Ngày càng có nhiều sinh viên năm cuối ở Trung Quốc chọn hoãn tốt nghiệp trong bối cảnh thị trường việc làm chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19.

Trong quá khứ, yanbi thường được dùng để chỉ những sinh viên trượt hoặc không thể tốt nghiệp do bệnh tật hoặc các vấn đề gia đình. Giờ đây, nó trở thành thuật ngữ để chỉ việc trì hoãn tốt nghiệp, một lựa chọn cho những sinh viên chưa sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường việc làm.

Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết, ngay cả một số trường đại học hàng đầu cũng có sinh viên chọn hoãn tốt nghiệp. Thậm chí có sinh viên còn cố tình thi trượt hoặc không hoàn thành đủ số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp, tờ báo cho biết.

Nhưng sinh viên lại kể một câu chuyện khác. Họ nói rằng các kỳ thi tuyển sinh sau đại học, tuyển công chức có độ cạnh tranh rất cao, còn các đợt tuyển dụng nói chung yêu cầu họ phải làm hàng loạt bài kiểm tra và thường diễn ra cùng thời điểm họ chuẩn bị tốt nghiệp, bởi vậy họ muốn hoãn tốt nghiệp để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho mọi việc.

Sinh viên cũng cho biết, họ được nhà trường hỗ trợ trong thời gian hoãn tốt nghiệp. Ví dụ, sinh viên Đại học Bắc Kinh hoãn tốt nghiệp được giảm một nửa học phí và giữ nguyên phí ăn - ở trong khuôn viên trường, đồng thời vẫn được tham gia các hoạt động sinh viên khác như bình thường.

Theo Guo Yuanjie, nhà nghiên cứu tại Viện Lý thuyết Giáo dục thuộc Học viện Khoa học Giáo dục Quốc gia Trung Quốc, “Việc hoãn tốt nghiệp chắc chắn có lợi cho bản thân sinh viên trong những tình huống cụ thể, nhưng chúng tôi không khuyến khích sinh viên làm như vậy. Thay vào đó, chúng ta nên giúp sinh viên hiểu rõ hơn về bản thân và tìm ra hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp hơn.”

Hành động của chính phủ

Gerard Postiglione, giáo sư danh dự trong lĩnh vực giáo dục ở Đại học Hồng Kông, nói với University World Newsrằng giáo dục đại học Trung Quốc được mở rộng với tốc độ quá nhanh, nhưng ngoài những trường hàng đầu, chất lượng đào tạo của các trường hạng hai và hạng ba không cao, kết quả là nhiều sinh ra trường không tìm được việc làm. Giờ đây, theo ông, Trung Quốc đang đang cố gắng hết sức để làm cho khối trường hạng hai và hạng ba hướng tới các kỹ năng nghề nghiệp và những gì được gọi là 'định hướng ứng dụng'. Nhưng những thay đổi này mất thời gian và là quá muộn đối với những người sắp tốt nghiệp, và chưa thể giải quyết ngay tình trạng dồn ứ sinh viên tốt nghiệp trong ba năm qua, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Todd Maurer, chuyên gia về Trung Quốc và Giám đốc điều hành của Edunomix có trụ sở ở Los Angeles, nói với University World News rằng, hai thập kỷ qua, công cuộc đô thị hóa và trở thành công xưởng của thế giới đã tạo ra vô số việc làm đòi hỏi kỹ năng và thúc đẩy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng nhưng hiện nay, cả hai xu hướng này đều đã giảm nhiệt, hoặc ít nhất đã qua đỉnh, bởi vậy cần có những xu hướng mới để sử dụng nguồn nhân lực đang bị dồn nén.

Các công ty ở Trung Quốc thường không công khai việc sa thải, nhưng Oriental Fortune, một công ty dịch vụ tài chính lớn điều hành dịch vụ dữ liệu kinh tế Choice, lưu ý rằng đến tháng 4/ 2022, các công ty niêm yết hàng đầu ở Trung Quốc, bao gồm cả các công ty công nghệ và thương mại điện tử rất quen thuộc với sinh viên tốt nghiệp, đã cắt giảm 910.000 việc làm.

Hội chợ việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung tâm Thể thao Hợp Phì, tỉnh An Huy vào ngày 29/5/2023. Nguồn: China Daily
Hội chợ việc làm dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học tại Trung tâm Thể thao Hợp Phì, tỉnh An Huy vào ngày 29/5/2023. Nguồn: China Daily

Trước tình hình tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường cao - lên đến khoảng 20%, gấp bốn lần tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trên toàn quốc, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp.

Đầu tháng trước, Bộ Giáo dục cho biết, năm nay, khoảng 2,53 triệu việc làm mới đã được tạo ra cho sinh viên tốt nghiệp thông qua chiến dịch xúc tiến việc làm của chính phủ bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Được biết, trong tháng Sáu và Bảy vừa qua, 11,6 triệu sinh viên Trung Quốc đã ra trường, một con số cao kỷ lục của nước này.

Trong số 15 biện pháp liên quan đến việc làm được Quốc vụ viện công bố vào tháng Sáu, có 8 biện pháp liên quan đến sinh viên ra trường, một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của nhóm này đối với chiến lược tạo việc làm của chính phủ.

Kế hoạch của Quốc vụ viện bao gồm việc tạo ra một triệu vị trí tập sự trong các doanh nghiệp nhà nước vào năm 2023. Các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ được kỳ vọng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp này tiếp nhận sinh viên mới tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy việc làm cho số thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng đông, Bộ Giáo dục đã kêu gọi các trường đại học tăng số vị trí trợ lý nghiên cứu mà họ thuê.

Thông báo của Bộ Giáo dục vào đầu tháng Năm vừa qua cho biết, các thạc sĩ, tiến sĩ có thể tiếp tục làm việc với tư cách là nghiên cứu sau tiến sĩ, trợ lý nghiên cứu, trợ lý kỹ thuật, trợ lý học thuật và trợ lý tài chính.

Các trường đại học cũng được khuyến khích thuê sinh viên tốt nghiệp từ các trường và viện khác làm trợ lý. “Bộ sẽ sử dụng con số trợ lý được thuê để đánh giá các trường đại học,” thông báo nêu rõ. Đây là năm thứ hai liên tiếp Bộ Giáo dục duy trì chính sách này.

Tuy nhiên, các vị trí trợ lý nghiên cứu trong trường đại học thường có mức thu nhập thấp và nhìn chung các trường thiếu ngân sách cho các vị trí như vậy. “Hệ thống [trường đại học] sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào lại là chuyện khác,” Postiglione nói.

Thời của thạc sĩ và tiến sĩ

Vì khó tìm việc với bằng đại học, việc học lên để lấy bằng cấp cao hơn có thể mang lại cho sinh viên những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Năm nay có khoảng 4,57 triệu thí sinh Trung Quốc đăng ký dự thi vào các chương trình sau đại học - so với con số 3,7 triệu của năm 2021 và 1,77 triệu của năm 2015.

Một tác động dây chuyền của việc mở rộng đào tạo bằng cấp sau đại học là ngày càng có nhiều sinh viên có bằng cấp cao hơn tham gia vào lực lượng lao động.

Năm nay, lần đầu tiên số nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học sắp sửa tốt nghiệp từ các trường đại học ở Bắc Kinh đông hơn số sinh viên đại học, đại diện của Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh phát biểu với tờ Tin tức Bắc Kinh hồi tháng Ba. Từ năm 2021, ở gần một phần ba các trường đại học của Thượng Hải, số học viên cao học và nghiên cứu sinh đã đông hơn sinh viên, các phương tiện truyền thông nhà nước cho biết.

Khảo sát việc làm của sinh viên đại học năm 2023 do công ty tuyển dụng Zhaopin tiến hành, cho thấy, khả năng có việc làm của người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ vẫn cao hơn so với sinh viên mới tốt nghiệp chỉ có bằng đại học.

Nhìn chung, 2/3 sinh viên sắp tốt nghiệp lo lắng sẽ không tìm được việc làm, theo kết quả khảo sát của Zhaopin.

Nhưng những người có trình độ học vấn cao hơn còn lo lắng hơn: 79% những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ đang tha thiết tìm được việc. Nỗi lo của những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ thể hiện rõ qua hành vi của họ, Zhaopin lưu ý: gần một nửa trong số họ gửi đi hơn 50 hồ sơ xin việc.

Trong số các sinh viên tốt nghiệp năm nay, những người thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn đặc biệt lo lắng. Theo dữ liệu tuyển dụng của Zhaopin, tính đến tháng Tư, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành nhân văn nhận được đề nghị việc làm đứng thấp nhất trong các nhóm sinh viên tốt nghiệp năm 2023 - ở mức 41,3%.

Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình kỹ thuật có tỷ lệ thành công cao nhất, với 56,9% nhận được lời mời làm việc trong thời gian Zhaopin tiến hành khảo sát.


Nguồn tham khảo: