Trước viễn cảnh nhiều giếng dầu trên biển sắp bước vào giai đoạn phải ngừng khai thác do cạn kiệt, các nước, trong đó có Việt Nam, cần sớm tính đến phương án xử lý những giàn khoan khổng lồ làm từ thép bên cạnh giải pháp tháo dỡ. Trong số đó, ý tưởng chuyển đổi mục đích sử dụng, biến các giàn khoan thành ngư trường xa bờ xem ra là tối ưu hơn cả.
Tại khu vực biển Bắc (châu Âu), những giàn khoan từng một thời mang lại thịnh vượng cho cả Anh lẫn Nauy trong suốt 40 năm qua, nay đang đứng trước viễn cảnh bị tháo bỏ khi hết thời gian hoạt động. Đặc biệt, chi phí vận hành giàn khoan đối với những giọt dầu cuối cùng sẽ rất tốn kém và hoạt động kinh doanh khó có thể sinh lời.
Mặc dù vậy, không phải cứ đóng cửa các giàn khoan là xong, mà còn cần phải tháo dỡ, di dời để trả lại nguyên trạng cho vùng biển. Tuy nhiên, đứng trước những khối thép khổng lồ (nặng tới 300 ngàn tấn và tiêu tốn cả trăm triệu để USD chế tạo, lắp đặt) với cấu tạo hết sức phức tạp, bao gồm cả phần nổi trên bề mặt lẫn kết cấu chịu lực chìm dưới mực nước biển – được thiết kế để chống chọi với bão tố, sóng biển mạnh và đặc biệt vững chắc, thì nhiệm vụ phá dỡ rồi đưa vào bờ chắc chắn sẽ không hề đơn giản.
Trong một bài viết trên BBC1, chuyên gia kỹ thuật xây dựng dầu khí Paul Marks từng nêu ra 3 giải pháp thường thấy mỗi khi cần tháo dỡ một giàn khoan công nghiệp: 1) tháo rời thành từng mảnh nhỏ; 2) lắp đặt đảo chiều, tức thực hiện các bước ngược với quy trình ban đầu để tháo nguyên vẹn các module bằng cần cầu nổi cỡ lớn, rồi thả chúng lên xà lan để đưa vào bờ tái chế; 3) sử dụng loại cần cẩu đặc biệt neo giữa một đôi bè khổng lồ (cũng được đặt đóng riêng) để tạo lực nâng và dỡ nguyên cả phần nổi của giàn khoan … song tất cả đều vô cùng tốn kém.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là liệu có nhất thiết phải tháo bỏ các giàn khoan cũ đã ngừng hoạt động, tại sao không cải tạo, chuyển đổi chúng cho mục đích sử dụng khác? Tiến sĩ Azimov2 tới từ Đại học Northumbria (Anh) đã nêu lên một ý tưởng đặc biệt sáng tạo khi mong muốn biến những khối thép tưởng như vô dụng trở thành ngư trường nuôi trồng hải sản xa bờ. Vốn là một chuyên gia và giảng viên kỹ thuật cơ khí, cuối năm 2012, khi còn công tác tại ĐH Curtin Sarawak Malaysia, nhóm của Azimov đã tiếp cận và thảo luận với Petronas (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia) về triển vọng hợp tác, chí ít là để triển khai một dự án thử nghiệm nhỏ nhằm chứng minh tính khả thi của ý tưởng (concept).
Trong một bài phỏng vấn với Tạp chí Offshore Technology, TS. Azimov cho biết, các đại diện của Petronas khi đó đã tỏ ra rất quan tâm và tạo điều kiện cho nhóm thực hiện một số khảo sát thực địa cho kế hoạch xây dựng một mô hình thí điểm nhỏ (prototype) trước khi công bố để thuyết phục công chúng, bao gồm cả chính phủ.
Từ tháng 9/2013, mặc dù đã chuyển tới làm việc tại ĐH Northumbria, song TS Azimov vẫn duy trì mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp cũ và tìm kiếm thêm những sinh viên đam mê tại Anh để theo đuổi các ý tưởng mới, theo hướng chuyên sâu hơn, như nghiên cứu giải pháp năng lượng tái tạo, công nghệ tạo sóng và thử nghiệm lắp đặt một khu nuôi theo kiểu tự duy trì (self-sustain) tại giàn khoan Murchison trên biển Bắc (đã ngừng hoạt động từ năm 2014). Hiện tại, ngư trường này vẫn đang vận hành rất hiệu quả và Azimov kỳ vọng sẽ sớm công bố kết quả nghiên cứu để nộp đơn xin tài trợ chính phủ và mở rộng cơ hội hợp tác với các đồng nghiệp trên khắp châu Âu.
Azimov cho biết, ý tưởng của ông thực ra không hề mới, mà đó chỉ là một trong số nhiều giải pháp nhằm tận dụng các giàn khoan không còn hoạt động, như tại nhiều nơi, trong đó có Mỹ, người ta đã và đang nghiên cứu, tìm cách cải tạo, biến một số nơi như vậy thành các rạn biển nhân tạo (rigs-to-reefs), trung tâm khai thác dịch vụ lặn du lịch, hay thậm chí cả nhà hàng và resort sang trọng ngay giữa đại dương …
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS TS. Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam (VSA), chúng ta rất nên cân nhắc phương án của TS. Azimov bởi một số lợi ích vượt trội về mặt kinh tế, môi trường và an ninh quốc phòng mà nó có thể đem lại, trong bối cảnh cả trữ lượng dầu khí tự nhiên (đã được thăm dò) trên thềm lục địa Biển Đông lẫn giá trị khai thác và xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 10/2018, kim ngạch xuất khẩu các loại thủy hải sản của cả nước đã đạt tới 7,2 tỷ USD – và mặc dù khó hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD như kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhưng con số 8,5 tỷ USD là hoàn toàn khả thi, hơn xa dầu khí (chỉ khoảng 2 tỷ USD do giá dầu giảm mạnh). Với đường bờ biển dài hơn 3200 km, tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là cực kỳ lớn, song vẫn chưa được phát huy hết, chủ yếu là do manh mún, tự phát, công nghệ lạc hậu, bên cạnh sự thiếu vắng của các tiêu chuẩn hướng dẫn và đặc biệt, ít được triển khai theo định hướng công nghiệp. Vì thế, đề xuất của TS. Azimov có khả năng sẽ tạo ra đột phá rất lớn cho ngành thủy sản nước nhà. Thứ nữa, xu hướng chuyển dịch hoạt động nuôi trồng thủy sản trên bờ ra ngoài khơi sẽ góp phần giải quyết những mối lo ngại và nguy cơ liên quan đến dịch bệnh do tích tụ chất thải … nhờ sóng gió và hoạt động tuần hoàn của các đợt thủy triều.
Cách đây vài tháng, nhiều hộ nuôi tôm hùm tại Phú Yên và Khánh Hòa đã lâm vào cảnh lao đao do ô nhiễm nguồn nước khiến tôm chết hàng loạt (sản lượng tôm hùm nuôi của Việt Nam thuộc loại lớn nhất thế giới, nhưng chủ yếu là nuôi gần bờ và cho ăn thức ăn sống). Trong khi nếu chuyển đổi các giàn khoan thành vùng nuôi, bên cạnh triển khai lắp đặt giải pháp năng lượng tái tạo và mô hình ngư trường tự duy trì, chắc chắn sẽ giúp các bên liên quan tiết kiệm được rất nhiều chi phí (so với việc tháo dỡ) và góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái, như vấn đề phát thải carbon.
Cách đây vài tháng, một đoạn video lan truyền trên YouTube cho thấy Trung Quốc đang cho triển khai đóng hàng loạt các lồng nuôi hải sản có kích thước khổng lồ (dài, rộng và cao cả trăm mét với sản lượng ước tính hàng chục ngàn tấn cá mỗi lồng) bằng công nghệ sao chép từ Nauy sau khi đóng một vài đơn đặt hàng cho nước này, để trong năm 2019 – 2020 sẽ đưa vào thả tại các khu vực tranh chấp trên biển Đông. Nếu muốn ứng phó trước mối đe dọa này, ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, bên cạnh phương án nghiên cứu, hợp tác với Mỹ, Nhật, châu Âu … để đóng các lồng tương tự, Việt Nam cần tìm cách chuyển đổi và tận dụng các giàn khoan sắp ngừng hoạt động, liên kết dầu khí, hải quân, cảnh sát biển và hiệp hội đóng tàu … vừa đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để thành công, sáng kiến này rất cần sự chấp thuận và ủng hộ mạnh của chính phủ. |
Chú thích:
1. Paul Marks, What it takes to dismantle an oil rig, Link: http://www.bbc.com/future/story/20160804-what-it-takes-to-dismantle-an-oil-rig
2. Chris Lo, From offshore oil to deep-sea fish farming, Link: https://www.offshore-technology.com/features/featurefrom-offshore-oil-to-deep-sea-fish-farming-4293827/