Ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc đại lục chọn du học ở châu Á. Xu hướng này được thúc đẩy một phần bởi điều kiện sống thoải mái và chi phí tương đối thấp so với các quốc gia phương Tây, nhưng chủ yếu bởi tỷ lệ thi trượt vào các chương trình sau đại học cao.

Chính phủ Trung Quốc ước tính, gần 1/5 số sinh viên tốt nghiệp đại học chọn tiếp tục học lên do tỷ lệ thất nghiệp của cửa nhân cao – lên đến hơn 19% trong năm nay. Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục, năm 2022, chỉ khoảng 1,1 triệu (tương đương 24%) trong số 4,5 triệu thí sinh đã đỗ vào các khóa sau đại học. Bộ Giáo dục đã phê duyệt thêm chỉ tiêu tuyển sinh của các chương trình sau đại học nhưng năm nay có khoảng 4,57 triệu thí sinh đăng ký dự thi nên mức độ cạnh tranh không hề giảm.

Khảo sát của các đơn vị tư vấn giáo dục tư nhân ở Trung Quốc cho thấy từ 40% đến 66% số hồ sơ du học của những người trượt các kỳ tuyển sinh sau đại học có điểm đến là châu Á.

Bên cạnh đó, mong muốn du học gần nhà hơn trong bối cảnh hậu Covid-19 cũng là một yếu tố khiến sinh viên Trung Quốc ngày càng nghiêng về các trường đại học châu Á.

Sách trắng Du học Trung Quốc năm 2023 do Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental phát hành vào tháng trước lưu ý rằng số sinh viên Trung Quốc ở Đông Nam Á đang “tăng lên hằng năm”. Cụ thể, Sách trắng cho biết, có ít nhất 100.000 sinh viên Trung Quốc đang học tập ở các nước Đông Nam Á.

Mỹ, Vương quốc Anh và Canada vẫn là những điểm đến chính của du học sinh Trung Quốc, nhưng không thể phủ nhận rằng 'du học gần' đã nổi lên như một xu hướng. Ví dụ, số sinh viên Trung Quốc học tập tại Thái Lan đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây, theo Sách trắng. Còn theo Dữ liệu của Bộ Giáo dục đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới Thái Lan, năm 2020, có 14.423 sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học ở nước này, 70% trong số đó học tại các trường tư thục. Du học sinh Trung Quốc chiếm khoảng một nửa số sinh viên nước ngoài đến Thái Lan. Ở Chiang Mai, tỷ lệ sinh viên Trung Quốc ở một số trường chiếm tới 40% sinh viên toàn trường.

+ ảnh: Mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 700 nghìn sinh viên du học nước ngoài. Trong ảnh: Sinh viên Trung Quốc ở Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Nguồn: www.ntu.edu.sg
Mỗi năm, Trung Quốc có khoảng 700 nghìn sinh viên du học nước ngoài. Trong ảnh: Sinh viên Trung Quốc ở Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Nguồn: www.ntu.edu.sg

Tại Singapore, Malaysia và Thái Lan – những điểm đến chính ở Đông Nam Á – sinh viên Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ sinh viên nước ngoài cao nhất. Nhiều du học sinh đến từ các tỉnh phía nam và biên giới của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng nông thôn, nơi đặc biệt khó cạnh tranh trong các kỳ thi như kỳ tuyển sinh sau đại học.

Dữ liệu từ Education Malaysia Global Services, cơ quan được chính phủ hỗ trợ quảng bá Malaysia như một điểm đến du học, tiết lộ, số hồ sơ du học tại Malaysia của sinh viên Trung Quốc đã tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021 và chiếm 43% tổng số hồ sơ du học sinh. Một bài viết trên China Report ASEAN cho biết, năm 2019, có khoảng 13.450 sinh viên Trung Quốc theo học tại Malaysia, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2012.

Ở Nhật Bản, top 5 điểm đến cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc, tính đến tháng 5/2020, sinh viên Trung Quốc cũng đứng đầu danh sách sinh viên quốc tế, với khoảng 120.000 người, tăng 4,26% so với năm 2019 - theo một nghiên cứu trên tạp chí Research in Comparative and International Education.

Nghiên cứu này còn cho biết, hiện có khoảng 40.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Singapore, top 5 điểm đến của những du học sinh Trung Quốc muốn lấy bằng đại học và sau đại học.

Một số du học sinh chia sẻ với China Daily, họ chọn các nước châu Á vì tiêu chuẩn giáo dục cao. Trên Bảng xếp hạng Đại học Thế giới QS 2022 có hơn 10 trường đại học ở các nước châu Á (không bao gồm Trung Quốc) vào top 100, dẫn đầu là Đại học Quốc gia Singapore NUS ở vị trí thứ 11 và Đại học Công nghệ Nanyang NTU, cũng của Singapore, ở vị trí thứ 12. Malaysia cũng có một trường nằm trong top 100 thế giới của xếp hạng QS và gần 20 trường trong top 100 châu Á của xếp hạng THE.

Chi phí giáo dục tương đối thấp ở châu Á so với các nước phương Tây là một yếu tố khác thu hút sinh viên Trung Quốc, những người thường dành trung bình hai năm ở Thái Lan để học thạc sĩ với tổng chi phí khoảng 31.000 USD. Ở Hàn Quốc, chi phí du học khoảng 16.000 USD/năm, ở Nhật Bản 30.000 USD, ở Singapore 37.000 USD, so với 50.000 USD để học ở Anh và 100.000 USD ở Mỹ.

Ngưỡng tuyển dụng được nâng lên

Sách trắng Du học Trung Quốc năm 2023 cho biết, theo khảo sát của họ, 51% nhà tuyển dụng ở Trung Quốc yêu cầu du học sinh phải có bằng thạc sĩ hoặc thậm chí bằng tiến sĩ, nói cách khác, ngưỡng tuyển dụng đối với ứng viên từ nước ngoài trở về đã 'được nâng lên'.

Sách trắng lưu ý, mặc dù bằng cấp không bảo đảm giúp người học dễ dàng kiếm việc làm, nhưng dữ liệu khảo sát cho năm 2023 đã chỉ ra, mức lương khởi điểm của người có bằng cấp nước ngoài nhìn chung cao hơn so với sinh viên tốt nghiệp trong nước.

“Trung Quốc có tình trạng ‘lạm phát’ chứng chỉ, bằng cấp. Những công việc trước đây phù hợp với học sinh tốt nghiệp THPT thì nay yêu cầu bằng đại học, còn công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp đại học lại yêu cầu bằng thạc sĩ,” Qiang Zha, phó giáo sư giáo dục tại Đại học York, Canada, bình luận. “Các bậc cha mẹ vẫn muốn con cái có xuất phát điểm tốt hơn [trong thị trường việc làm], vì vậy các quốc gia Đông Nam Á, nơi họ có thể chi ít tiền hơn để kiếm tấm bằng, có thể là lựa chọn tối ưu.”

Theo Joshua Mok Ka-Ho, phó hiệu trưởng Đại học Lingnan (Hong Kong) và là chuyên gia về giáo dục đại học Trung Quốc, còn có một lý do nữa để sinh viên Trung Quốc lựa chọn du học gần nhà, đó là “một số nước ASEAN chào đón sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. Họ có thể ở lại nước sở tại nếu có nhu cầu tìm việc làm”.


Mặc dù Mỹ vẫn là điểm đến được du học sinh Trung Quốc ưa chuộng nhất, tỷ lệ du học sinh Trung Quốc đến Mỹ học sau đại học đã giảm từ 45% vào năm 2019 xuống 30% vào năm 2023, theo Sách trắng Du học Trung Quốc năm 2023.

Trong khi du học sinh Trung Quốc dễ dàng xin thị thực vào các nước Đông Nam Á thì từ năm 2017, Mỹ tuyên bố hạn chế cấp thị thực cho du học sinh Trung Quốc. Kết quả, trong vài năm qua, việc cấp thị thực cho du học sinh Trung Quốc đến Mỹ đã giảm 24%. Vào tháng 7/2021, hơn 500 du học sinh Trung Quốc muốn lấy bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ đã bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ. Hầu hết đều theo học chuyên ngành khoa học hoặc kỹ thuật như máy tính, hóa học và y sinh tại các trường đại học khoa học và công nghệ.

Theo báo cáo Open Doors 2021 của Viện Giáo dục Quốc tế IIE, số du học sinh từ Trung Quốc đại lục tại Mỹ đã giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2020, xuống còn 317.299.

Ngược lại, số du học sinh Trung Quốc đến Vương quốc Anh liên tục tăng. Báo cáo tình hình du học của sinh viên Trung Quốc năm 2021 do Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental thực hiện cho thấy, năm học 2019-2020, tổng cộng có 148.530 sinh viên Trung Quốc đại lục học tập tại Vương quốc Anh, tăng 15% so với năm học trước. Sinh viên Trung Quốc chiếm 25% số sinh viên quốc tế tại Vương quốc Anh. Còn theo thống kê do Cơ quan Thống kê giáo dục đại học (HESA) của Vương quốc Anh công bố, từ năm học 2015-2016 đến năm học 2019-2020, số sinh viên Trung Quốc theo học tại nước này đã tăng từ 90.735 lên 141.870, tương đương tăng 56%.



Nguồn tham khảo: