Báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) mới công bố gần đây cho thấy Trung Quốc đã xây dựng nền tảng để định vị mình là siêu cường khoa học và công nghệ, dẫn đầu phần lớn các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi.
Báo cáo “Cuộc đua toàn cầu cho sức mạnh của tương lai”, mới được ASPI công bố, cho thấy Trung Quốc dẫn dầu tới 37 trong số 44 công nghệ mà ASPI đánh giá, bao gồm một loạt lĩnh vực công nghệ quan trọng bao gồm quốc phòng, không gian, robot, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu tiên tiến và các lĩnh vực công nghệ quan trọng khác.
Nghiên cứu này tập trung vào đo lường hiệu suất, năng lực khoa học và công nghệ - các nghiên cứu có ảnh hưởng lớn, đối với 44 công nghệ được khảo sát. Báo cáo cũng xem xét các số liệu khác về nguồn nhân lực trong các công nghệ, chính sách thu hút chất xám hoặc tình trạng chảy máu chất xám ở mỗi quốc gia.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Đại học Thanh Hoa, một trong những cơ sở nghiên cứu đào tạo hàng đầu Trung Quốc. Nguồn: Xinhua / Yan Yan via Getty
Một lĩnh vực quan trọng mà Trung Quốc vượt trội là các công nghệ liên quan đến quốc phòng và không gian. Theo phân tích dữ liệu của ASPI, trong năm năm qua, Trung Quốc đã công bố 48,49% tài liệu nghiên cứu có tác động lớn trên thế giới về động cơ máy bay tiên tiến, bao gồm cả động cơ siêu thanh, cũng như có 7 trong số 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Mỹ đứng thứ hai trong phần lớn trong số 44 công nghệ trong báo cáo này. Điều này có nghĩa là chỉ có bảy trong số 44 công nghệ được phân tích hiện đang được Mỹ dẫn dắt như điện toán hiệu năng cao, điện toán lượng tử và vaccine. Mỹ vẫn duy trì thế mạnh trong thiết kế và phát triển các thiết bị bán dẫn tiên tiến, đồng thời dẫn đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu về điện toán hiệu năng cao và thiết kế và chế tạo mạch tích hợp tiên tiến. Quốc gia này cũng vẫn đi đầu trong các lĩnh vực quan trọng của điện toán lượng tử và vaccine (và các biện pháp ứng phó về y tế). Hiện nay Mỹ vẫn là nước nắm giữ nhiều bằng sáng chế Vaccine COVID nhất và là trung tâm của mạng lưới hợp tác toàn cầu này.
Sau vị trí nhất nhì của Trung Quốc, Mỹ, thì cuộc đua trở thành cường quốc công nghệ quan trọng tiếp theo là cuộc đua sát nút giữa Anh và Ấn Độ, cả hai đều nằm trong số năm quốc gia hàng đầu ở tổng số 29 trong số 44 công nghệ. Hàn Quốc và Đức theo sát, đều có mặt trong năm quốc gia hàng đầu với 20 và 17 công nghệ. Úc nằm trong top năm ở chín lĩnh vực công nghệ, theo sát là Italia (bảy công nghệ), Iran (sáu), Nhật Bản (bốn) và Canada (bốn). Nga, Singapore, Ả Rập Saudi, Pháp, Malaysia và Hà Lan nằm trong top 5 về một hoặc hai công nghệ. Một số quốc gia khác, bao gồm Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ, thường nằm trong top 10 quốc gia ở một số lĩnh vực công nghệ nhưng chưa đủ sức vươn lên top 5.
Cùng với việc theo dõi quốc gia nào đang dẫn đầu, báo cáo cũng đánh giá năng lực của các viện, trường. Một loạt các viện, trường ở vị trí cao, trong đó có nhiều viện trường của Trung Quốc và các nước châu Á khác như: Đại học California, Viện Khoa học Trung Quốc, Viện Công nghệ Ấn Độ, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU Singapore), Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và nhiều phòng thí nghiệm quốc gia ở Mỹ (Ví dụ như Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore), Đại học Công nghệ Delft của Hà Lan (đang đứng số một về công nghệ lượng tử). Đối với một số công nghệ, 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc và đã công bố các bài báo nghiên cứu có tác động cao gấp 9 lần so với quốc gia xếp thứ hai (thường là Mỹ).
Đáng chú ý, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc xếp hạng cao, trong top 5 trong nghiên cứu về 27 trong số 44 công nghệ được đánh giá. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, bao gồm 116 viện nghiên cứu, được đánh giá ở vị thế vượt trội về công nghệ năng lượng và môi trường, vật liệu tiên tiến (bao gồm khai thác và xử lý khoáng sản quan trọng) và trong một loạt các công nghệ lượng tử, quốc phòng và AI, phân tích dữ liệu tiên tiến, máy móc học tập, cảm biến lượng tử, robot tiên tiến và vệ tinh nhỏ.
Về phía các doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, các công ty công nghệ của Mỹ được đánh giá tốt trong một số lĩnh vực mới như phát triển AI: Google (hạng nhất về xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Microsoft (hạng 6 theo chỉ số H-index và thứ 10 theo hạng mục có các công bố “được trích dẫn nhiều” về xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Facebook ( Xếp thứ 14 theo chỉ số H-index về xử lý ngôn ngữ tự nhiên), Hewlett Packard Enterprise (thứ 14 theo chỉ số H-index về điện toán hiệu năng cao) và IBM (cả Thụy Sĩ và Mỹ đều cùng đứng thứ 11 với theo chỉ số H-index trong các công bố về phần cứng và thuật toán AI máy gia tốc).
Yếu tố con người đối với sự phát triển công nghệ cũng được đưa vào các đánh giá về năng lực công nghệ. Báo cáo cũng cung cấp một bức tranh về mức độ cạnh tranh của các quốc gia trong khả năng thu hút và giữ chân các nhà nghiên cứu lành nghề từ nguồn tài năng toàn cầu.
Báo cáo cũng xác định các nhà khoa học có xuất bản các công bố khoa học tác động cao đã đưa Trung Quốc lên vị trí dẫn đầu, quá trình nghiên cứu, đào tạo và học tập của các nhà khoa học này. Đầu tiên, phần lớn (68,6%) các tác giả có các nghiên cứu có ảnh hưởng lớn được đào tạo tại các trường đại học Trung Quốc và hiện đang làm việc tại các tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc. Về chính sách thu hút nhân tài, hiện nay Trung Quốc cũng đang thu hút nhà khoa học từ các quốc gia phát triển khác đến làm việc: 21,6% tác giả có ảnh hưởng đã hoàn thành khóa đào tạo sau đại học tại một trong năm quốc gia đứng đầu về công nghệ (Mỹ = 9,8%, Vương quốc Anh = 7,8%, Canada = 3,9%), 2% được đào tạo tại châu Âu và 2% được đào tạo tại Nhật Bản.
***
Trước báo cáo này của ASPI, một số báo cáo khác trong vài năm gần đây cũng cho thấy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong nghiên cứu và phát triển các công nghệ của tương lai. Năm 2022, Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia Nhật Bản (NISTEP) đã thống kê tác giả của nhóm 1% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất - thường bao gồm nhiều nhà khoa học có nhiều công bố đột phát và đoạt giải Nobel, cho thấy Trung Quốc chiếm 27,2% các bài báo được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, trong khi Mỹ đóng góp 24,9%. Cùng năm, báo cáo của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cũng đã xác nhận Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, dẫn đầu thế giới ở một số chỉ số khoa học quan trọng, bao gồm tổng số bài báo được xuất bản và số bằng sáng chế. Theo thống kê của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, tỉ lệ đóng góp của Mỹ cho R&D trên toàn cầu là 23%, còn của Trung Quốc là 29%, châu Âu 17%, Hàn Quốc và Nhật Bản 9%, các nước châu Á khác chiếm 7% và phần còn lại của thế giới chiếm 14%.
Nguồn: aspi.org.au, science.org