Không muốn mãi là “vùng chuyển tiếp” giữa hai trung tâm khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục lớn là Hà Nội và TP.HCM, Thừa Thiên Huế đang ấp ủ giấc mơ lớn: xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả nước về KH&CN.
Đi lên từ những lợi thế
Cho đến hiện tại, cùng với Đà Nẵng, Huế đã trở thành khu vực trọng điểm của miền Trung, có khả năng quy tụ được những doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận - những tỉnh thành nơi KH&CN vẫn chưa phát triển nhưng lại cần tri thức khoa học để nâng cao năng suất. Nằm ở nơi mà ảnh hưởng của hai Đại học Quốc gia ở hai đầu đất nước không còn quá mạnh, Đại học Huế có đủ nguồn lực và tiềm năng để phát triển, chuyển giao những công nghệ mới cho các doanh nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề trong khu vực miền Trung.
Thừa Thiên Huế đang có những bước đi bài bản trong xây dựng chính quyền điện tử. Ảnh:baothuathienhue.vn
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ KH&CN, TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên Huế - cho biết, trong năm 2020-2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt 10 dự án cấp quốc gia thuộc các chương trình: Nông thôn miền núi và nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; đề xuất Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam một nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác, và đăng ký dự án “Đầu tư vùng trồng dược liệu quý” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KTXH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tới Ủy ban Dân tộc. Trong số những đề tài này, có thể nhận thấy sự phát triển của một hướng đi mới của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây - công nghệ sinh học - với hai đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gene cây tràm (Melaleuca spp.) tại các tỉnh Bắc Trung Bộ” và “Ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo tồn và phát triển nguồn gene lúa nếp khu vực miền Trung - Tây Nguyên” đều do Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế chủ trì thực hiện. Dù chỉ mới thành lập vào năm 2018, nhưng Viện đã chuyển giao bốn sản phẩm/quy trình công nghệ thành công cho bốn cơ sở trong và ngoài nước; đáng chú ý, “mới đây Viện đã xây dựng hoàn thiện Phòng Thí nghiệm Sinh học Phân tử đạt Phòng An toàn Sinh học mức II. Hiện nay trung bình mỗi ngày phòng thí nghiệm xét nghiệm từ 2.000 đến hơn 4.000 mẫu bệnh”, PGS.TS Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, cho biết.
Bên cạnh công nghệ sinh học, hướng phát triển tiềm năng mà Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh, tỉnh còn có một thế mạnh ‘bật’ lên trên tất cả những lĩnh vực khoa học khác, đó là y học. Nhắc đến ngành y ở Huế, nhiều người sẽ ngay lập tức nghĩ đến ghép tạng và điều trị ung thư, hiện tại đây là đơn vị duy nhất ở Việt Nam tiến hành xạ trị cho trẻ em, đồng thời là cơ sở y học hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng. Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN, GS.TS.BS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện TW Huế đã chia sẻ một cách tự hào: “Bệnh viện TW Huế là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam ghép cuống tim phổi, ghép tế bào gốc để điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng, phẫu thuật nội soi một lỗ và các lỗ tự nhiên”. Không chỉ mạnh về nghiên cứu, khám chữa bệnh, Bệnh viện TW Huế còn chú trọng đến công tác đào tạo, “đào tạo và thực hành là hai thứ mà bệnh viện chúng tôi không bao giờ bỏ qua. Rất nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên cao học đã trưởng thành từ những đề tài nghiên cứu này”.
Trên thực tế, KH&CN của Thừa Thiên Huế cho đến hiện tại đã giải quyết tốt các vấn đề của vùng, với thế mạnh y dược - cả về thực hành, giảng dạy, cung cấp nguồn nhân lực cho cả nước, và công nghệ sinh học. Nền tảng đó cũng chính là cơ sở để ban lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra những kế hoạch phát triển trong tương lai để hướng đến đưa Thừa Thiên Huế trở thành một “trung tâm KH&CN lớn của khu vực và quốc gia” - như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu
ký kết chương trình phối hợp hoạt động KH&CN 2021-2025. Ảnh: Anh Thư
Giấc mơ ấy với họ không phải là những dự định hão huyền, mà họ đã thực sự mường tượng ra được một bức tranh về trung tâm KH&CN Thừa Thiên Huế trong tương lai - ở đó Huế sẽ có một Khu Công nghệ cao (quốc gia) đặt tại tỉnh, Đại học Huế sẽ trở thành Đại học Quốc gia và là Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ mạnh của khu vực Đông Nam Á, Viện Công nghệ Sinh học (Đại học Huế) sẽ phát triển thành Trung tâm Công nghệ Sinh học Quốc gia tại miền Trung, trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) trở thành mô hình “trường-viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế, Bảo tàng Tự nhiên Duyên Hải miền Trung sẽ trở thành một thiết chế KH&CN của khu vực. “Đó đều là những điều mà lâu nay chúng tôi vẫn ấp ủ. Tôi kỳ vọng những định hướng trên sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực ưu tiên, đưa KHCN trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ.
Bước chậm mà chắc
Trên con đường phát triển ấy, Thừa Thiên Huế sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi các mục tiêu của họ đều khá quy mô và cần nhiều thời gian để thành hình, ví dụ với mong muốn thành Đại học Quốc gia, Đại học Huế phải làm được mục tiêu trước mắt là giải quyết được hầu hết những vấn đề KHCN của vùng, đào tạo ra được nguồn nhân lực có giá trị và giữ chân được nhân tài.
Trong số những vấn đề KHCN của vùng, hiện nay Sở KH&CN Thừa Thiên Huế đang làm rất tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử, mà ứng dụng Hue-S là một minh chứng sống động. Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu, xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian (SDI), phục vụ quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị - ứng dụng thí điểm tại tỉnh Thừa Thiên Huế” - thuộc Chương trình KC.01/16-20 - do Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì đã giúp tỉnh “làm chủ được các công nghệ then chốt trong xây dựng SDI, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ 3D-GIS, từ đó đề xuất được giải pháp xây dựng nền tảng hạ tầng dữ liệu không gian cho đô thị cấp tỉnh, hướng đến xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam”, như lời chia sẻ của ông Hoàng Bảo Hùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, tại buổi tổng kết chương trình KC.01/16-20 vừa qua. Điều này cho thấy sự nhanh nhạy của ban lãnh đạo tỉnh khi ứng dụng số hóa, công nghệ thông tin vào Huế một cách bài bản, quy củ. Từ hướng này, Sở KH&CN có thể tận dụng nguồn lực sẵn có, từ đó tham mưu với tỉnh các chính sách phù hợp để tăng cường nguồn lực đầu tư vào KHCN.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế phải tính đến việc giữ chân được nhân tài, đây cũng là điều mà PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, vẫn luôn trăn trở: “Hiện nay ĐH Huế đã có một đội ngũ tiến sĩ về công nghệ sinh học, nhưng nếu như mình không có thiết bị, cơ sở, môi trường để làm việc thì dần dần đội ngũ này sẽ di chuyển vào Đà Nẵng, TP.HCM rất nhiều - và thực trạng này đang diễn ra ở một số lĩnh vực khác”.
Nằm sát bên cạnh Đà Nẵng - đây thực sự là một điểm bất lợi với Thừa Thiên Huế trong nhiều mặt. Điều này còn khiến ban lãnh đạo tỉnh gặp khó khăn khi đi thẩm định và xin ý kiến các bộ, ngành về việc xây dựng Đề án Khu Công nghệ cao. “Đà Nẵng cũng đã có Khu Công nghệ cao, và thành phố này cũng đang gặp khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp, gia tăng tỷ lệ phủ. Nếu Huế cũng muốn xây dựng thì ban lãnh đạo phải tính trước chiến lược, đưa ra phương án hợp lý để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để thu hút được các doanh nghiệp vào Khu Công nghệ cao của mình”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác mà Thừa Thiên Huế nói chung và Đại học Huế nói riêng đang gặp phải, đó là không thể thành lập doanh nghiệp trong trường Đại học - những trung tâm tri thức của Huế. Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2014, cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, “các giảng viên trong trường hiện ai cũng là viên chức cả, nên chúng tôi không thể thành lập được doanh nghiệp, đó chính là nút thắt hiện nay mà chúng tôi mong muốn tháo gỡ nhằm gia tăng tỷ lệ chuyển giao công nghệ và đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa”, Giám đốc ĐH Huế cho biết. Hiện tại, ĐH Huế đang ươm 15 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực nhằm thành lập mô hình tương tự BK-Holdings của ĐH Bách khoa Hà Nội - dù theo ông Linh có thể đây sẽ mãi chỉ là ước mơ nếu chưa tháo gỡ được vướng mắc về cơ chế liên quan đến thành lập doanh nghiệp.
Để trở thành trung tâm KH&CN quốc gia, song song với việc ươm doanh nghiệp, Đại học Huế đã bắt tay vào thành lập 32 nhóm nghiên cứu mạnh - dù có thể chưa thực sự mạnh so với những nhóm nghiên cứu ở Hà Nội hay TP.HCM nhưng cũng đảm bảo yêu cầu là phải có công bố quốc tế và đào tạo được nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, trước thềm buổi làm việc giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ KH&CN, tại “Hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030”, các nhà khoa học trong trường còn bày tỏ mong muốn nhận được cơ chế hỗ trợ của nhà nước để xây dựng khoa học cơ bản phát triển, từ đó mới hướng đến khoa học ứng dụng. Cũng gặp phải bài toán tương tự như các trường đại học lớn trên khắp cả nước, “những ngành cơ bản như Toán, Sinh, Lý hiện nay số sinh viên theo học đếm trên đầu ngón tay. Ba, bốn năm nay chúng tôi không thể đảm bảo số lượng sinh viên được”, PGS.TS Võ Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, cho biết.
Trên con đường trở thành một trung tâm KH&CN lớn của đất nước, Huế sẽ phải giải quyết rất nhiều khó khăn. Một lúc giải quyết được trọn vẹn các vấn đề ấy là điều không tưởng. Có lẽ, trong điều kiện nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp thì điều mà lãnh đạo tỉnh nên làm ngay lúc này đó là đi từng bước, chậm mà chắc, giải quyết những vấn đề của tỉnh, vùng, và rồi mới hướng đến chặng đường xa hơn mang tầm quốc gia thông qua việc tạo dựng liên kết với các địa phương xung quanh - như Đà Nẵng.
Tôi kỳ vọng những định hướng trong hợp tác về kh&CN giữa Bộ KH&CN và tỉnh sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, nhất là đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực ưu tiên, đưa KHCN trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu |
Với khả năng chuyên môn và nguồn lực sẵn có của ngành y khu vực, sự nhanh nhạy về công nghệ thông tin, Thừa Thiên Huế có thể tận dụng để trở thành cơ sở y học vươn tầm Đông Nam Á, và xa hơn là trung tâm khoa học công nghệ xoay quanh một không gian sáng tạo văn hóa kết hợp với số hóa và chăm sóc sức khỏe - đó đều là những điểm mạnh của vùng.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy |