Khoa học được chính quyền Triều Tiên coi trọng bởi những ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày và cả ứng dụng trong quân sự.
Các nhà khoa học tại đất nước này được tạo điều kiện làm việc tại các khoa được trang bị thiết bị tiên tiến và được nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhắc đến một cách trân trọng trong các bài phát biểu của mình, theo nhận định của Kee Park – một nhà phẫu thuật thần kinh tại trường Y khoa Harvard từng nhiều lần tới Triều Tiên làm việc. “Chính quyền Triều Tiên quan tâm đến các nhà khoa học vì nhiều nguyên nhân khác nhau”, ông nói.
Park đã thấy giá trị của khoa học lớn đến thế nào với quốc gia bị cô lập này. Các nhà nghiên cứu y khoa Triều Tiên từng phải sử dụng những nguồn thiết bị, hóa chất lỗi thời và hạn chế nhưng giờ họ đã phát triển và chế tạo được những thiết bị siêu âm, xây dựng được máy quét CT y tế từ những chi tiết tạp nham… “Hiện giờ họ còn tự chế tạo được các mô cấy khớp nhân tạo và họ đang ghép chúng cho các bệnh nhân của mình. Với tôi, điều đó thật xuất sắc”, anh nhận xét.
Theo Park, khoa học ở đất nước này là để cải thiện đời sống của những người dân vốn đã quá nghèo. Bên cạnh đó họ cũng phát triển khoa học cơ bản, ví dụ như một nghiên cứu đang được các nhà địa chất học Triều Tiên và phương Tây triển khai tại núi lửa Paektu.
Phát triển công nghệ lưỡng dụng
Nhưng dưới góc nhìn của Pollack, người cất công kiểm tra lại hàng trăm bài báo được xuất bản trên các tạp chí quốc tế đã bình duyệt của các tác giả Triều Tiên, thì các nghiên cứu khác thực sự thuộc dạng “lưỡng dụng” – nghĩa là có cả những ứng dụng cho quân sự và do đó không được phép tiến hành. “Có nhiều khía cạnh trong mô hình toán học có thể ứng dụng vào thiết kế tên lửa và máy bay. Đó còn là phần kỹ thuật liên quan đến các loại cáp có thể sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân. Nó rõ ràng là công nghệ lưỡng dụng”, anh nói.
Theo kết quả phân tích 1.304 công bố quốc tế từ Triều Tiên của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey, các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng một nửa số này có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các ứng dụng quân sự; khoảng 100 công bố thuộc dạng “đáng lo ngại”.
Pollack cũng cho rằng, nghiên cứu tự động hóa cũng không nằm ngoài phạm vi này. Ví dụ như bài báo “Kế hoạch kiểm soát thiết bị lái cơ động cho các loại xe có khớp nối” (Active Steering Control Strategy for Articulated Vehicles) được xuất bản vào năm 2016 là kết quả hợp tác giữa một nhà khoa học tại trường Đại học Công nghệ Kim Chaek ở Pyongyang và các đồng nghiệp Trung Quốc tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Mô phỏng tự động hóa và điều khiển quốc gia ở trường Đại học Jili gần biên giới Triều Tiên.
Các mô hình trong bài báo này là để điều khiển hoạt động của các xe tải đa trục. Các tác giả cho rằng, các công nghệ có thể cải thiện được tính hữu dụng của các cộng cơ, ngăn được khả năng các trục của xe bị rời và “những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến các tai nạn trên đường”. Do đó, người ta đang tin vào việc Triều Tiên đang phát triển công nghệ này để chế tạo những xe có trọng tải lớn, vừa có thể phục vụ các nhiệm vụ dân sự vừa có thể phục vụ quốc phòng, ví dụ như chở các tên lửa hạt nhân.
Bài báo này và những bài báo khác về những chủ đề như sản xuất dây chuyền các động cơ diesel cho thấy khi không thể có được những cỗ xe có trọng tải lớn với những đặc điểm như các thiết bị lái cơ động từ bất cứ quốc gia nào, họ sẽ cố gắng có được hiểu biết để tự thiết kế, chế tạo chúng. “Dĩ nhiên là một số hợp tác kiểu này không được phép tiến hành”, theo Elizabeth Rosenberg – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và nguyên là người phụ trách việc giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên dưới thời chính quyền Obama. Chị cho rằng lệnh cấm vận mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc hạn chế các dòng chảy đầu tư và vật liệu ra và vào Triều Tiên nhưng trên thực tế “đây chưa hẳn là những công cụ phù hợp”.
Những mối lo mới
Nhiều nhà khoa học ở các quốc gia phương Tây phải trải qua quá trình xem xét chặt chẽ của chính phủ trước khi được cho phép hợp tác với các đồng nghiệp Triều Tiên. “Chúng tôi phải được giám sát trước khi đảm bảo là mình hoàn toàn tuân thủ mọi vấn đề liên quan đến sự cấm vận quốc tế,” James Hammond, một nhà địa vật lý tại trường Đại học Birkbeck ở London có sự hợp tác với các nhà khoa học Triều Tiên trong nghiên cứu về núi lửa Paektu, cho biết. Phải mất gần 2 năm làm thủ tục, các thiết bị đo địa chấn cần thiết cho nghiên cứu mới được các Chính phủ Mỹ, Anh chấp thuận, anh cho biết thêm.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ là các nhà nghiên cứu Trung Quốc – vốn là những người tham gia hợp tác nhiều nhất với các đồng nghiệp Triều Tiên như kết quả phân tích của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey, trong số gần 1.400 công bố mà họ xem xét thì có 913 là kết quả hợp tác với Trung Quốc. Một nhà nghiên cứu tiết lộ với NPR là các nhà nghiên cứu đã tới phòng thí nghiệm của anh như một phần thỏa thuận với trường đại học của anh. Yongzhou Hu của trường Đại học Triết Giang hợp tác với một nhà khoa học Triều Tiên về tổng hợp một loại thuốc liên quan đến tác nhân thần kinh. Anh cũng cho biết thêm là Triều Tiên không tài trợ cho nghiên cứu này và cũng không có bằng sở hữu trí tuệ nào từ mối hợp tác này.
Rosenberg tin tưởng sẽ tiếp tục xuất hiện những vấn đề hợp tác mới, dẫu cho Triều Tiên đã phát triển những vũ khí và tên lửa hạng nặng do cả hai loại này cần được cập nhật. Để góp phần giải quyết vấn đề này “cần tập trung chú ý vào các học giả sẽ đến làm việc với họ trong thời gian tới”, chị nói.
Nhưng việc kiểm soát tình trạng này không đơn giản. Park cảnh báo là việc nghiên cứu về công nghệ lưỡng dụng không giới hạn trong tên lửa hoặc vũ khí. “Tôi đưa ra ví dụ này: khi nghiên cứu về thảm họa truyền nhiễm, vốn là vấn đề quan trọng của Triều Tiên, người ta phải nuôi cấy vi khuẩn. Đó là một loại công nghệ có thể phát triển thành vũ khí sinh học”. Do đó có thể việc nghiên cứu để kiểm soát các vấn đề y tế công cộng cũng có thể “biến tướng” sang lĩnh vực quân sự.
Các nhà vật lý Triều Tiên được tiếp tục nghiên cứu tại Ý
Từ trạng thái bị cô lập, các nhà nghiên cứu đã có cơ hội nghiên cứu về khoa học thần kinh tại một trong những viện nghiên cứu xuất sắc của thế giới.
Các nhà nghiên cứu tại trường đại học hàng đầu Triều Tiên đã đón nhận một thỏa thuận đặc biệt với một viện nghiên cứu của Ý, thỏa thuận cho phép họ được tham gia nghiên cứu, học tập ở ngành khoa học thần kinh.
Đây là một cơ hội hiếm hoi cho các nhà vật lý Triều Tiên. Các lệnh cấm vận đã không cho phép họ được tham gia nghiên cứu cùng các nhà khoa học quốc tế bởi lĩnh vực của họ có liên hệ chặt chẽ với nghiên cứu hạt nhân. Do đó thỏa thuận này sẽ cho phép các nhà vật lý Triều Tiên áp dụng năng lực định lượng của mình vào một lĩnh vực nghiên cứu khác: khoa học thần kinh tính toán.
Được Bộ ngoại giao Ý chấp thuận vào đầu tháng 3/2019, thỏa thuận là này kết quả đàm phán giữa khoa vật lý trường Đại học Kim Il-sung và trường Nghiên cứu Tiên tiến quốc tế (SISSA) – một trường đại học ở Trieste, Ý và là nơi từng đón nhận nhiều nhà nghiên cứu Triều Tiên trước đây. Nó được hình thành trên cơ sở mối hợp tác của hai trường và là cơ sở khiến việc tới Ý của các nhà vật lý trường Kim Il-sung tới Ý hợp tác với các đồng nghiệp SISSA thuận lợi hơn. Các nhà nghiên cứu SISSA vẫn “dành chỗ” cho hai đến ba sinh viên Triều Tiên tới viện hằng năm.
Hak-Chol Pak, trưởng khoa vật lý của trường Kim Il-sung, đã xuất bản gần một nửa các công bố trong tình trạng đất nước bị cô lập, nói với Nature là trường đại học của anh muốn xây dựng một viện nghiên cứu về khoa học thần kinh và cần phát triển những chuyên ngành chưa có tại đất nước mình. Thỏa thuận này hoàn toàn độc lập với các hoạt động chính trị, anh nói. “Chúng tôi là các nhà khoa học, chỉ hành động vì khoa học.” |