Sẽ đến thời điểm chi phí thực hiện chiến lược "zero COVID" trở nên lớn hơn lợi ích mang lại. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ sớm bắt đầu đưa ra các biện pháp phòng dịch linh hoạt hơn.

Chiến lược "zero COVID" của Trung Quốc dựa trên xét nghiệm hàng loạt, truy vết và cách ly nghiêm ngặt, hạn chế đi lại trong nước và quốc tế cũng như phong tỏa toàn bộ thành phố khi xuất hiện ca nhiễm.

Các biện pháp này đã giúp Trung Quốc hạn chế số ca lây nhiễm (dưới 154 nghìn ca) và tử vong (5.200 trường hợp); dập tắt mọi đợt bùng phát COVID-19 cho đến nay, kể cả một số đợt bùng phát do biến thể Omicron từ giữa tháng 1/2022. Nhưng các đợt bùng phát đang xảy ra ngày càng thường xuyên và lan rộng hơn. Ngày 25/2, 93 trường hợp COVID-19 được xác nhận lây truyền tại cộng đồng ở 10 tỉnh, bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Thâm Quyến, giáp với Hồng Kông, gần đây đã phải đóng cửa các viện bảo tàng, thư viện, nhiều công viên và bãi biển để đối phó với các đợt bùng phát. Các khu chung cư phải liên tục phong tỏa cứ mỗi khi một cư dân xét nghiệm dương tính. Hầu hết mọi người phải xét nghiệm sau mỗi 48 giờ.

Sẽ đến thời điểm chi phí của chiến lược "zero COVID" trở nên lớn hơn lợi ích mang lại, do đó Trung Quốc có thể sẽ phải sớm đưa ra các biện pháp phòng dịch linh hoạt hơn.Đây sẽ là một quyết định quan trọng, và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành một cách thận trọng, vì muốn tránh bùng phát nghiêm trọng như tình hình hiện nay ở Hồng Kông. Cách tiếp cận mở của Hồng Kông có hiệu quả tương đối tốt cho đến tháng 12/2021, khi biến thể Omicron xuất hiện và làm cho số ca nhiễm tăng vọt. Tính đến 27/2, số ca nhiễm mỗi ngày (trung bình 7 ngày) ở Hồng Kông là 3.000 ca, từ mức chỉ 100 ca/ngày vào đầu tháng 2; mỗi ngày có khoảng 40 ca tử vong. Chỉ riêng ngày 28/2, Hồng Kông ghi nhận 34.000 ca nhiễm. Mặc dù tỷ lệ bao phủ vaccine ở Hồng Kông là 76%, tỷ lệ ở nhóm 70 tuổi chỉ là 46% và ở nhóm 80 tuổi là 29%. Mô hình của các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông (HKU) dự đoán số ca nhiễm ở đây sẽ lên đến 4,6 triệu người vào giữa tháng 5 tới.

Dự đoán, Trung Quốc sẽ từ bỏ chiến lược "zero COVID" khi tình hình Hồng Kông lắng xuống hoặc khi đã nâng độ phủ vaccine ở người cao tuổi, được cho là cần thêm khoảng 1 năm nữa.

Một cơ sở cách ly tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 ở Hồng Kông, nơi số ca bệnh và tử vong đã tăng vọt kể từ tháng 12 năm 2021.

Ngay bây giờ, Trung Quốc đã không còn gọi là chiến lược "zero COVID", mà là "zero COVID linh hoạt" ("dynamic zero COVID"). Theo đó, mỗi địa phương được điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chính quyền trung ương cũng yêu cầu các địa phương nới lỏng các biện pháp quá mức và không cần thiết, tránh phong tỏa tùy tiện và cấm đóng cửa trái phép các nhà hàng, siêu thị, địa điểm du lịch và rạp chiếu phim. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đang nghiên cứu các biện pháp để đảm bảo trao đổi quốc tế bình thường và phát triển kinh tế.


Nguồn: