Nhờ chính sách "zero-covid", đến ngày 10/10/2021, thống kê chính thức về số ca tử vong liên quan đến COVID của đất nước 1,4 tỉ dân là 4.636.

Kiên định mục tiêu “zero-covid”

Nhìn từ bên ngoài, khu vực này (trong ảnh) giống như một căn cứ quân đội, rộng bằng 45 sân bóng đá với những dãy nhà ba tầng màu xám. Nằm ở ngoại ô phía nam thành phố Quảng Châu, đây là trung tâm kiểm dịch đầu tiên được xây dựng để phục vụ riêng cho việc cách ly những người đến từ nước ngoài. Khách đến Trung Quốc, dù đã tiêm phòng đầy đủ hay chưa, sẽ phải cách ly ở 1 trong 5.000 phòng của cơ sở trị giá 260 triệu USD này. Robot sẽ mang đồ ăn đến cho họ.

Khu cách ly mới ở Quảng Châu dành cho người từ nước ngoài vào Trung Quốc

Kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19, mục tiêu của Trung Quốc là loại bỏ hoàn toàn virus trong nước. Hồng Kông và Ma Cao cũng có chiến lược tương tự. Nhưng ngay cả khi một số quốc gia đặt mục tiêu “zero-covid” khác, bao gồm Úc, New Zealand và Singapore, chuyển sang nới lỏng và "bình thường mới", thì Trung Quốc vẫn không từ bỏ.

Những người bay đến Trung Quốc được đưa ngay đến cơ sở cách ly, ở đó trong ít nhất hai tuần và xét nghiệm thường xuyên. Bản thân nhân viên y tế cũng không được rời khỏi cơ sở. Sau khi làm việc ở đó trong bốn tuần, họ phải thực hiện một tuần cách ly tập trung và hai tuần cách ly tại nhà.

Các quan chức Trung Quốc mô tả khu phức hợp ở Quảng Châu là điển hình cho “tốc độ Trung Quốc”: chỉ mất ba tháng xây dựng. Một trung tâm kiểm dịch khác cũng sẽ sớm mở cửa tại thành phố Đông Quan gần đó, với 2.000 giường. Tại một buổi đào tạo cho nhân viên y tế ở cơ sở cách ly Quảng Châu hồi tháng 9, một quan chức đã gọi đây là “cuộc chiến kéo dài” chống lại virus, và sẽ "chỉ chấm dứt khi căn bệnh này không còn nữa".

Chính sách zero-covid của Trung Quốc bao gồm việc ngăn cản người nước ngoài, cách ly truy vết tỉ mỉ, ứng dụng theo dõi và phong tỏa chặt chẽ ở những khu vực phát hiện thấy virus; và thường xuyên xét nghiệm hàng loạt.

Những nỗ lực như vậy đã đạt được những kết quả ấn tượng, xét về quy mô của đất nước và quy mô tiếp xúc trực tiếp với 14 nước láng giềng. Đến ngày 10/10, con số chính thức của Trung Quốc về số ca tử vong liên quan đến COVID là 4.636. Từ tháng 4 năm ngoái đến nay, chỉ có ba ca tử vong. Một số tỉnh không có trường hợp tử vong nào, bao gồm cả Giang Tô ở ven biển. Giang Tô có dân số hơn 80 triệu người, gần bằng dân số của Đức, nơi có số người chết chính thức là 94.000. Đối với các nhà chức trách Trung Quốc, một vụ bùng phát hàng chục ca đã là lớn, và hiếm khi lên đến hàng trăm ca - con số chỉ tương đương với một biến động nhỏ trong số liệu thống kê COVID của hầu hết các quốc gia khác.

Nhưng cuối cùng họ sẽ phải đối mặt với cùng một câu hỏi: khi nào thì nới lỏng các biện pháp đó? Trong khi phần còn lại của thế giới bắt đầu quen với việc coi COVID là một căn bệnh đặc hữu - luôn hiện hữu nhưng ở mức độ chấp nhận được - thì Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch khổng lồ của mình để tiêu diệt hoàn toàn căn bệnh này trong bao lâu?

Đó là một câu hỏi quan trọng, không chỉ 1,4 tỷ người Trung Quốc mà trên toàn thế giới quan tâm. Hãy thử xem chỉ một tác dụng phụ từ chính sách zero-covid của Trung Quốc: các nhà lãnh đạo thế giới không thể gặp mặt trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Ông Tập đã không tiếp khách nước ngoài hoặc đi công tác nước ngoài kể từ tháng 1/2020. Ông không tham dự cuộc họp của G20 ở Rome vào cuối tháng 10, hoặc hội nghị khí hậu tiếp theo ở Glasgow. Vào thời điểm căng thẳng có thể lên đến mức nguy hiểm với Mỹ, ông vẫn chưa tổ chức hội nghị thượng đỉnh chính thức với Tổng thống Joe Biden. Vào ngày 6/10, Trung Quốc đã đồng ý tham gia một cuộc họp như vậy vào cuối năm nay, nhưng chỉ qua gọi video.

Lựa chọn khó khăn

Biến thể Delta đang khiến chính sách "zero-covid" của Trung Quốc khó thực hiện hơn rất nhiều. Delta lây lan mạnh hơn từ hai đến ba lần so với chủng ban đầu ở Vũ Hán. Nhưng có thể khắc phục vấn đề bằng tỷ lệ tiêm chủng cao. Đến ngày 15/9, ngày gần nhất có dữ liệu, 71% người Trung Quốc đã được tiêm hai mũi, bao gồm gần 3/4 người trên 60 tuổi. Để so sánh, 56% người Mỹ và 64% cư dân EU đã tiêm hai mũi vào ngày 11/10.

Trung Quốc đã phê duyệt bảy loại vaccine trong nước và đang tiếp tục phát triển vaccine mRNA. Ảnh minh họa.

Nhưng ngay cả khi hoàn thành tiêm chủng, như một số quốc gia ở châu Âu, số ca nhập viện vẫn sẽ tăng lên sau khi đất nước bắt đầu mở cửa. Số ca tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào hiệu lực của vaccine.

Giống như các vaccine phương Tây, vaccine Trung Quốc có hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa bệnh nặng, nhưng kém hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn lây nhiễm.

Có thể Trung Quốc sẽ phát triển các loại vaccine tốt hơn. Quân đội đã làm việc với hai công ty tư nhân của Trung Quốc để phát triển một loại vaccine mRNA. Nhưng Trung Quốc là nước đi sau với công nghệ này, và rất có thể hiệu quả vaccine sẽ không được như Pfizer hay Moderna. Một loại vaccine mRNA sản xuất bởi CureVac, một công ty Đức có kinh nghiệm lâu năm, chỉ có hiệu quả 47% trong các thử nghiệm. Và có thể còn lâu nữa Trung Quốc mới cảm thấy đủ tự tin vào vaccine của mình để xem xét loại bỏ chính sách zero-covid.

Kinh tế bất ổn sẽ buộc Trung Quốc mở cửa? Khả năng là không. Các đợt bùng phát lặp đi lặp lại của đất nước trong những tháng gần đây liên quan đến biến thể Delta đã dẫn đến các đợt phong tỏa đột ngột và liên tục. Theo nhà phân tích Ting Lu từ ngân hàng Nomura, tình trạng này khiến GDP của Trung Quốc đã giảm 0,2% trong ba tháng, từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay (so với quý trước), ngay sau một đợt sụt giảm nghiêm trọng cũng do đại dịch. Các dữ liệu khác gần đây cũng ảm đạm. Trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc từ ngày 1 đến ngày 7/10, người dân đã thực hiện khoảng 58 triệu chuyến đi mỗi ngày trên khắp đất nước, theo dữ liệu chính thức. Con số này thấp hơn khoảng một phần ba so với năm 2019 và cũng ít hơn 7,5% so với 2020.

Mặc dù cuộc chiến chống COVID của Trung Quốc đã làm tổn hại đến các ngành dịch vụ, sản xuất và xuất khẩu của nước này vẫn rất mạnh mẽ. Trên thực tế, các đợt phong tỏa ít gây ảnh hưởng đến các nhà máy và thương mại của Trung Quốc hơn so với các biện pháp hạn chế sâu rộng được áp dụng ở các nước đối thủ sản xuất như Việt Nam. Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ việc mọi người trên khắp thế giới thay đổi thói quen mua hàng: những người mắc kẹt ở nhà đang mua sắm các mặt hàng như đồ điện tử và dụng cụ tập thể dục nhiều hơn bao giờ hết. Và Trung Quốc sản xuất rất nhiều những mặt hàng này.

Chi tiêu bán lẻ thấp hơn bình thường của Trung Quốc một phần là do các biện pháp kiểm dịch, một phần do nỗi sợ hãi virus, và người dân sẽ càng lo ngại hơn nếu nếu Trung Quốc nới lỏng kiểm dịch và số ca nhiễm tăng nhanh. Người Trung Quốc còn có lý do nữa để lo ngại: hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này còn yếu kém. Số giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 dân chỉ vào khoảng 3,6 - gần với mức của Ấn Độ và thua xa các nước giàu.

Nhưng bất chấp dịch bệnh, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Trung Quốc đã lên tới gần 114 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2021, cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2019. Chưa đến 1/10 số công ty châu Âu nghĩ đến việc chuyển hướng đầu tư ra khỏi đất nước, theo Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc. (Để so sánh, trong năm 2015, số công ty cân nhắc chuyển hướng đầu tư là 1/6.)

Một số chuyên gia Trung Quốc đề xuất, khi tỷ lệ tiêm chủng đủ cao và tỷ lệ tử vong thấp, Trung Quốc nên từ bỏ chính sách zero-covid. Tuy nhiên, người dân Trung Quốc dường như ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận zero-covid, và đã có trường hợp những người gợi ý mở cửa bị phỉ báng trên internet, có thể vì các phương tiện truyền thông chính thống liên tục đưa ra các lập luận cho rằng phương pháp tiếp cận đúng đắn nhất về mặt đạo đức là loại bỏ virus hoàn toàn. Khi, và nếu, Trung Quốc cuối cùng tuyên bố virus này không cần bị loại bỏ, thì việc mở cửa trở lại với thế giới chưa chắc sẽ được nhiều người dân nước này vui mừng chào đón.

Nguồn: