Các nhà nghiên cứu có sai phạm có thể phải đối mặt với những án phạt như hạn chế phạm vi công việc, ít cơ hội tiếp cận các khoản vay vốn... đặt dưới một hệ thống gắn liền với chính sách tín dụng xã hội đang gây tranh cãi.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc có sai phạm trong khoa học có thể sẽ bị ngăn không được vay ngân hàng, điều hành công ty hoặc xin việc làm trong khu vực dịch vụ công... Đó là một số hình phạt trong một hệ thống hình phạt đối với những nhà nghiên cứu vi phạm đạo đức khoa học mới được Chính phủ Trung Quốc công bố.
Theo công bố này, hàng chục cơ quan chính phủ sẽ có quyền đưa ra các hình phạt đối với những người có các lỗi lớn trong nghiên cứu khoa học, vai trò trước đây chỉ thuộc Bộ Khoa học hoặc các trường đại học. Các nhà nghiên cứu độc lập cũng có thể phải đối mặt với các hình phạt không liên quan gì đến việc nghiên cứu, chẳng hạn như các hạn chế về các công việc nằm ngoài lĩnh vực học thuật đi kèm với các hình phạt hiện hành, chẳng hạn như mất tài trợ cho dự án nghiên cứu và các giải thưởng.
Các hình phạt này là biện pháp mới nhất của Chính phủ Trung Quốc để thẳng tay xử lý sai phạm trong khoa học, tuy nhiên bản chất và mức độ của chính sách đã khiến nhiều nhà nghiên cứu ngạc nhiên. Theo ông Chien Chou, một nhà nghiên cứu về giáo dục liêm chính khoa học tại Đại học Chiao Tung, Đài Loan, “tôi chưa bao giờ thấy một danh sách hình phạt nào trên thế giới toàn diện như thế đối với các sai phạm khoa học”.
Mặc dù một số hình phạt cho sai phạm trong khoa học đã tồn tại trước khi có chính sách mới - chẳng hạn như đình chỉ các chương trình nghiên cứu hoặc cấm thăng chức; nhưng việc đưa toàn bộ các hình phạt vào một khung chung làm chúng trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều, Yang Wei - cựu giám đốc của Quỹ Khoa học Quốc gia Trung Quốc và là nhà nghiên cứu tại Đại học Chiết Giang, Hàng Châu – nhận xét
“Điều này chuyển đến một tín hiệu rõ ràng là việc kiềm chế sai phạm khoa học phải vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng học thuật hoặc vấn đề đạo đức cá nhân. Hình phạt pháp lý cũng có thể được áp dụng”, Li Tang, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết.
Một số nhà nghiên cứu cho biết, khả năng hạn chế sai phạm của hệ thống này còn phụ thuộc vào cách thức thi hành nó. Những người khác, trong đó có Chen, tin rằng cơ chế này sẽ phát huy tác dụng. “Không nghi ngờ gì nữa, hệ thống này sẽ có hiệu quả”, ông nói.
“Anh cả” của chính sách trừng phạt sai phạm khoa học
Được áp dụng từ năm 2014, hệ thống tín dụng xã hội đã có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ở nước này. Việc không trả được nợ hoặc tiền phạt có thể được ghi lại trên trang web của hệ thống và dẫn đến các hạn chế khi đăng ký thẻ tín dụng, bảo hiểm hoặc thậm chí là vé tàu. Tính đến tháng 4/2018, 11 triệu lượt người bị từ chối vé máy bay và 4,2 triệu lượt người bị từ chối vé tàu vì bị nêu tên trong hệ thống, nó cũng dẫn đến hơn hai triệu người đã trả nợ hoặc hoàn thành tiền phạt sau khi phải đối mặt với những hạn chế này.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã mô tả sự hợp lý cho hệ thống này tại một cuộc họp của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2016 là: Sự mất niềm tin trong một lĩnh vực sẽ phải đối mặt với những hạn chế ở khắp mọi nơi.
Chính sách mới về các sai phạm mới cũng đề cập đến việc “mất niềm tin”. Và những người có sai phạm khoa học giờ đây sẽ bị nêu tên trên trang web hệ thống tín dụng xã hội.
Tập trung vào các sai phạm
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ngày càng tập trung vào các sai phạm trong khoa học, sau một loạt các báo cáo về việc các nhà nghiên cứu nước này sử dụng dữ liệu gian lận, làm giả lý lịch và giả mạo bình duyệt. Vào tháng Năm, chính phủ đã công bố các cải cách sâu rộng để cải thiện liêm chính học thuật, một trong số đó là việc tạo ra một cơ sở dữ liệu quốc gia về các trường hợp sai phạm. Việc có tên trong danh sách này có thể khiến các nhà nghiên cứu mất tài trợ hoặc mất cả vị trí nghiên cứu trong tương lai, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả khả năng có được việc làm bên ngoài lĩnh vực học thuật.
Hệ thống trừng phạt dường như đồng bộ với mục tiêu đó. “Điều này cho thấy Trung Quốc rất coi trọng sự liêm chính trong nghiên cứu”, Max Lu, một kỹ sư hóa học và hiệu trưởng trường Đại học Surrey ở Guildford, Anh, người trước đây đã tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc về chính sách khoa học, nhận xét.
Lu nghĩ rằng thành công của hệ thống sẽ phụ thuộc vào cách nó được thi hành. “Luôn luôn có nguy cơ thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu trình độ quản lý để thực thi rất nhiều các quy tắc hà khắc này”, ông nói.
Nhưng chính phủ cần xác định những hành động nào cấu thành sai phạm nghiên trọng trong nghiên cứu và cách áp dụng hình phạt, Chou nói. “Đây là điều cần phải rõ ràng đối với các nhà nghiên cứu”, cô nói.
Giải quyết các sai phạm ở Trung Quốc cũng sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn là các hình phạt, Tang nói. Theo quan điểm của cô, giáo dục các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người trong giai đoạn đầu sự nghiệp, cũng sẽ giúp nuôi dưỡng một hệ thống nghiên cứu đạo đức. Các khóa học bắt buộc về liêm chính học thuật đang trở nên phổ biến hơn, nhưng vẫn cần mở nhiều khóa như vậy nhiều hơn nữa. “Giáo dục các chủ nhiệm dự án và thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ là vô cùng quan trọng”, cô nói.
“Đây là một chính sách kịp thời và kiên quyết, chắc chắn sẽ củng cố toàn bộ hệ sinh thái khoa học và nghiên cứu ở Trung Quốc”, Lu nói. Ông nghĩ rằng các quốc gia khác có thể học tập cách làm này và coi hệ thống trừng phạt này như một ví dụ về cách thi hành nghiên cứu có trách nhiệm.
Chính phủ cần tập trung việc trừng phạt những trường hợp nghiêm trọng nhất trước tiên, chẳng hạn như những người vi phạm nhiều lần, những người có hành vi gian lận dẫn đến ảnh hưởng lớn trong xã hội, theo Li Tang, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải |