Những nỗ lực trong suốt 35 năm khôi phục và vận hành lò phản ứng hạt nhân của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển của tỉnh Lâm Đồng thông qua những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nằm ở phường 8, nơi đã được coi là “vùng ven” và tách biệt hẳn khu trung tâm thành phố Đà Lạt và sát những khu chuyên canh rau hoa, thoạt nhìn bên ngoài tưởng chừng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt không có gì đặc biệt so với nhiều cơ quan nghiên cứu khác, ngoài việc “sở hữu” một lò phản ứng nghiên cứu công suất nhỏ 500 kWatt. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng có sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế đều cảm thấy may mắn khi tỉnh mình có được lò nghiên cứu đó. Trong một cuộc trao đổi nhanh tại văn phòng công ty chè Ô long Hà Linh ở phường 3, thành phố Đà Lạt, chị Hà Ngọc Hương - người phụ trách công ty, cho biết: “Với mỗi mẻ trà, chúng tôi đều gửi mẫu đến đó để phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng… trước khi đóng gói và bán ra thị trường trong nước và quốc tế. Mỗi lần đánh giá như vậy, kinh phí chỉ vào khoảng 900.000 đồng/mẫu nhưng rất đảm bảo và an tâm để xuất sản phẩm ra thị trường”.
Những đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội
Hằng năm, việc triển khai dịch vụ của Viện trong lĩnh vực phân tích chất lượng mẫu nông sản xuất khẩu đã đạt tới con số 3.500 mẫu với 35.000 chỉ tiêu các loại. Tại lễ tổng kết công tác năm 2018 và định hướng năm 2019 vào cuối tháng 12/2018, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Phan Sơn Hải cho biết, 70% lượng mẫu các cán bộ của Viện tham gia kiểm định là nhằm phục vụ xuất khẩu các loại nông sản của 10 công ty có 100% vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh như Dalat Japanfood, Lamdong Agricultural Supply, GN Foods, Coastal Fisheries… và tổng kim ngạch xuất khẩu của họ đạt khoảng 7 triệu USD.
Không chỉ kiểm định hàng nông sản xuất khẩu cho các công ty lớn, Viện còn sẵn sàng đón nhận mẫu của các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể để kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, đánh giá và chứng nhận VietGAP, giám sát môi trường… Dù những công việc như thế này đem lại lượng doanh thu ổn định cho Viện hằng năm – năm 2018 vào khoảng 4,74 tỷ đồng, nhưng với ngành hạt nhân, lợi ích thu được còn lớn hơn thế. Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và là một trong những người tham gia khôi phục, vận hành lò Đà Lạt từ những năm 1980, không dấu nổi tự hào khi nhắc đến vai trò đó của Viện trong nhiều cuộc hội thảo: “Từ những nghiên cứu hết sức sơ khai trên lò phản ứng Đà Lạt, nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ xuất khẩu nông sản đến sản xuất đồng vị phóng xạ y tế”.
Các kỹ thuật hạt nhân mà các nhà nghiên cứu Đà Lạt làm chủ còn trở thành nhân tố quan trọng để họ có nhiều đóng góp hơn trong lĩnh vực y tế, không chỉ cho các bệnh viện trên địa bàn tỉnh mà còn cả nước, ví dụ điều chế và cung cấp các dược chất phóng xạ, đồng vị phóng xạ các loại và bộ kit đánh dấu in-vitro, in-vivo với tần suất từ một đến hai tuần một lần. Từ tháng 2/2010, 7 loại dược chất của Viện đã được đưa vào danh mục thuốc của Việt Nam. Thậm chí, kể từ năm 2018 Viện cũng đã bước đầu cung cấp 11 đợt dược chất phóng xạ cho Campuchia và hỗ trợ quốc gia này phát triển các khoa y học hạt nhân. Điểm hạn chế lớn nhất ở Viện thời điểm này là do lò phản ứng Đà Lạt công suất nhỏ nên việc sản xuất dược chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ hằng năm chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu khám chữa bệnh trong nước (Việt Nam phải nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN, trong đó nhiều nhất là từ Indonesia, để bù vào lượng thiếu hụt còn lại).
Trong lĩnh vực sinh học phóng xạ và công nghệ bức xạ, các nhà nghiên cứu của Viện cũng cố gắng bám sát những hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh như sản xuất và cung cấp cây giống nuôi cấy mô sạch bệnh; tạo giống cây trồng như cây ăn quả không hạt, các loài hoa mới bằng bức xạ gamma gây đột biến; chuyển giao quy trình nuôi trồng các loại nấm dược phẩm, thực phẩm; sản xuất và cung cấp các chế phẩm để phòng và trin nấm bệnh cây trồng, chất kích thích tăng trưởng thực vật, các loại nano curcumin/chitosan làm lành vết thương.
Tham gia quản lý tài nguyên đất và nước
Trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng, không thể không kể đến vai trò của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với những ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quản lý tài nguyên đất và nước. TS. Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và là một nhà nghiên cứu về phóng xạ môi trường, giải thích, với những ưu điểm nổi bật của phương pháp sử dụng đồng vị bền 12C và 13C, việc tìm hiểu về các trữ lượng nước ngầm, các nguồn nước cổ… trở nên dễ dàng hơn, đồng thời có thể xác định được các “túi nước” đó có được thường xuyên bổ sung hay không, nếu có thì mức độ bổ sung như thế nào. Thông thường, người ta có thể sử dụng một số phương pháp khác để đánh giá nhưng thông tin mà các phương pháp này mang lại hoặc không đầy đủ, hoặc khó thực hiện. Đây cũng chính là những gì các nhà nghiên cứu Đà Lạt đã thực hiện trong hơn 10 năm trước, khi cùng với Sở KH&CN Lâm Đồng điều tra trữ lượng nước ngầm.
Mặt khác, sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng giúp tỉnh Lâm Đồng giải đáp được một bài toán khó trong phát triển nông nghiệp. Với địa hình nhiều đồi núi, sườn dốc, nhiều nơi ở Lâm Đồng xảy ra hiện tượng lở đất hoặc xói mòn đất, do đó ảnh hưởng nhiều đến quá trình canh tác. Do đó, thông qua một dự án thử nghiệm FAO/IAEA, TS, Phan Sơn Hải và đồng nghiệp tại Viện bắt tay vào đo đạc tỷ lệ xói mòn đất bằng kỹ thuật hạt nhân ở 27 điểm của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2012 đến năm 2016. Họ đã dùng đồng vị phóng xạ rơi lắng (Fallout radionuclides - FRNs) và phân tích các đồng vị phóng xạ bền chỉ báo phức hợp (Compound specific stable isotope - CSSI) để nhận diện những thay đổi về tốc độ và kiểu phân bố lại đất ở các lưu vực lớn, qua đó đánh giá hiệu quả các biện pháp bảo tồn đất trong kiểm soát xói mòn đất. Bằng việc nghiên cứu bổ cập CSSI của đất bị xói mòn, họ có khả năng truy tìm lại nguyên gốc của đất bị rửa trôi để thấy sự liên hệ giữa đất trầm tích trong lưu vực và nguồn xói mòn của nó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA), TS. Phan Sơn Hải cho biết, việc sử dụng các phương pháp bảo tồn thích hợp như xen canh, đào hố chứa nước gần cây cà phê, làm ruộng bậc thang đã góp phần làm giảm tới 45% tình trạng xói mòn đất.
Với những nỗ lực này của Viện, nhiều chuyên gia IAEA đánh giá, lò phản ứng Đà Lạt là một trong những lò nghiên cứu đạt hiệu quả trong nghiên cứu và ứng dụng hàng đầu thế giới.