Do thiếu hụt kiến thức về khởi nghiệp, việc truyền thông trong lĩnh vực mới mẻ này của Việt Nam không chỉ chưa chạm đến những vấn đề cốt lõi mà còn góp phần tạo nên các “phong trào” ảo cho cộng đồng khởi nghiệp.
Còn hiểu nhầm về khởi nghiệp
So với nhiều lĩnh vực khác thì khởi nghiệp sáng tạo vẫn là địa hạt mới mẻ với truyền thông Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc tổ chức các hội thảo, triển lãm, cuộc thi…, những nơi hỗ trợ khởi nghiệp như Đề án 844 (Bộ KH&CN) đã thiết lập một số hoạt động giới thiệu, kết nối giới truyền thông và khởi nghiệp, một trong số đó là chương trình trải nghiệm “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” dành cho người làm truyền thông từ hơn 20 tỉnh thành trên cả nước tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp tại các hệ sinh thái Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, diễn ra trong tháng 5 và tháng 6/2019. Kết quả là các nhà báo tham dự ba đợt trải nghiệm đã có cơ hội trao đổi sâu hơn với những người làm khởi nghiệp, từ các nhà quản lý vườn ươm, các mentor đến các startup – những người đang sẵn có nhiều ý tưởng về sản phẩm và công nghệ mới đang nhận được hỗ trợ của vườn ươm.
Vì vậy trong tọa đàm “Truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo trong bối cảnh hiện tại”, một phần của “Hành trình”, do Trung tâm Dịch vụ và Đổi mới công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và Rehoboth Việt Nam tổ chức ngày 11/10/2019, ông Hoàng Quốc Lê, Trung tâm tin tức VTV24, Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng, “suy cho cùng, cả startup hay người làm truyền thông đều có sản phẩm, một bên là sản phẩm công nghệ còn một bên là nội dung thông tin. Việc tăng cường giao tiếp giữa hai bên sẽ tạo mối quan hệ hợp tác và thúc đẩy quá trình đưa sản phẩm ra xã hội”.
Từ góc độ là đại diện tổ chức thúc đẩy kinh doanh Vietnam Silicon Valley và trực tiếp quản lý Art Cozy Accelerator - chương trình hỗ trợ các nhóm dự án khởi nghiệp về phong cách sống, bà Hạnh Trần cho rằng chúng ta dường như đang bỏ lỡ việc truyền thông các dự án doanh nghiệp “lifestyle” (phong cách sống). Những doanh nghiệp này có sản phẩm/mô hình nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và tinh thần, mà trong đó đặc biệt có nhiều dự án xuất phát từ đặc thù của các địa phương, hướng đến tạo ra những thay đổi tích cực cho văn hóa và đời sống”. Theo nhận định của bà, những mô hình này hoàn toàn có khả năng tăng trưởng nhanh.
Mặt khác, bà Hạnh Trần còn lưu ý, hiện nay người làm truyền thông về startup thường bị thiếu hụt kiến thức về khởi nghiệp nên dễ bị truyền thông sai và tạo nên các “phong trào” ảo cho cộng đồng khởi nghiệp. Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia khởi nghiệp đề cập đến trong một vài năm trước: khi “phong trào khởi nghiệp” bắt đầu nở rộ tại Việt Nam như “phong trào chứng khoán” một thời, những “tấm gương khởi nghiệp” đã được nêu một cách rầm rộ trên truyền thông nhưng thực chất, có bao nhiêu trong số đó thực sự là khởi nghiệp sáng tạo với một mô hình mới, một công nghệ mới? Việc thông tin một cách đơn thuần và sơ sài về con đường khởi nghiệp nhưng lại đi kèm với những “thành công” bất ngờ khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận về khởi nghiệp khiến có giảng viên Đại học Bách khoa đã phải… cấm sinh viên khởi nghiệp và mentor Nguyễn Đặng Tuấn Minh đã phải lên tiếng về “những cơn hoang tưởng” trong khởi nghiệp.
“Con dao hai lưỡi” với startup
Thông qua cầu nối truyền thông, các startup có cơ hội giới thiệu về doanh nghiệp, ý tưởng sản phẩm của mình và được nhiều người biết đến, trong đó có nhiều người là nhà đầu tư thiên thần, mentor hay khách hàng tiềm năng… Tuy nhiên, họ cũng đứng trước nguy cơ rủi ro bị hiểu nhầm, bị thổi phồng. Ba đại diện của ba startup là Cam Vinh Kỳ Yến – một mô hình liên kết nông dân trồng cam Vinh tại Quỳ Hợp, Nghệ An dựa trên những nghiên cứu về quy trình canh tác cam sinh thái hoàn toàn dùng không hóa chất, Ella Study Vietnam - startup với nền tảng trực tuyến giúp kết nối học viên với các du học sinh và các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước, và Lala Land – khai thác, chế biến các cây gia vị hữu cơ và chuyển giao cách trồng, quy hoạch cho cộng đồng địa phương, đã chia sẻ những kinh nghiệm “xương máu” của mình tại tọa đàm trong việc kết nối với truyền thông.
Từ những trải nghiệm của mình và bạn bè, anh Nguyễn Duy từ Ella Study Vietnam nhận thấy, truyền thông như “một con dao hai lưỡi” bởi khi các sản phẩm chưa hoàn thiện mà bỗng nhiên được nhiều người biết đến, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sẽ rơi vào trạng thái “nguy hiểm”: có một lượng khách hàng quá lớn ngoài mong đợi trong khi chưa kịp chuẩn bị, dẫn đến việc nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng được mức độ tăng trưởng nóng mà truyền thông mang lại. Nếu không cẩn thận thì đây có thể là một “cái bẫy” thất bại giữa vô vàn thất bại khác mà một startup có thể gặp phải.
Do đó, điều mà những chuyên gia khởi nghiệp mong muốn là giới truyền thông cần có thêm những kiến thức về khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp để có được những bài viết chính xác hơn và phản ánh đúng thực tế hơn.
Cũng với mục đích này, “Đề án 844 mong muốn thông qua các chương trình đào tạo, kết nối mạng lưới để các bên có thể tìm ra những phương thức truyền thông cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo một cách hiệu quả cũng như tăng cường tính đa dạng cho các nội dung thông tin, góp phần tạo sự quan tâm của xã hội đối với khởi nghiệp sáng tạo”, ông Nguyễn Việt An, Văn phòng đề án 844, cho biết. Dự kiến, kết thúc “Hành trình khám phá những miền đất khởi nghiệp” năm 2019, Đề án 844 sẽ tổ chức các chương trình tiếp nối về đào tạo truyền thông cho nhà báo tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc do Trung tâm Ứng dụng và Thông tin KHCN, Sở KH&CN Phú Thọ thực hiện nhằm góp phần mở rộng mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo năm 2020.