Pháp sẽ tận dụng sáu tháng trong vai trò chủ tịch luân phiên châu Âu để giúp châu lục này giành chiến thắng trong cuộc chạy đua sản xuất vật liệu bán dẫn – giành tự chủ trong ngành công nghiệp khỏi phụ thuộc vào chuỗi cung cấp toàn cầu và thoát khỏi sự bất định trong bối cảnh chuyển mình về địa chính trị.
“Cuộc chiến về vật liệu bán dẫn đang còn rất mở”, Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp từng nói như vậy trong một cuộc họp báo về việc Pháp giữ vai trò chủ tịch luân phiên châu Âu. “Chúng tôi muốn châu Âu giành chiến thắng trong cuộc chiến này”, Le Maire nhấn mạnh.
Tổng thống Emmanuel Macron (ngoài cùng bên phải) làm việc tại Sanofi, nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới của Pháp, vào tháng 6/2020. Ảnh: Gonzalo Fuentes/AFP
Những gì ông Le Maire nói cũng là quan điểm của Tổng thống mới tái đắc cử Emmanuel Macron. Trong chiến dịch tranh cử của mình cũng như trong khi loan báo về kế hoạch Pháp giữ vai trò chủ tịch châu Âu, ông Macron cho biết châu Âu cần phải đón nhận một mô hình tăng trưởng kinh tế mới dựa trên chủ quyền công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc và Mỹ ở những công nghệ quan trọng như các bộ vi xử lý. Trong ba thập kỷ trước, châu Âu từng là một nhà cung cấp vật liệu bán dẫn toàn cầu nhưng kể từ khi nền sản xuất thế giới chuyển về châu Á, trong đó có Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản thì các vi chip do châu Âu sản xuất nhỏ hơn 10% số lượng chip có trên thị trường châu Âu hiện nay.
Hội đồng châu Âu ước tính, hằng năm cần phải nhân toàn bộ việc sản xuất các bộ vi xử lý này lên gấp năm lần, đồng thời, EU cần thu hẹp khoảng cách đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số lên tới 125 tỷ euro mỗi năm, trong đó 17 tỷ euro nên được đầu tư riêng cho vật liệu bán dẫn. Do đó, theo ông Le Maire, “Dự án quan trọng vì lợi ích chung của châu Âu”(IPCEI) về vi điện tử mới được thành lập sẽ giúp châu Âu định hướng được cách thoát khỏi tình trạng khó khăn của mình. “Dự án này sẽ giúp mở ra hàng trăm dự án theo đúng nghĩa và hàng chục nghìn công việc trong ngành vi điện tử ở châu Âu,” ông nói.
Hội đồng châu Âu cũng mới lập hai liên minh hợp tác để hướng tới mục tiêu đem ngành công nghiệp, các quốc gia thành viên và các tổ chức cùng đầu tư vào bán dẫn, điện toán đám mây. Và cho đến giờ thì ít nhất 22 quốc gia thành viên đều đã đồng thuận ký tên vào kế hoạch thành lập liên minh bán dẫn.
Đầu tư lớn hơn để có quyền tự chủ cao hơn
Peter Wennink, CEO của công ty bán dẫn Hà Lan ASML, trao đổi tại hội thảo châu Âu rằng sẽ đầu tư nhiều hơn vào R&D để tránh trở thành kẻ ngoài cuộc khi ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được dự đoán là tăng gấp đôi lên con số 1 nghìn tỉ USD vào năm 2030.
Ông đồng thời cũng đề cập đến tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội của châu Âu hiện được đầu tư vào R&D và đổi mới cũng như hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và mở rộng quy mô, “tỷ lệ này tại châu Âu thấp hơn so với các nền kinh tế hàng đầu khác trên thế giới”. Để đưa ra cái nhìn trực quan nhất, ông so sánh trường hợp của Mỹ: mặc dù các công ty Mỹ hiện đã chiếm đến 48% doanh số bán chip máy tính trên thế giới, nhưng Chính phủ Mỹ vẫn có kế hoạch chi 52 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn.
Trong khi đó, ở châu Âu, Ủy ban hiện đang cố gắng thuyết phục các Bộ trưởng Tài chính ở tất cả các quốc gia thành viên tăng đầu tư cho R&D lên ít nhất 3% GDP - vào thời điểm mà nhiều quốc gia gia nhập khối sau năm 2004 vẫn đang đầu tư ít hơn 1% GDP.
Ủy ban đã công bố kế hoạch xây dựng Đạo luật chip châu Âu và một chương trình quản lý nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và sản xuất bộ vi xử lý. Những hướng đi này nhằm giúp EU hiện thực hóa mục tiêu đáp ứng ít nhất 1/5 nhu cầu thế giới về chất bán dẫn vào năm 2030.
Wennink cho biết Đạo luật chip sẽ cung cấp cho châu Âu một khung pháp lý để tận dụng thế mạnh của khối trong việc tích hợp hệ thống và khuyến khích tất cả các nhà sản xuất điện tử lớn đầu tư vào những nhà máy sản xuất chip đắt tiền ở EU.
Tuy nhiên, có một rào cản quan trọng, đó là điều này đòi hỏi một nguồn nguyên liệu lớn - thứ mà châu Âu không có. Như Phó chủ tịch Ủy ban Maroš Šefcovic đã lưu ý, 98% nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm của châu Âu đến từ Trung Quốc. “Liên minh châu Âu cần mở rộng nguồn cung ứng nguyên liệu thô của mình”, ông Šefcovic nói với các đại biểu. Với mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô của Trung Quốc, EU đã thành lập một hội đồng thương mại và công nghệ với Mỹ. EU cũng đang thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Ukraine về nguyên liệu thô, nhưng quá trình này đang gặp phải rào cản do tình hình chính trị phức tạp giữa Nga và Ukraine.
Các nhà khoa học Pháp mới đây đã ăn mừng chiến thắng thuyết phục của Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống Quốc gia vào ngày 24/4. Nhưng họ vẫn còn chưa rõ nhiệm kỳ thứ hai của ông sẽ mang lại lợi ích như thế nào cho việc nghiên cứu, vì hiện tại các chính sách của ông quá mơ hồ.
Đặc biệt, những kế hoạch Macron từng ám chỉ liên quan đến trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường đại học, viện nghiên cứu khỏi các cơ quan đã khiến giới khoa học rơi vào hoang mang. Cédric Villani, người đoạt Huy chương Fields về toán học năm 2010, tỏ ra lo ngại rằng điều này có thể gây bất lợi cho các tổ chức nghiên cứu quốc gia, chẳng hạn như CNRS, cơ quan nghiên cứu y sinh INSERM và cơ quan nông nghiệp và môi trường INRAE. Theo Villani, tự chủ đại học đang diễn ra quá nhanh và sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy trong chiến dịch bầu cử, khoa học hầu như không được đề cập. Patrick Lemaire, một nhà sinh vật học tại Đại học Montpellier ở Pháp, nhận xét “tầm nhìn của Macron ngắn hạn và thực dụng - ông ấy tập trung vào kinh doanh hơn là vào tri thức”. Trong một dịp hiếm hoi nhắc đến khoa học vào ngày 16/4, Macron đã cam kết sẽ chịu trách nhiệm về quy hoạch sinh thái, với sự hỗ trợ của Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng về các vấn đề sinh thái lãnh thổ. Macron khẳng định Pháp sẽ là quốc gia lớn đầu tiên ngừng sử dụng khí đốt, dầu mỏ và than đá; một lần nữa ông lặp lại thông điệp của mình trong bài phát biểu chiến thắng, rằng mục tiêu của ông là đưa Pháp trở thành “một quốc gia sinh thái lớn”. |
Nguồn: sciencebusiness.net, nature.com