Các bác sĩ ở Thái Lan buộc phải điều trị bệnh nhân trong bãi đậu xe vì không còn giường, và ngay cả như vậy nhiều bệnh nhân vẫn phải về nhà vì không còn chỗ điều trị.
Dịch bệnh Covid ngày càng trầm trọng ở Thái Lan đang gây áp lực lớn lên các bệnh viện, buộc các bác sĩ phải điều trị bệnh nhân trong bãi đậu xe và từ chối điều trị ngay cả những người bị bệnh nặng.
Một tình nguyện viên kiểm tra một phụ nữ bị Covid cách ly tại nhà ở quận Nong Chok, ngoại ô Bangkok vì bệnh viện không đủ giường cho bệnh nhân.
Thái Lan đã từng được ca ngợi là một trong những nước chống Covid hiệu quả nhất vào năm ngoái, với số ca nhiễm vào nhóm thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, người dân Thái Lan ngày càng bất mãn với cách xử lý đại dịch gần đây của chính phủ, bao gồm cả chiến dịch tiêm chủng chậm chạp và hỗn loạn.
Một làn sóng lây nhiễm thứ ba ở Thái Lan bắt đầu vào tháng 4 năm nay, khi virus bắt đầu lan rộng ở các địa điểm giải trí về đêm ở Bangkok, bao gồm các câu lạc bộ dành cho giới doanh nhân giàu có. Kể từ đó, các chùm ca nhiễm lan rộng khắp các nhà tù, nhà máy, công trường và các khu đông dân cư của thủ đô Bangkok.
Trong khoảng 4 tháng trở lại đây, tổng số ca tử vong của Thái Lan đã tăng từ dưới 100 lên 4.146 người. Một số bệnh nhân COVID tử vong tại nhà vì không có giường bệnh, theo các tình nguyện viên y tế. Nhiều người khác thì chết trên đường phố Bangkok, trong đó có một ca tử vong bị bỏ lại trên vỉa hè trong nhiều giờ vào tuần trước, gây phẫn nộ trong cộng đồng.
Số ca tử vong mỗi ngày do COVID-19 ở Thái Lan từ 4/2020 đến 7/2021. Có thể thấy số ca tử vong mỗi ngày tăng vọt trong hai tháng trở lại đây. Nguồn: John Hopkins University.
"Chính phủ vẫn đang chạy đuổi theo dịch", Ekapob Laungprasert, người điều hành nhóm tình nguyện Sai Mai Tongrot (Sai Mai Must Survive), chuyên hỗ trợ những người nhiễm virus cho biết. “Chính phủ chỉ hành động sau khi các vấn đề đã xảy ra. Họ cần thay đổi chiến lược và lên kế hoạch xa hơn và cần tìm kiếm vaccine chất lượng và nhanh chóng cung cấp cho mọi người," Laungprasert khuyến nghị.
“Người dân Thái Lan đang tìm mọi cách để được tiêm vaccine, trong khi các quốc gia phải vận động người dân đi tiêm".
Nhiều tháng trước, chính phủ Thái Lan đã bị chỉ trích vì không đưa ra biện pháp phong tỏa khi số ca nhiễm còn thấp. Đến ngày 12/7 vừa qua, Thái Lan mới bắt đầu đưa ra các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn, bao gồm lệnh giới nghiêm 9 giờ tối, được áp dụng từ ngày 12 tháng 7 tại các khu vực có nguy cơ cao như Bangkok.
Giáo sư Anucha Apisarnthanarak, trưởng bộ phận các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Thammasat, Thái Lan, cho biết không rõ khi nào số ca nhiễm hàng ngày - hiện vào khoảng hơn 15.000 ca - mới bắt đầu giảm.
Rất khó để thống kê số ca nhiễm thực tế vì nhiều bệnh nhân còn không được xét nghiệm, buộc phải ở nhà, Anucha nói. “Rất nhiều ca bệnh không có nơi để nằm chữa trị: chúng tôi không còn giường trong bệnh viện, không còn giường trong bệnh viện dã chiến. Họ phải ở nhà hoặc một số nơi khác”.
“Tình hình lây nhiễm này, khi vaccine chưa tiêm rộng rãi, có thể rất đáng báo động và theo cấp số nhân", Anucha lưu ý.
Chính phủ Thái Lan đưa ra quy định các bệnh viện phải tiếp nhận những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng quy định này dẫn đến việc các cơ sở y tế hạn chế làm xét nghiệm PCR, khiến bệnh nhân khó tiếp cận với xét nghiệm hơn. Mặc dù Thái Lan đã áp dụng chính sách cách ly tại nhà, các bệnh viện vẫn phải theo dõi những bệnh nhân, trong khi nguồn lực y tế hiện rất khan hiếm.
Trên phương tiện truyền thông xã hội, có thể thấy hàng dài người xếp hàng trong các bãi đỗ xe và khu vực lều tại các địa điểm xét nghiệm ở Bangkok. Theo báo Matichon, tại một trung tâm xét nghiệm cho lái xe ở Nakhon Pathom, một thành phố ở miền trung Thái Lan, dòng xe ô tô kéo dài đến 1km bên ngoài bệnh viện.
Sai Mai Must Survive đã chứng kiến người dân kêu gọi giúp đỡ ngày càng nhiều hơn. Đầu tháng 6, nhóm nhận được khoảng 30 cuộc gọi mỗi ngày, nhưng con số này đã tăng lên 200. Nhóm cung cấp vật tư y tế cho những bệnh nhân phải điều trị tại nhà, chẳng hạn như máy theo dõi ôxy và bình oxy.
Ekapob cho biết những bệnh nhân bị bệnh nặng sẽ được họ đưa đến bệnh viện, nhưng một số bị từ chối nhập viện. “Cứ 10 ca bệnh nặng thì có khoảng 2 ca không được nhập viện vì không còn giường và họ chết tại nhà", Ekapob ước tính.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy áp lực mà nhân viên y tế Thái Lan phải đối mặt. Hôm thứ Hai ngày 26/7, bệnh viện Rachapiphat ở Bangkok đã đăng một bức ảnh lên Facebook chụp bãi đỗ xe bệnh viện: họ phải kê giường cho bệnh nhân cấp cứu nằm ở đây. Tuần trước, những hình ảnh tương tự đã được chia sẻ về bệnh viện Saraburi, nơi các bệnh nhân nằm chờ trên giường ở một khu vực đậu xe ngoài trời.
Đợt bùng phát nghiêm trọng lần này làm người dân Thái Lan càng bất mãn hơn với việc triển khai vaccine của nước này. Hôm thứ Hai 26/7, hàng trăm học giả và nhân viên truyền thông đã đưa ra một tuyên bố chung kêu chính phủ cung cấp thông tin minh bạch hơn liên quan đến mua và triển khai tiêm vaccine - bao gồm chi tiết về việc ai sẽ được tiêm vaccine nào, và khi nào sẽ nhập khẩu bao nhiêu vaccine.
Mới có khoảng 5% dân số Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ hai mũi vaccine, trong khi 17% đã được tiêm một liều, theo Our World in Data.
Thái Lan là trung tâm sản xuất vắc xin AstraZeneca của Đông Nam Á. Tuy nhiên do đại dịch việc sản xuất đã tạm thời đình trệ.
Nguồn: