Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố ý định chấn chỉnh hệ thống các cơ sở dạy thêm. Dù chưa được ban hành chính thức, kế hoạch này đã khiến các phụ huynh hoang mang và hoài nghi, đồng thời gây sốc cho thị trường dạy thêm trị giá hàng tỷ nhân dân tệ.

Đề xuất mới được công bố dưới tên “Kiến nghị về việc giảm tải áp lực bài tập về nhà cho học sinh và quy hoạch các cơ sở giáo dục bồi dưỡng ngoài trường học”, do Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra nhằm chấn chỉnh và quản lí các cơ sở dạy thêm. Nội dung chính của Kiến nghị bao gồm:

Thứ nhất, không tiếp tục phê duyệt các cơ sở giáo dục bồi dưỡng học sinh tư nhân mới. Các cơ sở đang hoạt động sẽ đồng loạt chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận, việc chuyển đổi này được thực hiện trực tuyến.

Thứ hai, yêu cầu các cơ sở giáo dục bồi dưỡng không được phép vốn hóa thị trường, nghiêm cấm hoạt động tư nhân hóa cơ sở giáo dục.

Thứ ba, thiết lập một hệ thống giám sát và lưu trữ nội dung đào tạo. Nghiêm cấm đào tạo nâng cao, trái ngành, chuyên đề.

Thứ tư, các cơ sở giáo dục bồi dưỡng ngoài công lập không được phép tổ chức dạy học vào các ngày nghỉ lễ, nghỉ phép, nghỉ đông và nghỉ hè theo quy định của nhà nước.

Tân Hoa Xã cho biết, trung bình mỗi học sinh trong khảo sát của họ có 4-6 tiết học thêm trong một ngày cuối tuần. Ảnh minh họa: Unsplash

Để giải quyết những vấn đề trên, Kiến nghị đưa ra một số giải pháp như sau:

Một là, cần mở rộng nguồn lực đào tạo chất lượng cao cho giáo dục bắt buộc; tạo ra thế cân bằng về chất lượng giữa giáo dục bắt buộc và giáo dục tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của các trường đào tạo chất lượng cao, quản trị và xây dựng cộng đồng trường học ở thành thị và nông thôn. Đồng thời, tăng cường và tối ưu hóa các dịch vụ học tập trực tuyến miễn phí, cung cấp tài nguyên giáo dục chất lượng cao và tài nguyên học tập ở tất cả các lớp và các môn học.

Hai là, cải tiến quy trình quản lý dạy và học, nâng cao hiệu quả học tập của học sinh trong nhà trường. Yêu cầu các trường phải mở đầy đủ các khóa học theo quy định của nhà nước, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chương trình giảng dạy, dạy từ số 0, dạy tất cả những gì nên dạy.

Ngoài ra, từ năm 2013, Trung Quốc đã thông qua Quyết định về một số vấn đề chính của cải cách sâu rộng toàn diện, trong đó nêu rõ: “Phối hợp phân bổ cân đối các nguồn lực giáo dục bắt buộc ở thành thị và nông thôn, thực hiện chuẩn hóa các trường công lập, trao đổi và luân chuyển hiệu trưởng và giáo viên, đồng thời xóa bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn để giải quyết vấn đề chọn trường. Giải quyết gốc rễ nguyên nhân để giảm gánh nặng cho học sinh”.

Việc áp dụng kết hợp các chính sách này kì vọng sẽ đem lại kết quả tốt nhờ tăng cường vai trò chính của giáo dục nhà trường, tăng áp lực quản lí lên các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giảm bớt khối lượng bài tập của học sinh.

Một cậu bé ở quận Haidian, Bắc Kinh, nơi có nhiều cơ sở dạy thêm sau giờ chính khóa. Ở Trung Quốc, cạnh tranh trong học tập - bởi nó hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp hơn - diễn ra không ngừng. Ảnh: The New York Times

Thị trường chao đảo

Số liệu từ Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc cho biết, năm 2016, hơn 75% học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tham gia các lớp dạy thêm tại hơn 400 nghìn cơ sở đào tạo ngoài nhà trường trên khắp đất nước, và và con số này tăng dần qua các năm.

Ngay sau khi Kiến nghị được ban hành, thị trường đã phản ứng ngay lập tức. Cổ phiếu ngành giáo dục đang trên đà lao dốc lại tiếp tục sụt giảm trên diện rộng. Cổ phiếu của New Oriental [1], Good Future [2] và các tổ chức giáo dục tư nhân khác đồng loạt giảm, có lúc lên đến hơn 50%. Cần biết rằng, vào năm 2018, doanh thu của hai tập đoàn này lần lượt là 6.848 tỷ và 11.662 tỷ nhân dân tệ (tương đương hơn 1 tỷ USD và 1,8 tỷ USD).

Công ty Koolern Technology, chuyên cung cấp các khóa học trực tuyến và luyện thi, cho biết những quy định mới này sẽ tàn phá mô hình kinh doanh của họ. Các nhà đầu tư toàn cầu từng niêm yết sôi động vào ngành giáo dục thì trong tuần trước đã rút lui phần lớn, khiến vốn hóa ngành này mất hàng chục tỷ USD.

Phụ huynh nửa tin nửa ngờ

Các nhà quản lí Trung Quốc kì vọng Kiến nghị sẽ thực sự giúp học sinh thoát khỏi áp lực học tập, thi cử vốn đè nặng bấy lâu nay. Tân Hoa Xã cho biết, trung bình mỗi học sinh trong khảo sát của họ có 4-6 tiết học thêm trong một ngày cuối tuần. Hầu hết các em không được ngủ trước 11h đêm. Điều này phần lớn đến từ sự lo lắng phi lí của phụ huynh về điểm số và thành tích của con cái. Hơn 70% phụ huynh cho rằng gánh nặng học tập chủ yếu đến từ các lớp học thêm. Thế nhưng, khi được hỏi “Liệu có nên giảm bớt gánh nặng cho con cái hay không?”, 52% phụ huynh thừa nhận rằng con họ dù nặng gánh nhưng chỉ có cách tiếp tục kiên trì; 26% cho rằng con họ không có gánh nặng và nên tăng thêm nội dung học tập; chỉ có 14% ủng hộ giảm tải.

Các phụ huynh Trung Quốc thường phải sống trong tâm lí lo âu và cạnh tranh. Phụ huynh học sinh THCS chú tâm vào kì thi tuyển THPT, còn phụ huynh THPT lại dành toàn bộ quan tâm đến kì thi đại học. 60% phụ huynh kì vọng con họ sẽ cải thiện điểm số, thi đậu vào trường tốt, nâng cao học lực và tăng khả năng cạnh tranh.

Đứng trước hành động quyết liệt của chính quyền, nhiều phụ huynh tỏ ra hoài nghi tác dụng thực sự của Kiến nghị. Đối với họ, Kiến nghị chưa thực sự giải quyết tận gốc vấn đề, đó là thực trạng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường lao động. Cùng với chính sách một con, những người Trung Quốc trong độ tuổi thanh thiếu niên đang phải chịu những áp lực kinh tế ngày một nặng khi phải đối mặt với giá nhà tăng vọt, sinh hoạt phí đắt đỏ, áp lực kết hôn và chăm sóc cha mẹ già.

Những áp lực này mang tính dây chuyền vì chúng buộc người trẻ phải làm việc cật lực để kiếm cho mình một công việc có thu nhập tốt. Do văn hóa trọng điểm số, họ buộc phải có một tấm bằng giỏi hoặc xuất sắc từ một trường đại học tốt để có thể cạnh tranh trong thị trường lao động tàn khốc. Điều đó có nghĩa là phải bắt đầu từ kỳ thi tuyển sinh đại học, được học ở một trường THPT tốt, thậm chí là một trường THCS tốt. Thêm vào đó, chính sách một con cũng khiến nhiều gia đình đầu tư hết thời gian, sức lực và tài chính cho con mình từ khi đứa trẻ bắt đầu học viết.

Nắm bắt được tâm lí ấy, các cơ sở giáo dục bồi dưỡng mọc lên như nấm với mức học phí cao đến phi lí. Đặc biệt là sau khi Trung Quốc tiến hành rà soát các cơ sở đào tạo ngoài công lập và công bố “sách đen” những cơ sở không đạt yêu cầu chất lượng hồi tháng 8/2018, phụ huynh lũ lượt tìm đến các cơ sở đào tạo trong “sách trắng”, khiến cho các cơ sở này bắt đầu nâng giá trắng trợn.

Các bậc cha mẹ muốn cân bằng giữa sức khỏe và sự nghiệp tương lai của con cái lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan mà gần đây được mạng xã hội và một số nhà quan sát đặt tên là hiện tượng “nội quyển hóa” (hay “involution” [3]) trong giáo dục. “Không ai muốn thua ở vạch xuất phát”, một phụ huynh có con 6 tuổi cho biết. “Việc cấm dạy thêm bên ngoài sẽ không giải quyết được mối quan tâm lớn hơn như đại học và việc làm. Chừng nào sự cạnh tranh ấy còn tồn tại, sự lo lắng của phụ huynh vẫn sẽ tồn tại,” cô nói. “Nếu tiêu chuẩn chọn học sinh không thay đổi, thì cách tiếp cận cụ thể sẽ khó thay đổi”.

Việc cấm các cơ sở giáo dục tư nhân hoạt động gây ra một nỗi lo khác, đó là những người giàu sẽ trực tiếp thuê gia sư đắt tiền, một lần nữa làm tăng cạnh tranh trong giáo dục và cuối cùng tăng khoảng cách giàu nghèo vốn đã rất lớn ở Trung Quốc. Nó không những không giải quyết được mà còn làm tăng thêm lo lắng của phụ huynh, nhất là với những gia đình chỉ dựa vào các cơ sở giáo dục bồi dưỡng để chăm con.

Trong khi nhiều người lo lắng và hồi hộp chờ đợi quy định mới, một số công ty giáo dục bên ngoài Trung Quốc lại nhìn thấy cơ hội. Kevin Ferrone, giám đốc trường học trực tuyến Crimson Global Academy, cho biết: “Giờ đây, sinh viên sẽ tìm đến những trường như chúng tôi”. Ông nói rằng để lách các quy định mới thì “ngành công nghiệp này sẽ chuyển sang thanh toán trực tuyến thông qua hệ thống thanh toán nước ngoài”.

Nhiều người cũng nghi ngờ ý đồ thực sự của Kiến nghị. Họ cho rằng, Kiến nghị thực ra nằm trong một hành động lớn hơn nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng dân số sắp xảy ra ở Trung Quốc. Hồi tháng Năm năm nay, Trung Quốc đã thay đổi chính sách hai con, cho phép các cặp vợ chồng sinh ba con.

Giải quyết chi phí giáo dục - theo khảo sát, hiện chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của một gia đình bình - được coi là hành động mới nhất nhằm đẩy tỷ lệ sinh, bên cạnh cam kết tăng thời gian nghỉ thai sản và giảm áp lực công việc. Báo chí nhận định, việc giảm gánh nặng tài chính cho cha mẹ là điều cấp thiết. Hiện tại, nhiều phụ huynh không có ý định sinh thêm con do điều kiện kinh tế gia đình không đáp ứng nổi.

Tuy nhiên, một số người dân tỏ ra thiếu lạc quan với quy định mới: “Học thêm rất tốn kém, nhưng ít nhất đó còn là một giải pháp”, Lenora Chu, có con trai học tiểu học, nói. “Nếu bạn không có tiền, không có phương tiện và không có chuyên môn, bạn sẽ còn lại gì để chăm con? Làm sao mà việc này có thể thúc giục người ta sinh thêm con được? Không thể nào!”

[1] New Oriental là nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân tại Trung Quốc, có trụ sở tại quận Hải Điến, Bắc Kinh.
[2] TAL Education Group là một công ty Trung Quốc cung cấp chương trình giáo dục sau giờ học cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh. Công ty được thành lập vào tháng 8 năm 2003.
[3] “Involution” hay “phát triển hướng nội” là một khái niệm được nhà xã hội học Clifford Geertz đưa ra lần đầu tiên trong mô tả nền kinh tế đảo Java thời kỳ thuộc địa. Trong đó, sự gia tăng lao động đầu vào không đem đến sự gia tăng sản lượng đầu ra (năng suất hay cải tiến kỹ thuật).