Những năm 1960-1980, công nghệ làm lợi cho người lao động có kỹ năng thấp, nhưng từ sau đó, tự động hóa làm cho những công việc mới ngày càng ít đi và có lợi cho người lao động có kỹ năng cao.

Công nghệ hiện đại ảnh hưởng đến người lao động theo những cách khác nhau. Đối với một số công việc "văn phòng" - như nhà thiết kế, kỹ sư - họ trở nên năng suất hơn nhờ phần mềm hỗ trợ. Trong các trường hợp khác, các hình thức tự động hóa, từ robot đến hệ thống trả lời điện thoại, lại có thể thay thế công nhân nhà máy, nhân viên lễ tân và nhiều loại nhân viên khác.

Nghiên cứu mới của các nhà kinh tế cho thấy, tự động hóa có tác động lớn hơn đến thị trường lao động và bất bình đẳng thu nhập so với những gì người ta thường nghĩ trước đây.

Các nhà nghiên cứu cũng xác định năm 1987 là dấu mốc quan trọng - thời điểm số công việc bị thay thế bởi tự động hóa không còn cân bằng với số công việc tương tự được phục hồi.


Trong các ngành công nghiệp áp dụng tự động hóa, nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn 1947-1987, trung bình 17% số công việc bị mất do tự động hóa, trong khi mức độ phục hồi (hay cơ hội cho những công việc tương tự) là 19%. Nhưng từ năm 1987-2016, mức độ mất việc là 16%, trong khi mức độ phục hồi chỉ là 10%. Nói tóm lại, có những vị trí ở nhà máy hoặc công việc trả lời điện thoại dần mất đi và không quay trở lại.

"Rất nhiều cơ hội việc làm mới mà công nghệ mang lại từ những năm 1960 đến những năm 1980 làm lợi cho người lao động có kỹ năng thấp," theo Daron Acemoglu, GS kinh tế ở MIT, đồng tác giả nghiên cứu. "Nhưng từ những năm 1980, và đặc biệt là vào những năm 1990 và 2000, người lao động có kỹ năng thấp chịu tác động tiêu cực kép: họ bị tổn thương bởi mất việc, trong khi những công việc mới ngày càng ít đi và có lợi cho người lao động có kỹ năng cao."

Nghiên cứu có tên "Unpacking Skill Bias: Automation and New Tasks", sẽ xuất hiện trong ấn phẩm thường niên của Hiệp hội kinh tế Mỹ vào tháng 5 này. Đồng nghiên cứu với GS Daron Acemoglu còn có PGS kinh tế tại Đại học Boston - Pascual Restrepo.

Bước thụt lùi của công nhân tay nghề thấp

Đây chỉ là một trong một số nghiên cứu mà Acemoglu và Restrepo đã tiến hành để tìm hiểu tác động của robot và tự động hóa đến việc làm. Trong một nghiên cứu khác, họ kết luận rằng trên khắp nước Mỹ, từ năm 1993 đến 2007, mỗi robot mới thay thế 3,3 công việc.

Acemoglu và Restrepo cũng từng khảo sát ngành công nghiệp Pháp từ năm 2010 đến 2015. Họ phát hiện ra, các công ty nhanh chóng chuyển sang sử dụng robot đã hoạt động hiệu quả hơn và thuê nhiều công nhân hơn, trong khi các đối thủ của họ tụt lại phía sau và phải sa thải nhân viên - và về tổng thể, số việc làm vẫn bị giảm.

Trong nghiên cứu mới nhất, Acemoglu và Restrepo xây dựng mô hình hiệu ứng công nghệ trên thị trường lao động, đồng thời kiểm tra mô hình bằng cách sử dụng dữ liệu thực nghiệm từ 44 ngành công nghiệp. (Nghiên cứu sử dụng số liệu thống kê điều tra dân số của Mỹ về việc làm và tiền lương, cũng như dữ liệu kinh tế từ Cục Phân tích kinh tế và Cục Nghiên cứu lao động, cùng các nguồn khác.)

Các mô hình tiêu chuẩn trước đây ước tính tăng trưởng tiền lương cho những người lao động có kỹ năng thấp là khoảng 1% mỗi năm, trong khi theo mô hình do Acemoglu và Restrepo xây dựng, tiền lương thực tế của những người lao động có kỹ năng thấp đã giảm kể từ những năm 1970. "Nhu cầu về kỹ năng đã giảm, [và điều này] hầu như chỉ xảy ra ở các ngành công nghiệp có mức độ tự động hóa cao," Acemoglu nói.

Các công nghệ "nhàng nhàng" là rất, rất tệ

Theo Acemoglu, tự động hóa "khác với các thay đổi công nghệ thiên về kỹ năng," vì nó có thể thay thế việc làm của công nhân mà không tăng thêm nhiều năng suất cho nền kinh tế.

Hãy nghĩ về một hệ thống tự thanh toán trong siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi: Nó giảm chi phí lao động mà không làm cho nhiệm vụ thanh toán trở nên hiệu quả hơn. Sự khác biệt là công việc thanh toán sẽ được thực hiện bởi một người mua, chứ không phải nhân viên siêu thị được trả lương. Acemoglu và Restrepo gọi những loại hệ thống này là "các công nghệ nhàng nhàng," do giá trị chúng mang lại chỉ là tối thiểu.

"Các công nghệ nhàng nhàng không hoàn thành công việc một cách quá tốt, không ai hào hứng tự thanh toán từng mặt hàng của họ khi ra khỏi siêu thị, và không ai thích gọi các hãng hàng không mà lại bị chuyển qua các hệ thống trả lời tự động," Acemoglu nói. "Các công nghệ nhàng nhàng là những thiết bị tiết kiệm chi phí cho các công ty, chỉ giảm chi phí một chút nhưng không làm tăng năng suất lên nhiều. Chúng gây mất việc cho một số người nhưng cũng không có lợi cho các công nhân khác, và các công ty không có lý do gì để thuê thêm công nhân hoặc trả cho các công nhân khác nhiều hơn."

Acemoglu cho rằng, hậu quả tiêu cực ròng của công nghệ đối với số lượng công việc là không thể tránh khỏi. Nhưng có lẽ, chúng ta có thể tìm ra nhiều cách để phát triển các công nghệ tăng cường số lượng công việc, thay vì các công nghệ thay thế công việc. "Không phải tất cả đều u ám. Không có gì nói rằng công nghệ luôn là xấu cho công nhân," Acemoglu nói. "Quan trọng là lựa chọn mà chúng ta đưa ra về hướng phát triển công nghệ."

Nguồn: