Thị trường dịch vụ của Việt Nam được đánh giá mở cửa ở mức trung bình so với thế giới sau khi gia nhập WTO và thực hiện các FTA.

Dịch vụ tài chính là ngành có tốc độ phát triển nhanh, tuy nhiên vẫn còn hạn chế cho nhà đầu tư nước ngoài
Dịch vụ tài chính là ngành có tốc độ phát triển nhanh, tuy nhiên vẫn còn hạn chế cho nhà đầu tư nước ngoài | Ảnh: HD Bank

Dịch vụ được xem là khu vực kinh tế quan trọng trong bất kỳ nền kinh tế hiện đại nào, bởi nó không chỉ là ngành tạo ra các sản phẩm cuối cùng mà còn là đầu vào trung gian của các ngành khác. Số liệu của UNCTAD năm 2017 chỉ ra các nước phát triển có tỷ trọng dịch vụ chiếm tới 61-76% tổng GDP giai đoạn 1980-2015.

Đối với Việt Nam, tỷ trọng này tăng từ 38% vào năm 2006 (thời điểm gia nhập WTO) lên 41% năm 2017. Qua 12 năm, mức độ tăng của ngành dịch vụ trong tổng sản phẩm quốc nội vẫn rất hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng cũng như nhu cầu của nền kinh tế đối với lĩnh vực này.

Một trong những nguyên nhân được cho là bởi cánh cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam vẫn còn tương đối đóng đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Điều này đã cản trở các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như không tạo ra đủ nhiều sức ép buộc các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải cạnh tranh tốt hơn.

Mức độ cam kết

Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI vừa công bố “Báo cáo nghiên cứu: Tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam” vào cuối tháng 3/2019. Nhóm nghiên cứu dùng phương pháp rà soát lại các cam kết trong những văn bản pháp lý của Việt Nam khi tham gia WTO và ký kết 12 FTA (Hiệp định thương mại tự do) để kết luận rằng bức tranh tự do hóa thị trường dịch vụ của Việt Nam về cơ bản vẫn đang dừng ở mức độ của cam kết WTO.

Một vài mối quan hệ về thương mại dịch vụ của Việt Nam
Một vài mối quan hệ về thương mại dịch vụ của Việt Nam

Trong WTO, Việt Nam cam kết mở cửa với 11 ngành dịch vụ, bao gồm 110 phân ngành. Một số ngành trong đó được xếp vào loại mở cửa hạn chế như dịch vụ thông tin, tài chính, giải trí-văn hóa-thể thao, một số phân ngành vận tải (đường biển, đường sắt, đường bộ…) và phân ngành kinh doanh (khai thác mỏ, nông, lâm nghiệp…)

Các cách thức cung cấp dịch vụ Việt Nam cho phép đối tác nước ngoài chủ yếu vẫn là (1) Cung cấp qua biên giới và (2) Tiêu dùng ở nước ngoài. Phương thức sâu hơn như (3) Hiện diện thương mại hiện vẫn đang bị hạn chế, và (4) Hiện diện của thể nhân chỉ được cam kết với 1 số loại hình lao động đặc thù, tay nghề cao, các lao động phổ thông không bị ràng buộc bởi quy định cụ thể nào.

Với các FTA, thỏa thuận chủ yếu vẫn tập trung vào thương mại hàng hóa, các điều khoản về ngành dịch vụ đươc đề cập hạn chế. Mới chỉ có 3 hiệp định có cam kết về mở cửa dịch vụ cao hơn đáng kể so với WTO, trong đó (AFAS (Gói 9) của AFTA có hiệu lực từ 4/10/2016, VN-EAEU FTA mới thực hiện từ 5/10/2016, còn CPTPP chỉ có hiệu lực từ 14/1/2019. Phần lớn các FTA đều có mức cam kết ở lĩnh vực dịch vụ bằng với WTO, hoặc mở rộng thêm ở 1 vài phân ngành dịch vụ.

Theo rà soát 3 FTA có cam kết cao hơn kể trên, quy định về phương thức cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài theo cách (3) Hiện diện thương mại đã được cải thiện hơn, cũng như bảo hộ đầu tư nước ngoài được nâng cao hơn.

Thực tế mở cửa thị trường dịch vụ

Các chỉ số vè mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của Việt Nam năm 2008 và 2018
Các chỉ số vè mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ của Việt Nam năm 2008 và 2018

Ngân hàng Thế giới đã xây dựng Chỉ số hạn chế thương mại dịch vụ (STRI) nhằm đo lường mức độ cản trở thực tế đối với thương mại dịch vụ của các nước (100 là hoàn toàn hạn chế, 0 là mở cửa hoàn toàn).

Năm 2008, một năm sau nhập WTO, chỉ số STRI của Việt Nam là 41.5/100 - cho thấy mức độ hạn chế thương mại dịch vụ của Việt Nam ở mức trung bình, mở cửa hơn so với Nepal, Bangladesh, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ.

Năm 2016, Báo cáo rà soát pháp luật của VCCI cho biết đã có 80/91 lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam có điều kiện pháp luật tương thích với cam kết mở cửa trong WTO.

Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố báo cáo “Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018” trong đó chỉ số mở cửa thương mại dịch vụ của Việt Nam là 36/100 điểm (trong đó 100 là hoàn toàn hạn chế, 0 là mở cửa hoàn toàn), đứng thứ 73/140 nước. So với quốc gia láng giềng Trung Quốc, Việt Nam đã vượt lên về mức độ cởi mở trong thương mại dịch vụ.

Như vậy có thể nói thị trường dịch vụ của Việt Nam cũng đã được mở cửa tương đối và ở mức trung bình so với thế giới sau khi gia nhập WTO và thực hiện các FTA. Tuy nhiên, cần chú ý là vẫn còn một số lĩnh vực dịch vụ quan trọng, có vai trò không thể thiếu trong việc hỗ trợ các hoạt động sản xuất, xuất khẩu như Tài chính, Truyền thông, Giáo dục, Vận tải vẫn còn duy trì nhiều hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tải báo cáo của Trung tâm WTO tại đây.