Đáp ứng chiến lược mới về thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung Quốc, các viện nghiên cứu về trung hòa carbon và các sáng kiến khác hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 đang nở rộ trên khắp Trung Quốc.

Thách thức đáng kể

Tại Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP26 mới đây, Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon hàng đầu thế giới, đã lần đầu tiên công bố khung kế hoạch làm thế nào đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060 và mức phát thải cao nhất trước năm 2030.

Kiểm tra các cánh tuabin gió trước khi lắp đặt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Wu Libo, một nhà kinh tế môi trường tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho biết nước này đang thực hiện một “phong trào quốc gia” để đạt được các mục tiêu trên. Wu Libo cũng là giám đốc của Viện Nghiên cứu năng lượng và chiến lược trung hòa carbon ở Thượng Hải, đơn vị nghiên cứu hợp tác giữa Đại học Phúc Đán và chính quyền thành phố, mới được thành lập vào đầu tháng 11. Sau khi có nguồn tài trợ, Viện này sẽ nghiên cứu các quy định liên quan đến thị trường điện và tài chính khí hậu.

Tuy nhiên, đạt được trung hòa carbon vào năm 2060 “là một thách thức lớn đối với Trung Quốc”, theo Xie Xiaomin, nhà nghiên cứu chính sách năng lượng tại Đại học Giao thông Thượng Hải (SJTU). Xiaomin là Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu về Tính trung hòa carbon của SJTU, cũng mới được thành lập tháng năm năm nay và được tài trợ khoảng 3 triệu USD để nghiên cứu một loạt các công nghệ năng lượng.

Như vậy, từ mức phát thải hơn 11 gigatonnes carbon dioxide vào năm 2020, Trung Quốc sẽ phải giảm xuống mức 0 trong vòng bốn thập kỷ. Chưa quốc gia nào trên thế giới từng đặt ra quy mô và tốc độ giảm phát thải lớn như vậy, theo nhận định của Gang He, nhà mô hình hóa hệ thống năng lượng tại Đại học Stony Brook ở New York, người đã nghiên cứu hệ thống điện của Trung Quốc. Lượng phát thải hiện tại của Trung Quốc cao hơn gấp đôi Hoa Kỳ và gấp ba lần của Ấn Độ (để so sánh: dù phát thải ít hơn nhiều nhưng Ấn Độ lùi thời gian cam kết giảm phát thải về 0 sau Trung Quốc một thập niên, tức là vào năm 2070 mới hoàn thành).

Vì thế “sẽ có rất nhiều lĩnh vực cần sự đóng góp của các nhà nghiên cứu,” Fu Sha, nhà mô hình hóa của Quỹ Năng lượng phi lợi nhuận Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết. Đó là các lĩnh vực như: các công nghệ năng lượng carbon thấp, pin, các cơ chế thị trường trong việc kiểm soát khí thải (chẳng hạn như thuế carbon và mua bán phát thải), các mô hình dự đoán giúp chính quyền địa phương và các ngành đặt ra các mục tiêu giảm thải khả thi, v.v...

Song song với đó, các nhà khoa học cũng cần nghiên cứu những nhóm nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong quá trình chuyển đổi và tìm hiểu cách giúp họ ứng phó. “Xây dựng một quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện hơn [để ứng phó với biến đổi khí hậu] sẽ là một chủ đề nghiên cứu rất quan trọng,” He nói.

Năng lượng mặt trời, gió và thủy điện

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều viện nghiên cứu còn đang hướng đến các mục tiêu rất khác so với mục tiêu trung hòa carbon, chẳng hạn như các lĩnh vực kỹ thuật truyền thống tập trung vào lò hơi đốt than và động cơ đốt trong. Cần loại bỏ dần các nghiên cứu như vậy, Zhang Xiliang, nhà mô hình khí hậu tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết. Đại học Thanh Hoa cũng đã thành lập một Viện Trung hòa carbon vào tháng chín.

Các văn bản chính sách mà Trung Quốc công bố vào tháng mười, bao gồm định hướng và kế hoạch hành động đến năm 2030, lần đầu tiên phác thảo hướng đi cho các nhà nghiên cứu. Theo các định hướng này, Trung Quốc cần “tăng cường nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu về các công nghệ tiên tiến” - chẳng hạn như phản ứng tổng hợp hạt nhân, lưới điện thông minh và vật liệu mới; và xây dựng “kế hoạch hành động để đảm bảo khoa học và công nghệ hỗ trợ hiệu quả hơn” cho mục tiêu trung hòa carbon.

Các định hướng và kế hoạch hành động này cũng đã nêu rõ, Trung Quốc cam kết tăng tỷ trọng điện năng từ ​​các nguồn tái tạo và hạt nhân từ chỉ 16% hiện nay lên 80% vào năm 2060. Công suất năng lượng mặt trời và gió được lên kế hoạch đạt 1.200 gigawatt vào năm 2030 - đủ để cung cấp điện cho hàng trăm triệu hộ gia đình - và sẽ lắp đặt 80 gigawatt thủy điện trong thập kỷ tới.

Các tài liệu cũng đề cập đến vai trò của công nghệ thu giữ và cô lập carbon, và đây cũng là một trọng tâm khác đối với các nhà nghiên cứu. Ngoài ra còn có một kế hoạch nói rằng xe điện và xe hybrid sẽ chiếm 40% số lượng xe bán ra vào năm 2030. Nhiều chi tiết hơn về quá trình chuyển đổi của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có trong các tài liệu trong tương lai, các nhà nghiên cứu cho biết.

Mặc dù có nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu trung hòa carbon ở Trung Quốc, nhưng một số nhà khoa học tỏ ra thất vọng khi tại Hội nghị COP26 Trung Quốc lại không đưa ra các cam kết giảm phát thải ngay trong thập kỷ tới, và Trung Quốc cũng yêu cầu thay đổi cụm từ “loại bỏ than đá” sang “giảm bớt” trong văn bản thỏa thuận cuối cùng của COP26.

Mặt khác, các cam kết giảm phát thải của Trung Quốc cho đến nay cũng không đáp ứng mục tiêu hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5°C, theo Yan Qin, nhà kinh tế và nhà phân tích carbon tại Oslo nói với Refinitiv, một công ty cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính. Trung Quốc cũng chưa đặt ra bất kỳ giới hạn tuyệt đối nào về lượng khí thải carbon hay các khí nhà kính khác ngoài carbon, chẳng hạn như methane, nhưng đã cam kết sẽ giảm tất cả các khí thải.

Trong khi đó, với quy mô nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc, các cam kết của họ có những tác động trên toàn cầu. Pep Canadianell, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Khoa học Khí hậu CSIRO của chính phủ Úc ở Canberra, cho biết. “Khi Trung Quốc di chuyển một chút sang trái hoặc phải, lên hoặc xuống, cả thế giới đều cảm nhận được”.

Tại COP26, Trung Quốc đã không ký một thỏa thuận ấn định ngày kết thúc việc xây dựng các nhà máy điện than mới “không có biện pháp giảm thải” - nghĩa là những nhà máy điện than nhưng không được trang bị công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon.