Xếp hạng 62 toàn cầu trong báo cáo “Xếp hạng Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index 2021) của Oxford Insights – một tổ chức tư vấn về chiến lược chuyển đổi số và AI ở Anh, Việt Nam đã thực sự chuẩn bị tốt cho cuộc chơi mới?

Tiếp sau hai báo cáo “Nền công nghiệp máy tính: AI ở Đông Nam Á” (Industry Bytes: Artificial Intelligence in Southeast Asian) của Clarivate Analytics - công ty quản lý và điều hành các cơ sở dữ liệu, dịch vụ phân tích học thuật, sở hữu trí tuệ…, và “AI và tương lai Đông Nam Á (Artificial intelligence and Southeast Asia’s future) của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey công bố năm 2018, báo cáo “Xếp hạng Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ 2021” của Oxford Insights mới công bố vào tháng 1/2022 tạo cơ hội cho Việt Nam nhìn nhận và đánh giá lại sự chuẩn bị của mình cho lĩnh vực nhiều tiềm năng này. So với hai báo cáo trước, điểm khác biệt trong báo cáo của Oxford Insights là họ muốn tập trung vào trả lời câu hỏi: liệu một chính phủ đã sẵn sàng triển khai AI trong việc cung cấp các dịch vụ công cho công dân của mình như thế nào?

Nếu theo các phạm vi về nền công nghiệp AI và ứng dụng AI nói chung trong hai báo cáo năm 2018, Việt Nam có nhiều thuận lợi để đầu tư phát triển lĩnh vực này: có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI, ý tưởng phát triển nền kinh tế số đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam… Vậy báo cáo của Oxford Insights cho thấy điều gì ở Việt Nam, khi xét ở khía cạnh ứng dụng AI trong dịch vụ công?

Xác định các trụ cột để ứng dụng AI trong dịch vụ công

Để giải đáp câu hỏi này, Oxford Insights đã lựa chọn một hướng tiếp cận khác, đó là dựa trên ba trụ cột nền tảng cho sự sẵn sàng của chính phủ, đó là trụ cột chính phủ, trụ cột lĩnh vực công nghệ, trụ cột dữ liệu và cơ sở hạ tầng.

Tại diễn đàn công nghệ giáo dục EDU 4.0, chuyên gia về AI Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn ra mắt robot AI Trí Nhân. Nguồn: dantri.com.vn
Tại diễn đàn công nghệ giáo dục EDU 4.0, chuyên gia về AI Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn ra mắt robot AI Trí Nhân. Nguồn: dantri.com.vn

Trong số này, trụ cột chính phủ là tầm nhìn chiến lược để phát triển và quản lý AI, hỗ trợ bằng quy định thích hợp và chú ý vào những vấn đề đạo đức AI. Tuy nhiên, đi kèm với chiến lược này, cần có một năng lực số hóa nội tại mạnh, bao gồm kỹ năng và thực hành phù hợp với công nghệ mới. Trụ cột công nghệ là một nguồn cung cấp các công cụ AI được chính các công ty trong nước. Oxford Insights lưu ý, lĩnh vực công nghệ cần phải có năng lực đổi mới sáng tạo và được phát triển trong một môi trường cạnh tranh, có động lực và nguồn đầu tư vào R&D lớn. Trụ cột dữ liệu và cơ sở hạ tầng cũng vô cùng cần thiết bởi các công cụ AI tốt cũng cần nhiều dữ liệu chất lượng cao (dữ liệu sẵn sàng) tránh thiên kiến và nhiễu. Tiềm năng của dữ liệu không thể được phát huy và trở thành nguyên liệu đầu vào cho các thuật toán nếu không có một cơ sơ sở hạ tầng tốt và sẵn sàng cung cấp chúng cho mọi người.

Trên cơ sở thông tin có được về 160 quốc gia trên thế giới, Oxford Insights đã tính điểm dựa trên 42 chỉ số của ba trụ cột, qua đó xếp hạng các chính phủ về việc chuẩn bị cho ứng dụng AI trong các dịch vụ công. Các nhà nghiên cứu của Oxford Insights đã phát hiện ra, những quốc gia đi đầu trong xu hướng nay lần lượt là Mỹ, Singapore và Anh, cũng vốn là những nơi trong nhiều năm gần đây dành rất nhiều khoản đầu tư ngân sách cho AI, cả ở khía cạnh nghiên cứu, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, top dẫn đầu cũng có nguy cơ bị bám đuổi bởi tiềm lực của top 20, chủ yếu là các quốc gia Nam Á. Các nhà nghiên cứu lưu ý: lần đầu tiên trong bảng xếp hạng của họ, các quốc gia này chiếm một phần tư top 20: Singapore vị trí thứ 2, Hàn Quốc 10, Nhật Bản 12, Trung Quốc 15 và Đài Loan 18.

Có một điểm quan trọng mà họ nhận ra là gần 40% các quốc gia trong bảng xếp hạng, bao gồm cả Việt Nam, đều đã có công bố hoặc đang soạn thảo chiến lược phát triển AI quốc gia (30% đã công bố và 9% đang soạn thảo). Kết quả này cho thấy, ở tầm quốc gia, các nguyên thủ đều đã quan tâm đến tiềm năng của AI và ở phạm vi toàn cầu, nó cho thấy các nhà lãnh đạo quốc tế đều nhanh chóng nhận ra đâu là thế mạnh mà mình cần tận dụng để chuẩn bị cho chính phủ số trong tương lai.

Mặt khác, AI cũng là mối quan tâm của các công ty công nghệ. Ở nhiều quốc gia như Canada, Israel, và Singapore, các công ty đã coi đây là cơ hội để tăng số lượng các kỳ lân công nghệ (technology unicorn) khi số lượng đã tăng gấp đôi so với năm 2020. Đặc biệt, với Israel, cứ 15 kỳ lân công nghệ thì có bốn trong lĩnh vực AI.

Tất cả những kết quả này phản chiếu một cách rõ nét tầm nhìn của quốc gia về AI, không chỉ ở chiến lược quốc gia mà còn ở cam kết trong việc giải quyết vấn đề đạo đức AI với Khung quy định của chính phủ về AI và năng lực số hóa, những cơ sở quan trọng của việc xây dựng những dịch vụ công số hóa chất lượng cao và tạo dư địa cho việc ứng dụng những công nghệ mới. Trong số này, Singapore xếp số một trong các điểm số ở trụ cột chính phủ (94,88/100). Vị trí này cũng phản ánh nỗ lực cao của họ về dữ liệu và cơ sở hạ tầng khi có cơ sở hạ tầng cho mạng 5G và sự thích ứng cao của xã hội với các công nghệ di động.

Việt Nam đã chuẩn bị những gì?

Trong dòng chảy ứng dụng AI của thế giới, việc lần đầu tiên được xếp hạng 62/160 toàn cầu của Việt Nam cho thấy những nỗ lực đầu tư cho AI cũng như các điều kiện đi kèm để phát triển. Oxford Insights cho rằng, ngoại trừ Singapore, thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia đều nổi bật khi công khai chiến lược phát triển AI quốc gia, trong đó Indonesia tập trung vào dịch vụ sức khỏe, cải cách hành chính, giáo dục và nghiên cứu, an ninh lương thực, thành phố thông minh thì Việt Nam có mục tiêu tham vọng là lọt vào top dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.

Những mục tiêu tham vọng này của Việt Nam đã được thể hiện rõ nét trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, ban hành vào ngày 26/1/2021 – một chiến lược liên quan đến 17 bộ và cơ quan ngang bộ, qua đó thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện chiến lược cũng như độ phủ ứng dụng AI ở rất nhiều lĩnh vực ngành nghề của xã hội trong tương lai.

Ứng dụng AI trong xử lý hình ảnh ở Viện Bigdata. Nguồn: Viện Bigdata
Ứng dụng AI trong xử lý hình ảnh ở Viện Bigdata. Nguồn: Viện Bigdata

Đó là những ưu điểm mà Oxford Insights cũng nhìn thấy ở Việt Nam, nếu xét ở độ sẵn sàng sử dụng các công nghệ AI trong các dịch vụ công của chính phủ trong tương lai khi có sự “hậu thuẫn” về nguồn nhân lực, trình độ nghiên cứu, những manh nha của nền kinh tế số và một thị trường sẵn sàng sử dụng thiết bị thông minh… Từ vài năm nay, Chính phủ Việt Nam cũng bắt đầu rót kinh phí vào nghiên cứu AI thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”, “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử”, Quỹ NAFOSTED. Tổng kinh phí tương đương 169,215 tỷ đồng với 96 đề tài cấp nhà nước, trong đó, NAFOSTED chủ yếu tập trung vào nghiên cứu cơ bản, chương trình KC 4.0 và KC01 chủ yếu liên quan đến ứng dụng.

Mặt khác, không chỉ các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà nhiều địa phương trên cả nước đã đặt mục tiêu trở thành thành phố thông minh trong tương lai. Chắc hẳn trong tấm áo mới này, chính quyền các thành phố sẽ tập trung nhiều vào việc cung cấp các dịch vụ công với sự hỗ trợ của AI để một người có thể ở thời điểm nào, bất cứ lúc nào cũng có thể truy cập và sử dụng.

Tuy nhiên không phải sau một thời gian ngắn là tất cả những ưu điểm trên đường chuẩn bị sẽ thành hiện thực. Trong nhiều phiên họp liên quan đến AI, trong và ngoài Bộ KH&CN, nhiều chuyên gia đã cho rằng, mức độ đầu tư phát triển và ứng dụng AI ở lĩnh vực tư của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn; mặt khác nhiều bộ, ngành của Việt Nam vẫn còn chưa thật sự quan tâm đến AI. Do đó, việc ứng dụng AI mới chỉ tập trung ở một số lĩnh vực như ứng dụng chatbot, trợ lý ảo trong ngân hàng, ứng dụng phần mềm xử lý hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán bệnh, sàng lọc ung thư ở một số cơ sở y tế Việt Nam, hoặc nhận dạng sinh trắc học quét hộ chiếu tại một số cửa khẩu quốc tế, nhận dạng biển số xe tại các trạm thu phí không dừng… Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế này là thiếu hụt nguồn nhân lực AI. “Hiện có khoảng 1.600 cán bộ nghiên cứu trong nước và ở nước ngoài làm về AI. Và trong số 700 người làm việc ở Việt Nam thì chúng ta chỉ có khoảng 300 chuyên gia”, PGS.TS Bùi Thu Lâm (Học viện Kỹ thuật quân sự) phát biểu trong một cuộc họp ở Bộ KH&CN năm 2020. “Dù Việt Nam đứng thứ 5/10 ASEAN công bố về AI nhưng chúng ta chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về AI ở đẳng cấp khu vực và thế giới cũng như chưa có trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia về AI”.

Một trong những điểm hạn chế khác của Việt Nam trong phát triển AI là dữ liệu và cơ sở hạ tầng - trụ cột thứ ba trong cách tiếp cận của Oxford Insights. Thực tế là “hầu như chưa có nền tảng mở cho AI như dữ liệu, phần mềm, ứng dụng mang đặc thù Việt Nam”, PGS.TS Bùi Thu Lâm cho biết như vậy vào năm 2020. Sau đó một năm, tình thế này cũng không thay đổi. Tại tọa đàm trực tuyến “Phát triển hạ tầng dữ liệu và tính toán cho AI tại Việt Nam”, diễn ra vào tháng 6/2021, PGS. TS Thoại Nam (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) nhận xét, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi còn dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi. Trong trường hợp nếu có dữ liệu trong tay thì chủ yếu lại là dữ liệu thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa để có thể thuận lợi cho máy học.

Tuy nhiên, vấn đề dữ liệu của Việt Nam không chỉ có vậy. Trong báo cáo, Oxford Insights lưu ý về những quy định về đạo đức AI trong phát triển ứng dụng AI. Đây cũng là điều mà PGS.TS Thoại Nam chia sẻ “Chính phủ cần có những chính sách bảo đảm tính bảo mật và quyền riêng tư, nếu không sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh và chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều hậu quả trong tương lai”.

Một số mục tiêu cơ bản trong Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 của Việt Nam:

Mục tiêu đến năm 2025:
  • Nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Xây dựng được năm thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; Phát triển một trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao.
  • Trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI: Hình thành hai trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI và tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI ở Việt Nam; Nâng cấp, hình thành mới được 10 cơ sở nghiên cứu và đào tạo trọng điểm về AI.
Mục tiêu đến năm 2030:

  • Nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; Phát triển ba trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao, kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI; Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
  • Là trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI mạnh: Hình thành được ba trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI; Xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao làm về AI bao gồm đội ngũ các chuyên gia và các kỹ sư triển khai ứng dụng AI. Tăng nhanh số lượng các công trình khoa học, đơn đăng ký sáng chế về AI của Việt Nam; Có ít nhất một đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về AI dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
  • Phổ cập được kỹ năng cơ bản về ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TTNT) cho đội ngũ lao động trực tiếp, phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân;
  • Ứng dụng TTNT phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, các hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai và ứng phó sự cố, dịch bệnh;
  • Cùng với chuyển đổi số, ứng dụng TTNT góp phần thúc đẩy tăng trưởng một số ngành kinh tế.

Ba đề xuất cho khu vực Nam Á của Oxford Insights

Nhìn về tương lai gần của khu vực Đông Nam Á, những ưu tiên mà Oxford Insights đề xuất cho khu vực Nam Á dường như cũng phù hợp với Việt Nam, đó là an ninh mạng, hợp tác bền chặt giữa chính phủ và lĩnh vực tư nhân, phát triển các mô hình dữ liệu được quản trị tốt hơn.

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam vẫn là một trong số các quốc gia phải chống chịu với nhiều cuộc tấn công mạng. Tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021), các chuyên gia cho biết, Việt Nam có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu những cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới, và xu hướng này ngày một gia tăng. Theo Global Cybersecurity Index 2020 về chỉ số An toàn không gian mạng toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 25/194 quốc gia.

Những điều này cho thấy cần phải gia tăng đầu tư vào vấn đề an ninh mạng khi các dịch vụ của chính phủ đang trên đà số hóa và các tương tác kinh tế - xã hội ngày một phụ thuộc vào dữ liệu. Oxford Insights đề xuất là các công ty công nghệ và chính phủ cần đảm bảo phải có những năng lực dự phòng thích đáng và các giải pháp phục hồi dữ liệu. Điều này sẽ góp phần đảm bảo bảo vệ dữ liệu, các dịch vụ và vận hành tốt để chống lại các cuộc tấn công làm đứt gãy quá trình cung cấp dịch vụ.

Nhấn mạnh vào việc cần phải gia tăng thêm nữa các mối liên kết và hợp tác giữa chính phủ và lĩnh vực tư, các chuyên gia Oxford Insights cho rằng điều này sẽ giúp các cơ chế điều tiết chính sách trở nên mềm mại hơn (vì chính phủ hiểu sâu hơn về nhu cầu của các công ty) và rót thêm nhiều kinh phí R&D và ngược lại, nó cũng đem lại tiềm năng gia tăng điểm số của trụ cột Công nghệ trong dài hạn. Họ cũng đề xuất việc thành lập các trung tâm AI ở các trường đại học với sự hỗ trợ và tham gia của các công ty công nghệ, và tạo mối liên kết ngày một mở rộng giữa các trung tâm nghiên cứu với công ty để đào tạo nhiều chuyên gia AI hơn.

Cuối cùng, theo quan điểm các chuyên gia Oxford Insights, dường như có rào cản trong sự sẵn sàng AI của các chính phủ là sự tồn tại cùng một lúc của “các mô hình quản trị dữ liệu”. Những hạn chế về dòng chảy AI giữa các vùng, các lĩnh vực góp phần làm tăng thêm chi phí lưu trữ dữ liệu, xử lý dữ liệu, vận chuyển dữ liệu và phân tích dữ liệu. Và chính nguyên nhân này khiến chính phủ và lĩnh vực tư khó khăn hơn trong phát triển và sử dụng công cụ cũng như dịch vụ có AI, khi phải phụ thuộc vào việc truy cập dữ liệu từ quá nhiều nguồn khác nhau.