Dù đã hết sức chật vật với việc bảo vệ bản quyền mà chưa giành được phần thắng, tới đây, cơ quan quản lí và các bên tham gia vào quá trình sáng tạo và truyền tải tác phẩm - từ tác giả cho đến các nhà cung cấp dịch vụ trung gian,... sẽ còn phải đối mặt với một thách thức lớn hơn, đó là bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

Vào tháng 8/2021, Phimmoi.net - một trong những trang web chiếu phim không bản quyền lớn nhất Việt Nam chính thức bị khởi tố hình sự. “Đây là dấu mốc cực kì ý nghĩa, bởi Phimmoi.net là vụ xâm phạm bản quyền đầu tiên bị khởi tố hình sự tại Việt Nam. Điều đáng chú ý là đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi ở quy mô quốc tế (Phimmoi.net còn được biết đến ở Mỹ, Pháp, Canada và Hà Lan)”, theo đánh giá của văn phòng luật Phan Law, đại diện pháp lý của các nhà làm phim cũng như các chủ thể quyền khác trong vụ án này.

Dù nhiều người hy vọng thành công bước đầu trong vụ Phimmoi.net sẽ mở đường cho việc “dẹp loạn” tình trạng vi phạm bản quyền đang ngày càng tăng trên môi trường số ở Việt Nam, song trước mắt, chỉ riêng vụ Phimmoi.net cũng đủ khiến cho những người trong ngành phải “đau đầu”. Cho đến nay, các tên miền mới của Phimmoi.net cùng các bộ phim mới nhất vẫn liên tục xuất hiện. “Chúng tôi cứ chặn cái này lại nhảy ra cái khác, ước tính bây giờ đã có khoảng 5000 domain của Phimmoi.net”, luật sư Phan Vũ Tuấn, trưởng văn phòng luật Phan Law cho biết trong hội thảo “Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng” do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) tổ chức vào ngày 22/4 vừa qua.

Nhiều bộ phim nổi tiếng vừa ra rạp đã nhanh chóng bị đăng tải trên mạng. Ảnh: Bộ phim “Cô ba Sài Gòn” từng bị quay lén trong rạp. Nguồn: medium

Những thách thức mới trong môi trường số

Điều này không đáng ngạc nhiên, bởi xử lí xâm phạm bản quyền trong môi trường truyền thống ở Việt Nam vốn đã khó khăn, chưa kể đến môi trường số. “Ở Khoa Luật của ĐHQGHN, chúng tôi xuất bản rất nhiều sách và giáo trình, nhưng đã xuất hiện những cuốn sách sao chép lậu ngay khi vừa xuất bản xong ở những cửa hàng sách xung quanh, thậm chí ngay trên khuôn viên trường, rồi”, GS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật (ĐHQGHN) cho biết.

Thông thường, những kẻ sao chép sách không bản quyền phải có nơi in ấn, vận chuyển và phân phối sách đến tay người mua thì trên môi trường số, họ chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối mạng. “Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, internet, viễn thông đã tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện hành vi vi phạm một cách dễ dàng hơn bao giờ hết”, theo đánh giá của Phan Law. “Việc xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng rất khó kiểm soát, dễ tái phạm, cách thức vi phạm đa dạng. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ nhưng ngay lập tức lại xuất hiện do tính chất dễ dàng đăng tải, chia sẻ tài nguyên trên mạng internet”.

Tính linh hoạt của môi trường internet có lẽ là một trong những thách thức lớn nhất trong xử lí xâm phạm bản quyền. Các cơ quan chức năng tốn rất nhiều công sức, thời gian để tìm được chứng cứ do hành vi vi phạm trên internet rất dễ thực hiện và dễ xóa dấu vết. Chẳng hạn để đi đến quyết định khởi tố hình sự Phimmoi.net vào năm 2021, Phan Law đã bắt đầu những bước đi đầu tiên từ năm 2014. Sau quá trình dài thu thập chứng cứ, đến tháng 8/2019, Phan Law đã gửi tòa bộ tài liệu chứng cứ vi phạm của Phimmoi.net và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Nhờ đó, vào năm 2020, cơ quan chức năng đồng ý tiến hành điều tra sau khi đã xác minh kĩ càng thông tin và tài liệu.

Dù thực hiện từng bước rất chặt chẽ và công phu nhưng đến nay, cuộc chiến chống xâm phạm bản quyền trên Phimmoi.net vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. “Chúng tôi sử dụng đủ kiểu ngăn chặn tấn công, thậm chí Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI, ICANN (tập đoàn internet cấp số và tên miền - tổ chức quản lí tất cả các loại tên miền trên thế giới) và nhiều tổ chức quốc tế khác cũng vào cuộc, nhưng Phimmoi.net vẫn ‘lẩn trốn’ rất nhanh, dù khi họ đổi tên miền mới, gần như tất cả mọi người đều biết”, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.

Bên cạnh những phương thức xâm phạm mới, trên một không gian đặc biệt như internet, định nghĩa về quyền sao chép tác phẩm cũng hoàn toàn thay đổi. “Thông thường chúng ta cứ nghĩ copy một bản thì gọi là sao chép, nhưng bây giờ chúng ta phải bước ra khỏi quan điểm này, vì trong không gian mạng, quyền sao chép sẽ trở nên rất khác biệt”, theo anh Phan Vũ Tuấn. Không ít người bất ngờ khi biết rằng, nếu chiếu theo định nghĩa truyền thống, việc xem một video trực tuyến trên YouTube bị coi là xâm phạm quyền sao chép. Bởi lẽ quy trình truyền dữ liệu qua mạng internet hiện nay theo công nghệ “chuyển gói” (packet switching - dữ liệu được chia thành các gói nhỏ và truyền qua mạng), trong đó bản sao tạm thời của dữ liệu luôn tự động tạo ra tại bộ nhớ RAM máy tính. Như vậy, khi xem một video, “máy tính của bạn đã lưu trữ tạm thời một phần dữ liệu video trong RAM máy tính, dù thời gian rất ngắn, chưa đầy một giây, để đảm bảo bạn xem xong cái đó thì xóa đi”, luật sư Tuấn phân tích.

Mặc dù vấn đề bản sao tạm thời đã được đề cập đến trong nghị định hướng dẫn Luật SHTT, song chỉ quy định riêng cho tổ chức phát sóng, chưa có nội dung về truyền dữ liệu trên internet. “Trong trường hợp tạo ra một bản sao như vậy, nhưng mục đích là truyền đạt tác phẩm tới công chúng chứ không phải sao chép, thì quyền sao chép có được áp dụng hay không? Đây là những góc khuất gây ra rất nhiều khó khăn khi xử lí thực tế”, luật sư Phan Vũ Tuấn nói.

Cuộc đua giữa công nghệ bảo vệ và mánh lới xâm phạm

Những vướng mắc trong xử lí xâm phạm bản quyền trên môi trường số đã được ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật SHTT lắng nghe. Trong dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng năm tới, nội dung sao chép tạm thời đã được quy định rõ ràng hơn: “Trường hợp sao chép tạm thời là một phần thiết yếu không thể tách rời của một quy trình công nghệ, diễn ra trong quá trình hoạt động bình thường của các thiết bị được sử dụng và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại thì không áp dụng quyền [sao chép] này”. Quy định này không chỉ đảm bảo lợi ích của người dùng mà còn góp phần hạn chế việc “lách luật” trên môi trường số.

Bên cạnh giải pháp chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng đang tìm cách tự bảo vệ mình bằng các biện pháp công nghệ. “Đây là xu hướng chung ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu các ‘ông lớn’ trên thế giới đều phát triển giải pháp riêng như công nghệ Content ID của YouTube, công nghệ Right Manager của Facebook,... thì ở Việt Nam, các nhà sản xuất nội dung cũng đã đầu tư rất nhiều công nghệ bảo vệ bản quyền số. Chẳng hạn như Đài truyền hình VSTV (K+), FPT, VieOn,… đang sử dụng công nghệ Finger Printing (công nghệ vân tay) cho việc quản lý, kiểm soát nội dung từ nguồn phát của mình và của các đối tác được cấp phép sử dụng nội dung”, theo Phan Law. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng truy dấu hành vi xâm phạm trên môi trường số. “Chẳng hạn như khi vào rạp chiếu phim, nếu có ai quay lén và chiếu lên mạng, ngay lập tức trong vòng một phút chúng tôi có thể biết được đoạn phim đó được quay tại rạp nào, thậm chí là ghế bao nhiêu”, luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng tiếp cận các biện pháp này. “Các nhà sản xuất phải chi trả rất nhiều tiền để sở hữu, hoặc chỉ để thuê công nghệ bảo vệ nội dung. Do vậy, các biện pháp này dù đã phổ biến và được nhiều nhà sản xuất nội dung biết đến nhưng xét về áp dụng thực tế thì vẫn còn mang tính thiểu số”, theo Phan Law.

Mặt khác, không phải bao giờ các công nghệ cũng… đứng về phía tác giả. “Có người đăng tải trái phép tác phẩm của tôi lên YouTube, họ áp dụng hệ thống bảo vệ bản quyền của YouTube nên tôi bị cảnh báo vi phạm. Đây là một kẽ hở của YouTube. Rõ ràng là tác phẩm của tôi, nhưng hiện nay tôi vẫn đang phải tìm cách chứng minh nó là của mình”, nghệ sĩ Xuân Bắc kể lại trong hội thảo. Anh không phải là người duy nhất gặp phải vướng mắc này: “Tôi có đại diện cho một số nghệ sĩ cải lương, họ cũng rất bức xúc, vì một số đơn vị đã đăng tải video cải lương và ghi nhận bản quyền với YouTube, sau đó bất cứ ai đăng cải lương lên họ đều thu tiền, thậm chí xóa kênh YouTube, trong khi cải lương là văn học nghệ thuật dân gian, thuộc về tất cả mọi người. Chúng ta đang chơi trên sân chơi của YouTube, một sân chơi bất công cho chính chúng ta”, luật sư Tuấn nói.

Thậm chí, trong cuộc chiến bản quyền, các mánh lới xâm phạm không ngừng chạy đua với công nghệ bảo vệ. “Mỗi lần chúng ta chế ra một giải pháp gì đó chống xâm phạm thì ngay lập tức, họ sẽ chế ra một thứ ngược lại. Chẳng hạn để chống những người đăng tải trái phép các trận bóng đá, chúng tôi áp dụng công nghệ so sánh các màn hình với nhau để phát hiện ra đối tượng xâm phạm. Dù họ tìm cách cắt bớt màn hình lại, hoặc chèn hình vào để bớt giống, nhưng chúng tôi vẫn so được. Vậy nên họ tìm cách lật ngược hình từ trái qua phải, và chế ra một cái hộp có gương để xem qua đó cho xuôi lại. Hoặc chúng tôi áp dụng công nghệ finger printing, khi các bạn xem bóng đá sẽ thấy có dòng chữ nhỏ chạy trên màn hình, giúp chúng tôi truy vết nếu có người quay lén. Nhưng bây giờ, họ lại áp dụng công nghệ AI để nhận diện kí tự và che khuất dòng chữ đó”, luật sư Phan Vũ Tuấn kể lại.

Trước tình trạng này, theo các chuyên gia, việc áp dụng các công nghệ kiểm soát nội trung trên môi trường số chỉ phát huy hiệu quả nhất khi có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước. “Điều quan trọng nhất để chống xâm phạm bản quyền trên internet là phải tracking (truy dấu) được hành vi xâm phạm. Các doanh nghiệp không thể đơn độc trong hành trình này. Tôi rất mong các cơ quan quản lí nhà nước có thể hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như blockchain để kiểm soát việc sử dụng tài sản trí tuệ trên internet. Nếu thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên làm được điều này”, luật sư Tuấn nói.