Theo nhiều nguồn tin báo chí, Trung Quốc sẽ cấm thu lợi nhuận từ việc dạy thêm các môn học bao gồm toán, khoa học và lịch sử.

Chính sách này được đưa ra nhằm giảm áp lực tài chính đối với phụ huynh - và là một phần trong chiến lược thúc đẩy sinh thêm con và đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm.

Trẻ em rời trường học ở khu Shekou, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 20/4/2021.

Chính phủ đã đưa hướng dẫn về chính sách này đến các chính quyền địa phương trong một tài liệu ngày 19/7, theo Reuters đưa tin. Tân Hoa xã cũng xác nhận có tài liệu hướng dẫn như vậy.

Các công ty mở lớp dạy thêm cho học sinh sẽ phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, và sẽ không thể huy động vốn hoặc nhận đầu tư từ các công ty nước ngoài, theo Financial Times.

Tin tức này lập tức làm chấn động thị trường giáo dục tư nhân rộng lớn của Trung Quốc, khiến giá cổ phiếu tuột dốc. Forbes dự đoán ba công ty giáo dục tư nhân của Trung Quốc vừa mất 16 tỷ USD chỉ trong một giờ vào thứ Sáu ngày 23/7 khi tin tức này lần đầu rò rỉ, sau khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Chính sách này là một phần trong kế hoạch thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc, sau khi việc chấm dứt chính sách một con, tăng thời gian nghỉ thai sản cho bà mẹ và tuyên truyền khuyến khích người trẻ có con đều tỏ ra không hiệu quả.

Năm 2020, Trung Quốc có 12 triệu trẻ mới sinh, con số thấp nhất kể từ mức 11,8 triệu vào năm 1961 trong nạn đói. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ ở mức khoảng 1,3 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2020 - thấp hơn tỷ lệ 1,6 của Mỹ, cũng như thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 2,4 trẻ em, và dưới tỷ lệ cần thiết để giữ cho dân số không giảm theo thời gian (không tính nhập cư) là 2,1 trẻ em.

Chính phủ Trung Quốc đang hy vọng việc giảm bớt gánh nặng tài chính của việc học thêm bên ngoài trường học - khoản chi phí lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn USD mỗi tháng đối với các bậc phụ huynh ở Bắc Kinh, theo Wall Street Journal đưa tin - sẽ khiến các cặp vợ chồng cảm thấy muốn có con hoặc ít nhất là giúp họ có khả năng chi trả cho việc nuôi con.

Nguồn: