Cuối tháng bảy vừa qua, khi sân khấu chuẩn bị cho buổi hòa nhạc của BlackPink - nhóm nhạc nữ nổi tiếng của Hàn Quốc, đang dần hoàn thiện tại sân vận động Mỹ Đình, hàng chục nghìn người đã mua vé “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ hủy bỏ sự kiện. Câu chuyện bắt đầu khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) gửi văn bản đề nghị thu hồi giấy phép biểu diễn của đơn vị tổ chức buổi hòa nhạc là Công ty TNHH ÂM nhạc IME với lý do “xâm phạm quyền tác giả”. Sau hàng loạt diễn biến bất ngờ về kết quả thỏa thuận, cuối cùng hai bên cũng đi đến thống nhất, và hai đêm diễn đã thành công. Sự kiện qua đi không chỉ để lại dư âm trong lòng người hâm mộ, mà còn làm dấy lên những cuộc thảo luận về vấn đề bản quyền tại Việt Nam.
Theo VCPMC, khi có thông tin về buổi diễn, họ đã liên hệ với IME để yêu cầu thực hiện xin phép và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Nhưng gần đến ngày diễn ra, IME vẫn chưa thực hiện quyền tác giả, cụ thể là chưa trả tiền bản quyền. Những người ngoài ngành có thể thắc mắc, tại sao một đơn vị tổ chức buổi hòa nhạc cho các nghệ sĩ Hàn Quốc như IME lại phải trả tiền bản quyền cho VCPMC? Nguyên nhân là do VCPMC đã hợp tác với KOMCA (Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Hàn Quốc) - đơn vị có chức năng tương tự như VCPMC, theo một thỏa thuận song phương từ năm 2009. Theo đó, KOMCA trao cho VCPMC quyền độc quyền để cấp phép quyền biểu diễn trước công chúng đối với tất cả các tác phẩm âm nhạc có trong kho tác phẩm của KOMCA được biểu diễn trên lãnh thổ của VCPMC (bao gồm nhưng không giới hạn ở tác phẩm do các tác giả thành viên của KOMCA sáng tác). VCPMC là bên duy nhất tại Việt Nam vào thời điểm này được trao quyền này. “Chúng tôi được biết rằng nhiều tác phẩm âm nhạc thuộc sở hữu của các thành viên KOMCA sẽ được biểu diễn tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 29 – 30/7/2023. Theo thỏa thuận Ủy thác Bản quyền đối với các thành viên của chúng tôi, thì KOMCA quản lý bản quyền bên ủy thác để KOMCA có thể thu tiền bản quyền thay mặt cho các thành viên của chúng tôi” - theo bức thư KOMCA gửi cho IME.
Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao. Trong một buổi biểu diễn bao gồm nhiều ca khúc khác nhau, việc liên hệ với từng tác giả, nhà sản xuất… để sử dụng từng bài hát sẽ tốn không ít thời gian và công sức. Ngược lại, một tác giả riêng lẻ cũng khó có thể giám sát được toàn bộ hoạt động sử dụng tác phẩm của mình, chẳng hạn một nhạc sĩ hay nhà viết kịch không thể liên hệ với từng đài phát thanh hoặc đài truyền hình để thỏa thuận về giấy phép và thù lao từ việc sử dụng tác phẩm.
Để giải quyết bài toán này, các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả, quyền liên quan (CMO) như VCPMC, KOMCA… đã ra đời. Hầu hết CMO là các tổ chức phi lợi nhuận, có thể là tổ chức nhà nước hoặc tư nhân, quản lý theo hợp đồng (tự nguyện) hoặc theo luật định (bắt buộc). Các chức năng chính của CMO bao gồm giám sát việc sử dụng các tác phẩm, đàm phán chi phí và các điều kiện khác với người sử dụng, cấp giấy phép sử dụng các phẩm, thu phí từ người dùng và phân chia cho chủ sở hữu quyền. Thông thường, dựa trên hợp đồng ủy quyền, các tác giả không được chuyển nhượng, chuyển giao hay cho phép sử dụng tác phẩm ủy quyền. Chẳng hạn nếu nhạc sĩ ủy quyền một bài hát cho VCPMC, họ sẽ không được tự ý cho phép một ca sĩ nào đó biểu diễn, trừ trường hợp thỏa thuận được thực hiện trước khi tác giả ủy thác quyền cho VCPMC.
Sự ra đời của các CMO cũng tương ứng với các lĩnh vực trong ngành công nghiệp bản quyền. Chẳng hạn như ở Nhật Bản có ba CMO về âm nhạc, bao gồm Hiệp hội Quyền của Các tác giả, nhà soạn nhạc và Nhà xuất bản Nhật Bản (JASRAC) - CMO lớn nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc của nước này. Ngoài ra, họ còn có nhiều CMO trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác (nhiếp ảnh, hội họa…) và video, xuất bản sách… Ở Việt Nam hiện nay có sáu CMO, bao gồm Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) ra đời năm 2002, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) được thành lập năm 2003, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) ra đời năm 2004, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) năm 2010, Hội bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) được thành lập năm 2015, và mới nhất là Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam ra đời năm 2019.
Hoạt động của các CMO trong lĩnh vực âm nhạc là một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch vụ phát trực tuyến đang thịnh hành. “Năm 2021, giá trị của ngành bản quyền âm nhạc đạt 39,6 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020”, Will Page, cựu Giám đốc Kinh tế của Spotify, nhấn mạnh trong một báo cáo về giá trị ngành bản quyền âm nhạc toàn cầu. “Trong số đó, phát trực tuyến chiếm 55% giá trị”. Báo cáo về ngành âm nhạc toàn cầu của Liên đoàn Công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI) vào năm 2023 cũng cho thấy, thị trường âm nhạc toàn cầu đã tăng trưởng 9% vào năm 2022, nhờ vào sự tăng trưởng của phát trực tuyến có đăng ký trả phí.
Công thức tính tiền bản quyềnSự mở rộng của ngành công nghiệp âm nhạc sẽ kéo theo sự gia tăng doanh thu của các CMO cũng như nghệ sĩ? Đáng buồn là không phải lúc nào điều này cũng đúng. Ở các quốc gia có thị trường âm nhạc lớn và tôn trọng bản quyền nghiêm ngặt, “như nhiều người nói vui, nếu một nhạc sĩ sống ở Hàn Quốc, Nhật mà có một bài hát nổi tiếng, họ sẽ sống sung túc cả đời”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ trên trang Facebook cá nhân. “Điều này hoàn toàn chính xác. Vì ở các quốc gia đó tuyệt đối tôn trọng quyền lợi của tác giả, họ nghiêm túc thực thi việc trả tác quyền cho các tác giả hoặc đơn vị sở hữu một cách có ý thức và có trách nhiệm”. Còn ở Việt Nam, vẫn còn hiện tượng “dựa trên cơ chế thỏa thuận, kèo nài, trả giá, xin cho”. Anh cho biết, vẫn có đơn vị tổ chức biểu diễn ở Việt Nam chỉ xin cấp tác quyền cho 10 bài hát dù thực tế diễn 24 bài để được trả tác quyền thấp hơn. Hoặc có đơn vị tổ chức biểu diễn xong hứa sẽ thanh toán tác quyền nhưng lại “chây ì trong việc trả tiền”... “Nghĩa là, thực tế chúng ta vẫn chưa hoàn toàn tôn trọng quyền tác giả và quyền lợi dành cho các tác giả”.
Việc thu tiền bản quyền không phải là điều xa lạ ở các quốc gia phát triển với hàng trăm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bản quyền. Song ở Việt Nam, đây vẫn là một bài toán nan giải. Những tranh cãi xoay quanh việc thu tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc đã bùng lên cách đây vài năm, khi VCPMC tiến hành thu phí bản quyền âm nhạc trên ti vi tại các khách sạn ở Đà Nẵng. Ngay sau đó, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng đã gửi công văn cho UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Du lịch nhằm phản đối yêu cầu này. Trước phản ứng gay gắt của các khách sạn, Cục Bản quyền yêu cầu VCPMC tạm dừng thu phí, sau đó vài tháng, việc thu phí lại được triển khai, và tiếp tục vấp phải sự phản đối từ các khách sạn. Năm 2018, VCPMC ban hành biểu mức tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc với các đơn vị tổ chức biểu diễn theo công thức: 5% x 70% lượng ghế x giá vé bình quân. Tuy nhiên, bảy đơn vị sản xuất các chương trình ca nhạc đã gửi kiến nghị lên các bộ ngành, cho rằng cách tính phí của VCPMC là chưa hợp lý và không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.
Tình huống trên dường như lặp lại trong câu chuyện giữa VCPMC và IME. Theo biên bản làm việc giữa hai bên, VCPMC đưa ra ba lựa chọn về phương án tính tiền bản quyền. Phương án (1): 5% x 60% sức chứa (40.000 vé) x giá vé bình quân. Phương án (2): 5% x tổng doanh thu của 20.000 vé. Phương án (3): 20.000 vé x giá vé x 5%. Tuy nhiên, IME chưa đồng thuận với các phương án này, họ cho rằng mức giá này quá cao so với các nước khác trong khu vực. Một số người nghi ngờ IME đang cố gắng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ bản quyền, song cũng không ít bên cho rằng VCPMC đang tìm cách “ép giá”.
Vậy các tổ chức CMO trên thế giới thường thu phí bản quyền như thế nào? Không có một phương án thống nhất, bởi hầu hết các CMO được tự do đặt ra các biểu giá riêng của mình, với điều kiện các biểu giá đó dựa trên các tiêu chí khách quan và không phân biệt đối xử. Thực chất, để có được một phương án thu tiền bản quyền hợp lý và khả thi trong thực tế là một con đường dài. Ngay cả những quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển như Hàn Quốc cũng gặp không ít thách thức khi bắt đầu. Từ khi công bố Luật Bản quyền năm 1988, hơn 50% kế hoạch thu phí bản quyền của Hàn Quốc đã thất bại - theo chia sẻ của ông Lim Won Son, Chủ tịch Ủy ban Quyền tác giả Hàn Quốc, trong Diễn đàn bản quyền Việt Nam - Hàn Quốc năm 2017. Họ đã tốn không ít thời gian để xây dựng phương thức phù hợp, và liên tục hoàn thiện, gỡ bỏ những rào cản trong quá trình thu tiền bản quyền.
Tăng cường độ minh bạchNhững vướng mắc về tỉ lệ thu phí bản quyền đã được gỡ bỏ phần nào nhờ Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan được ban hành vào tháng tư năm nay. Tuy nhiên, các quy định chính sách khó có thể đuổi kịp thực tế, Nghị định 17 đã quy định chi tiết về việc thu phí sử dụng tác phẩm ở các loại hình kinh doanh như cơ sở karaoke, quán bar, khách sạn, khu vui chơi giải trí, hội thảo, hội nghị… song vẫn chưa quy định về biểu phí cho chương trình biểu diễn có bán vé tại nhà hát, quảng trường, sân vận động. Việc bổ sung các hướng dẫn cụ thể về tiền bản quyền với các hình thức sử dụng này sẽ góp phần hạn chế những tranh cãi xoay quanh tiền bản quyền, ảnh hưởng đến việc khai thác tác phẩm.
Sau khi thu tiền bản quyền, các CMO sẽ phân chia cho tác giả và nghệ sĩ như thế nào? Mỗi nơi sẽ có một cách tính riêng, chẳng hạn như Tổ chức Cấp phép bản quyền New Zealand (CLNZ) sẽ khấu trừ 20% các giao dịch cấp phép với các tác phẩm nghệ thuật thị giác để trang trải chi phí vận hành, 80% còn lại sẽ được trả trực tiếp cho chủ sở hữu quyền của các tác phẩm. Làm thế nào để đảm bảo minh bạch trong quá trình này, để các tác giả tin tưởng ủy quyền tác phẩm là một trong những thách thức lớn nhất với các CMO. Ở Việt Nam, VCPMC đã nhiều lần bị chỉ trích là không minh bạch và thống nhất trong việc thu và phân chia tiền bản quyền. Tình trạng này không hiếm gặp trên thế giới, chẳng hạn như Lưu Hoan, một ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, được mệnh danh là “ông hoàng nhạc nhẹ” ở nước này từng phàn nàn rằng tiền bản quyền ông kiếm được mỗi tháng từ Hiệp hội Bản quyền âm nhạc Trung Quốc chưa đầy 400 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 triệu đồng).
Việc áp dụng những công nghệ mới là một trong những điểm mấu chốt để tăng cường tính minh bạch của CMO. Mặc dù tốn không ít thời gian, công sức và chi phí đầu tư, song một số CMO ở Việt Nam vẫn đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu này. Tiêu biểu như Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đã ra mắt nền tảng Vietcopyright.com vào cuối năm 2022 với mục tiêu hỗ trợ khai thác và bảo vệ quyền tác giả.