móc chỉ đạt 15 tỷ USD. Năng lực ngành cơ khí chỉ đáp ứng 32,12% nhu cầu trong nước.
Máy phay gppx CNC 3 trục của Viện Cơ khí (Đại học Bách khoa Hà Nội) tại chợ Thiết bị và Công nghệ Việt Nam quốc tế 2015. Ảnh: T. Hải
Cho rằng đóng góp của CNHT và CKCT còn khiêm tốn, ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai - nói: “Khó khăn lớn nhất là kinh phí. Theo nghị quyết của Chính phủ, KH&CN được đầu tư 2% GDP nhưng có lẽ không tỉnh nào đạt. Ở Đồng Nai, con số này là 0,8%”.
Theo ông Hậu, hiện Nhà nước có chính sách nội địa hóa sản phẩm CNHT và CKCT, nhưng chính sách chung vẫn coi nhập khẩu công nghệ là nguồn cung chủ yếu trong 10-15 năm tới. “Công nghệ cao, hiện đại được nhập rất ít. Nội dung chuyển giao chủ yếu là thiết bị kèm theo công nghệ, không có hợp đồng chuyển giao công nghệ độc lập” - ông Hậu nói.
Chính sách thông tin cũng được doanh nghiệp rất quan tâm. Ông Lê Minh Trung - Sở Công Thương TPHCM - chia sẻ: “Các nhà đầu tư đang rất thiếu dữ liệu về thị trường như sức mua, các ngành hàng đã phát triển, khả năng đáp ứng của các công ty... Những thông tin đó rất cần để kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp”.
“Có doanh nghiệp dược muốn biết Việt Nam mỗi năm nhập những thuốc gì, tổng giá trị bao nhiêu nhưng không ai trả lời được. Thông tin có nhưng rải rác, không được tổng hợp. Đây là thông tin cần thiết để doanh nghiệp xác định nên đầu tư vào lĩnh vực nào” - ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TPHCM - phản ánh.
Theo ông, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước hiện rất yếu. Nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu sản phẩm CNHT sang Mỹ, rồi doanh nghiệp Việt khác lại nhập chính sản phẩm đó. Nếu kết nối tốt, họ có thể tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc.
Cần chương trình hỗ trợ toàn diện
Nêu các giải pháp phát triển CNHT mà TPHCM đã áp dụng, ông Trung cho biết: “TPHCM đã lập trung tâm phát triển CNHT, giúp doanh nghiệp làm thủ tục hành chính, xin cơ chế, chính sách. Thành phố chuẩn bị mặt bằng 500ha để hút nhà đầu tư và 2.000m2 xây nhà xưởng cho doanh nghiệp thuê với giá ưu đãi, số tiền đó lại được dùng hỗ trợ họ. Các cửa hàng trưng bày sản phẩm thế mạnh cũng được thành lập”.
Để tránh việc nhiều địa phương nghiên cứu một sản phẩm, ông Đào Đức Thanh - Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ Bình Phước - nêu giải pháp: “Nên có nhiệm vụ liên kết khoa học giữa các địa phương, với những sản phẩm đặc thù. Bộ KH&CN có thể làm đầu mối và giao cho địa phương có thế mạnh về nhiệm vụ đó”.
Về vấn đề thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, theo ông Trung, nên lập trang web công bố các thông tin như hàng nhập khẩu, số lượng, giá trị nhập, xuất. Các doanh nghiệp sẽ tự khai thác và phân tích số liệu này.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng - Viện Kinh tế quản lý TPHCM, nguyên nhân lớn nhất khiến CNHT và CKCT chưa phát triển là nguồn nhân lực quá non trẻ, chưa làm chủ công nghệ, nắm bắt định hướng chiến lược cho toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho rằng: “Nhìn vào nhu cầu nhập khẩu sản phẩm CNHT và CKCT hằng nằm, tôi cho rằng cần có tư duy quản lý đi cùng tư duy doanh nghiệp. Nhu cầu thực tế đặt ra là Việt Nam phải đầu tư cho CNHT. Chúng ta có đủ điều kiện và dư địa để thực hiện điều này”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng công nghệ cũng là hàng hóa, ẩn chứa bên trong các dự án và sản phẩm. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt giữa Bộ KH&CN với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
“Về chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp trong nước đăng ký rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài muốn tận dụng ưu đãi đầu tư. Chúng tôi đang đặt lại vấn đề trong cải cách hành chính là có nên hạn chế đăng ký chuyển giao không? Bộ đang phối hợp với cơ quan thuế và Tổng cục Thống kê xem xét vấn đề này” - Bộ trưởng nói và cho biết, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các tỉnh thí điểm tìm kiếm các nhà đầu tư tư nhân.