Để thực sự mang đến cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho tất cả học sinh ở các bậc học, con đường mà chúng ta phải đi vẫn còn rất dài.
Nhìn lại chặng đường giáo dục 10 năm của Việt Nam (2011 – 2020), một trong những điểm sáng đặc biệt nhất đó là gần như không còn bất bình đẳng về giới trong tiếp cận giáo dục. Theo chia sẻ của GS.TS Lê Anh Vinh tại buổi hội thảo “Giáo dục Việt Nam 2011-2020” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), UNESCO Hà Nội và Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia về Khoa học giáo dục phối hợp tổ chức, “Dù tỷ lệ nhập học ở bậc mầm non và tiểu học thấp hơn trẻ em trai, trẻ em gái lại thể hiện năng lực học tập tốt hơn so với trẻ em trai dựa trên các điểm đánh giá và mức độ chuyển tiếp lên các bậc học cao hơn, do đó chiếm tỷ lệ học THPT cũng lớn hơn. Đến bậc đại học, tỷ lệ sinh viên nữ nhập học thậm chí chiếm hơn 50%”. Kết quả PISA của Việt Nam cho thấy cách biệt về giới gần như không có và học sinh nữ có xu hướng đạt kết quả tốt hơn.
Tuy nhiên, những khía cạnh khác về bình đẳng trong tiếp cận giáo dục lại không tươi sáng được như thế, thậm chí tình trạng bất bình đẳng đối với nhóm trẻ khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, ở khu vực khó khăn, trẻ di cư… còn có xu hướng gia tăng theo các bậc học cao hơn.
Giai đoạn mầm non là nền tảng để tăng khả năng sẵn sàng bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông của học sinh, giảm thiểu những e ngại và tỷ lệ bỏ học giữa chừng. Ảnh: Baohatinh
Từ mầm non
Báo cáo tổng quan giáo dục của Viện KHGDVN nêu rõ, trong 10 năm qua, số lượng học sinh giáo dục mầm non tăng mạnh, chủ yếu tại các cơ sở giáo dục, mầm non công lập. Tuy nhiên, vẫn còn 4,7% trẻ em 5 tuổi chưa được đi học. Mặc dù không có thông tin về hồ sơ của 4,7% trẻ em 5 tuổi này, nhưng nhìn chung các nhóm không được đi học thường là trẻ em khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ em trong các gia đình di cư hoặc trẻ thuộc nhóm nghèo nhất.
Đặc biệt, ít ai ngờ ngay ở những khu công nghiệp sầm uất nhất thuộc các đầu tàu kinh tế của Việt Nam, trẻ em trong các nhóm di cư lại ít có cơ hội đến trường. Mà một trong những nguyên nhân chính cho việc không đi học của trẻ di cư là vì thủ tục pháp lí. Báo cáo gần đây của World Bank cho thấy những gia đình di cư thường không có hộ khẩu hoặc giấy khai sinh vốn là yêu cầu bắt buộc để đăng ký cho con em mình vào các trường công trong khu vực. Hoặc ngay cả trong trường hợp đăng ký thành công, họ sẽ phải tự chi trả các khoản liên quan đến việc học của con. Kết quả là, 36% trẻ em di cư phải học trong các trường tư thục đắt đỏ.
Nguyên do thứ hai là tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất, sự gia tăng nhanh chóng của dân số trong độ tuổi đi học một số khu vực đô thị có người di cư. “Ban đầu, khi đề án xây dựng KCN được trình lên để phê duyệt thì trong đó luôn có hẳn một khu đất về giáo dục, khu đất xây trường mầm non, nhưng trong quá trình phát triển và đặc biệt là trong quá trình xây dựng KCN thì trường mầm non hoặc khu đất giáo dục nằm trong khu quy hoạch đã được chuyển đổi công năng”, GS. TS Huỳnh Văn Sơn, người đã tiến hành các nghiên cứu về giáo dục ở các KCN cho biết. Vì thiếu vắng các trường mầm non công lập trong KCN nên công nhân buộc phải gửi con em đến các trường mầm non tư thục chất lượng thấp.
Vào đợt dịch năm ngoái, hằng ngày, em Lương Thị Thắm, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương (Điện Biên), phải leo lên đồi cách nhà 2 km để có sóng 3G ổn định học online. Ảnh: Zing
Hiện tại các cơ quan quản lý vẫn chưa thực hiện chức năng giám sát đủ nghiêm ngặt để đảm bảo cho các KCN hoặc khu chế xuất sẽ có trường mầm non chất lượng. “Chúng ta cần giám sát một cách nghiêm túc nếu muốn thay đổi thực trạng này, đặc biệt là trong bối cảnh các KCN hiện nay đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực tam giác quây quanh TP.HCM như Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thành khác ở khu vực miền Đông Nam Bộ kéo dài đến Tây Nguyên”, GS.TS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.
Xuyên suốt các cấp học
Ở các cấp học cao hơn, kết quả PISA cũng cho thấy sự chênh lệch về kết quả giáo dục giữa các vùng miền và các nhóm giàu nghèo khá rõ. “Học sinh ở những vùng khó khăn hơn như vùng miền núi Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… có thể bị thiếu hụt về lượng kiến thức, trải nghiệm thời gian học là 1 năm so với học sinh ở những vùng thành thị”, GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh. Trong đó, khoảng cách đến trường, trở ngại về ngôn ngữ là những rào cản đặc biệt với học sinh vùng dân tộc thiểu số. Còn khoảng cách giàu nghèo có thể dẫn tới chênh lệnh lên tới 2 năm học. Càng lên lớp, bậc học cao hơn thì khoảng cách về thiếu hụt kiến thức sẽ càng nới rộng, và tỷ lệ học sinh không có điều kiện kinh tế bỏ học càng gia tăng. Tại Tây Nguyên, hiện tượng học đúp lớp diễn ra ở mức khoảng 10% ở THCS, điều này có thể giúp lý giải một phần tỷ lệ tiếp tục đi học ở cấp trung học ở khu vực này thấp hơn so với các khu vực khác.
Tương tự, theo PGS.TS Phạm Đức Quang (Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục phổ thông – VKHGDVN), một nhóm đặc thù khác đang phải đối diện với tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là trẻ em các gia đình di cư, “có khoảng 13,4% con của người di cư chưa có cơ hội đến trường”.
Với nhóm trẻ khuyết tật, những số liệu về khả năng tiếp cận giáo dục càng cho thấy một bức tranh khá u ám. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Mầm non, VKHGD, năm 2016, tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 2 đến 5 tuổi chiếm 2,79% tổng số trẻ cùng độ tuổi, nhưng báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy tỷ lệ trẻ em khuyết tật đi học mẫu giáo hòa nhập so với tổng số trẻ mẫu giáo đi học năm 2016 chỉ chiếm khoảng 0,2%, và thậm chí trong 3 năm gần đây con số này đã giảm xuống còn khoảng 0,12%. Còn Báo cáo của Worldbank cho thấy cơ hội được đi học của trẻ khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật, ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến bậc THPT chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi (so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật đi học đúng tuổi).
Do hạn chế cơ hội trong tiếp cận giáo dục nên trẻ không thích đi học, không có khả năng chi trả học phí, và cuối cùng dẫn đến hệ lụy là tình trạng tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi giảm dần theo từng cấp học. Dù tỷ lệ đi học đúng tuổi ở Tiểu học và THCS khá cao, tương ứng 98% và 90%, nhưng tỷ lệ học sinh chuyển cấp giảm dần, đặc biệt là chuyển từ THCS sang THPT, ở THPT thì mới đạt được khoảng 69% (mục tiên của Chiến lược Giáo dục 2011-2020 là 80%).
Những khó khăn trong tiếp cận giáo dục ở trên mới chỉ là những con số, chứ chưa đi sâu vào đánh giá công bằng trong quá trình dạy học, công bằng trong quá trình đánh giá để có thể tiếp cận chuẩn đầu ra. Để thực sự đạt được công bằng toàn diện, “câu chuyện vẫn còn rất dài, và vẫn còn nhiều thứ phải bàn”, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN, cho biết.
Để thay đổi hiện trạng trên, các nhà quản lý cần chú ý từ giáo dục mầm non. Đây là nền tảng để tăng khả năng sẵn sàng bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông của học sinh, giảm thiểu những e ngại và tỷ lệ bỏ học giữa chừng. Theo GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, đã có nhiều công trình khoa học khẳng định tầm quan trọng của lứa tuổi mầm non, phần lớn năng lực và phẩm chất của con người được hình thành ở lứa tuổi tiền học đường. Giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học – bước đệm để bước vào những bậc học cao hơn. Do đó, bà cho rằng Chiến lược giáo dục giai đoạn 10 năm tiếp theo của Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đến học sinh mầm non, nếu muốn thực sự giải quyết tình trạng bất bình đẳng này từ ngọn ngành. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc lưu ý, cần xem lại và thận trọng với cách thức phổ cập mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi. “Đừng chỉ vui mừng vì các em được đi học, mà phải xem lại triết lý giáo dục và phương thức phổ cập này đang diễn ra như thế nào.”
Với những bậc học cao hơn, bà cho rằng các nhà quản lý cần nỗ lực tìm cách triển khai chính sách hiệu quả hơn. “Luật Giáo dục 2019 đã đề cập đến tiếp cận và công bằng trong giáo dục rồi, nhưng việc triển khai lại phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng địa phương nơi các thiết chế giáo dục này được hình thành và phát triển”, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc khẳng định.
Lãnh đạo và chuyên gia giáo dục tại địa phương sẽ là những người trực tiếp thực thi các chính sách này cũng như đưa ra các phương án phát triển. Vì vậy, các nhà quản lý cần đảm bảo những lãnh đạo và chuyên gia địa phương đã hiểu rõ tầm quan trọng của tiếp cận công bằng trong giáo dục, cũng như đã đáp ứng được các điều kiện như vật chất, tài chính, nguồn nhân lực. “Chỉ khi nào các chính sách được triển khai đồng bộ từ nhận thức đến các điều kiện đáp ứng tiếp cận công bằng, thì chúng ta mới hi vọng giảm thiểu sự bất công trong nội tại hệ thống giáo dục của nước ta”, bà khẳng định.
Do hạn chế cơ hội trong tiếp cận giáo dục nên trẻ không thích đi học, không có khả năng chi trả học phí, và cuối cùng dẫn đến hệ lụy là tình trạng tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi giảm dần theo từng cấp học. Dù tỷ lệ đi học đúng tuổi ở Tiểu học và THCS khá cao, tương ứng 98% và 90%, nhưng tỷ lệ học sinh chuyển cấp giảm dần, đặc biệt là chuyển từ THCS sang THPT, ở THPT thì mới đạt được khoảng 69%. |
Trong chiến lược giáo dục giai đoạn tiếp theo, Chính phủ cần tập trung cải thiện điều kiện giảng dạy ở những khu vực khó khăn, như đưa ra cơ chế khuyết khích người giỏi thi vào các trường Sư phạm để đảm bảo nguồn giáo viên có năng lực cho những trường thuộc vùng sâu, vùng xa; tiếp tục xây dựng chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường ở khu vực này. “Mặc dù Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp để giải quyết các hạn chế trong tiếp cận giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số như giảng dạy song ngữ ở tiểu học, trường trung học nội trú, bán trú,… tuy nhiên trên thực tế những biện pháp này vẫn cần phải bổ sung và hoàn thiện thêm.
PGS.TS Phạm Đức Quang |