Nếu mức phát thải carbon cầu tiếp tục ở mức cao, môi trường sống và khả năng sản xuất lương thực của Việt Nam sẽ suy thoái nghiêm trọng, theo báo cáo mới của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC).

Báo cáo Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương được hoàn thiện và phê duyệt bởi 270 tác giả và 195 chính phủ. Dưới đây là một số tác động nghiêm trọng có thể có đối với Việt Nam theo báo cáo IPCC.

Nhiệt độ và độ ẩm sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm

Trên toàn cầu, nhiệt độ và độ ẩm sẽ tạo ra những điều kiện vượt quá khả năng chịu đựng của con người nếu lượng khí thải không được cắt giảm, và Việt Nam nằm trong số những nơi có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Báo cáo WGII đề cập đến "nhiệt độ bầu ướt toàn cầu", phép đo lường kết hợp hai yếu tố nhiệt độ và độ ẩm. Nhiệt độ bầu ướt toàn cầu trong khoảng từ 26-29°C được coi là “gây rủi ro ở mức trung bình” đối với lực lượng lao động, và nếu trong khoảng 30-33°C thì sẽ được coi là “gây rủi ro cao”.

Đa số các vùng tại Việt Nam đang có nhiệt độ bầu ướt là 26-29°C. Nhưng nếu không cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng, hầu như toàn bộ Việt Nam sẽ chạm ngưỡng nhiệt độ bầu ướt nguy hiểm hơn là 30-33°C, khiến cho các công việc ngoài trời như việc đồng áng, xây dựng, hay môi trường làm việc trong nhà không có hệ thống làm mát như sản xuất, sẽ trở nên rất nguy hiểm, đời sống người lao động gặp rủi ro và gây ra tình trạng giảm năng suất lao động.

Nếu lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng, các ca tử vong liên quan đến nắng nóng ở Việt Nam có thể tăng 7% vào năm 2050 và 26% vào năm 2090; nhưng tình trạng này có thể được kiểm soát ở mức tăng 3% nếu lượng phát thải được cắt giảm nhanh chóng.

Biến đổi khí hậu 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thươnglà nghiên cứu đánh giá lớn nhất từ trước đến nay về tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược thích ứng, được công bố sau phiên họp toàn thể kéo dài hai tuần, từ ngày 14 đến ngày 26/2.

Đây là một trong số các nghiên cứu từ ba Nhóm công tác I, II và III của IPCC và sẽ tạo thànhBáo cáo đánh giá lần thứ 6 của IPCC về biến đổi khí hậu toàn cầu.(Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của IPCC là vào năm 2014.)

Nước biển dâng đe dọa con người, nông nghiệp và nền kinh tế

Mực nước biển toàn cầu có thể sẽ tăng 44-76cm trong thế kỷ này nếu các chính phủ đáp ứng cam kết cắt giảm phát thải hiện tại. Nếu cắt giảm khí thải nhanh hơn, mực nước biển dâng lên có thể sẽ chỉ ở mức 28-55cm. Nhưng nếu lượng khí thải tăng cao hơn hiện nay, và các tảng băng tan nhanh hơn dự kiến, mực nước biển có thể dâng cao tới 2m trong thế kỷ này và 5m vào năm 2150.

Khi mực nước biển dâng, sẽ có nhiều vùng đất bị ngập nước hơn, ngập lụt xảy ra thường xuyên, đất bị xói mòn, hoặc sẽ không còn thích hợp cho nông nghiệp do xâm nhập mặn. Hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền 15 km trong mùa mưa và 50 km vào mùa khô, gây thiệt hại về năng suất lúa lên đến 4 tấn/ha/năm. Tác động này sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa khi khí hậu tiếp tục ấm lên, mực nước biển dâng cao và khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền.

Ngập mặn và khô hạn ở Bến Tre năm 2020. Ảnh: Vnexpress.net.

Khoảng 28 triệu người Việt Nam hiện đang sống trong các vùng có nguy cơ chịu ngập lụt ven biển; nếu lượng khí thải tăng cao hơn hiện nay, con số đó có thể tăng lên hơn 40 triệu người vào cuối thế kỷ này.

Thiệt hại kinh tế do nước biển dâng đối với Việt Nam sẽ rất cao. Ước tính thiệt hại hằng năm do mực nước biển dâng ở TP Hồ Chí Minh có thể lên tới khoảng 14,5 tỷ USD vào năm 2050 và 122 tỷ USD vào năm 2100 nếu lượng khí thải tiếp tục tăng; và thiệt hại tại Hải Phòng có thể lên tới khoảng 17,6 tỷ USD vào năm 2050 và 187,3 tỷ USD vào năm 2100.

Sản lượng lương thực sẽ giảm

Trên toàn cầu, nhiệt độ cao và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như hạn hán, nắng nóng và lũ lụt, đang gây hại cho mùa màng và sẽ ngày càng làm giảm sản lượng cây trồng nếu nhiệt độ tiếp tục tăng. Sẽ có tới 12% dân số Việt Nam phải sống trong tình trạng khan hiếm nước sạch vào năm 2050, so với khoảng 8% hiện nay do biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Báo cáo của IPCC cho rằng những yếu tố này cùng với mực nước biển dâng sẽ gây thiệt hại cho nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng lúa gạo, lúa mì và ngô có thể giảm lần lượt 6%, 24% và 10% với lượng phát thải cao hoặc 2%, 5% và 6% khi có hành động cắt giảm khí thải nhanh chóng.

Biến đổi khí hậu cũng sẽ gây thiệt hại cho nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Nhiệt độ tăng cao sẽ buộc cá di chuyển khỏi vùng nhiệt đới, làm giảm 11% thu nhập từ việc khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam.

Hơn 30% diện tích nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á được dự báo sẽ không còn thích hợp cho sản xuất vào giữa thế kỷ này nếu lượng khí thải ở mức cao, trong đó Việt Nam được xếp hạng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nếu lượng khí thải cao, sản lượng cá ở Việt Nam sẽ giảm 64% vào giai đoạn 2030-2050 so với giai đoạn 2010-2030, trong khi sản lượng động vật có vỏ sẽ là con số 0 vào năm 2030-2050.

Nhìn chung, theo IPCC, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thấp hơn 11% so với nếu không có hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra kể từ năm 1991. Tình trạng nóng lên toàn cầu tiếp diễn sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế Việt Nam. Sức nóng sẽ làm giảm năng lực lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp: năng suất lao động ở Việt Nam sẽ bị giảm 26% nếu lượng phát thải cao, hoặc 12% nếu lượng khí thải được cắt giảm nhanh hơn và nhiệt độ tăng lên nằm trong ngưỡng 2°C.

Theo Global Carbon Project, năm 2020, Việt Nam phát thải 250 triệu tấn CO2.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam đặt mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050; và cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 cũng như loại bỏ dần sản xuất điện than trước năm 2040.


Nguồn: