Căng thẳng đang dấy lên vì chính quyền của Jair Bolsonaro, người được mệnh danh là “Trump vùng nhiệt đới”, đang nghi ngờ công việc của các nhà khoa học và các viện nghiên cứu do chính phủ quản lý. Mặt khác, các nhà khoa học bất bình vì chính quyền của ông cắt giảm kinh phí đầu tư cho nghiên cứu.
Trong một hội thảo do Hội khoa học tiên tiến Brazil (Brazilian Society for the Advancement of Science (SBPC) tổ chức vào ngày 23/7/2019, khi nhà khoa học thần kinh Sidarta Ribeiro đang bình luận về một báo cáo nêu rõ tình trạng đầu tư cho khoa học ngày một giảm sút thì nhiều binh lính đã đột ngột bước vào khán phòng và bắt đầu quay phim. Một vài đại biểu đã coi hành động này như một tín hiệu mang tính dọa dẫm từ chính quyền. Ribeiro – nhà nghiên cứu tại trường đại học liên bang Rio Grande do Norte ở Natal và là người điều phối thực hiện báo cáo này cho rằng không dấu hiệu nào cho thấy những người lính đó thực sự muốn học hỏi điều gì ở hội thảo.
Khi chính quyền nghi ngờ nhà khoa học
Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình về sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa các nhà khoa học và chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro do những chính sách mà chính quyền của ông thực thi liên quan đến môi trường và các cộng đồng bản địa ở khu vực Amazon lại dấy lên vào tháng trước bởi Bolsonaro dường như nghi ngờ vào những dữ liệu về khai thác gỗ của chính phủ do Viện Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Brazil (INPE)- cơ quan nghiên cứu được thành lập vào năm 1961 và là một trong những viện nghiên cứu nổi tiếng bậc nhất đất nước và được ghi nhận như một cơ sở nghiên cứu hàng đầu về rừng nhiệt đới cung cấp. Dựa trên dữ liệu vệ tinh từ hệ thống dò phá rừng thời gian thực (DETER), INPE đã công bố: tỷ lệ phá rừng trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2019 đã tăng lên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong vòng 11 tháng, từ tháng 8/2018 đến tháng 6/2019, gần 4.600 km2 rừng nhiệt đới đã biến mất.
Các nhà khoa học và các nhà bảo vệ môi trường từng cảnh báo về tình trạng phá rừng của Brazil không ngạc nhiên về con số này – nhiều người trong số họ đã dự đoán nạn phá rừng có thể tăng lên trước quan điểm chống bảo tồn và ủng hộ phá rừng làm nông nghiệp của Bolsonaro. Ngày 17/7/2019, Bolsonaro đã cáo buộc INPE dối trá về số liệu và cho rằng chính quyền phải có quyền phê chuẩn dữ liệu nghiên cứu của viện trước khi họ công bố với công chúng. “Các số liệu, theo như tôi hiểu, đã được dùng với mục đích tấn công chính phủ và đất nước Brazil,” Bolsonaro nói trong một cuộc họp báo vào ngày 1/8/2019. Ngồi cạnh Bolsonaro, Bộ trưởng Bộ Môi trường Ricardo Salles tiết lộ đã phát hiện ra nhiều “thông tin không nhất quán và lỗi sai” trong dữ liệu DETER nhưng không đưa ra bằng chứng chứng minh phát biểu này.
INPE sau đó đã ra một thông báo “xác nhận lại chất lượng của dữ liệu từ DETER,” nhấn mạnh rằng việc xây dựng DETER dựa trên một phương pháp nổi tiếng đã được áp dụng trong 15 năm liên tục và nó đã “góp phần giảm thiểu nạn phá rừng ở khu vực Amazon khi được sử dụng cùng với các hành động thực thi pháp luật”. Năm 2004, khi DETER được đưa vào vận hành, các con số chính thức về nạn phá rừng đã giảm xuống 80% vào năm 2004.
Các đồng nghiệp quốc tế cũng đứng về phía INPE. “Dữ liệu đó đã được sử dụng như một phong vũ biểu tin cậy về những gì đang diễn ra tại khu vực Amazon của Brazil,” Bill Laurance, giám đốc Trung tâm Khoa học môi trường nhiệt đới và Phát triển bền vững tại trường Đại học James Cook ở Cairns, Australia, nói. “Tôi cũng vô cùng ấn tượng với trình độ kỹ thuật của các nhà khoa học tại INPE và ủng hộ họ vì những nỗ lực truy dấu để có thể cung cấp những ước tính hàng năm về nạn phá rừng,” theo Douglas Morton, người phụ trách Phòng thí nghiệm Khoa học Sinh quyển tại Trung tâm Không gian bay Goddard của NASA tại Greenbelt, Maryland.
Cắt giảm đầu tư cho khoa học
Trên thực tế, mối quan hệ giữa khoa học và chính phủ của ông Bolsonaro đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi ông lên nắm chính quyền vào tháng 1/2019. Từ thời điểm đó, các nhà nghiên cứu Brazil đã phải đối diện với khó khăn vì tình trạng cắt giảm kinh phí đầu tư cho khoa học cũng như tình trạng kiểm duyệt thông tin nghiên cứu của chính phủ.
Sérgio Rezende, một nhà vật lý tại trường đại học liên bang Pernambuco in Recife và là thành viên tham gia thực hiện báo cáo của SBPC về thực trạng đầu tư cho khoa học của Brazil, cho biết bản báo cáo đang soạn thảo đã nêu một cách chi tiết về sự sụt giảm trong đầu tư cho khoa học ở Brazil, bắt đầu trở nên trầm trọng kể từ năm 2014 và dự báo những khó khăn đang đe dọa triển vọng phát triển về môi trường, kinh tế, xã hội. Do các chính sách của chính phủ không “đặt trên nền tảng khoa học và lợi ích công chúng”.
Theo những người thực hiện báo cáo tổng số kinh phí đầu tư cho khoa học quốc gia này đã bị cắt giảm gần 47% so với năm 2014, ví dụ năm 2018 chỉ còn 7 tỷ reais (1,8 tỷ USD). Tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn kể từ khi ông Bolsonaro lên nắm quyền: vào tháng 3/2019, chính quyền của ông thông báo việc đóng băng 42% ngân sách đầu tư cho Bộ Khoa học và Truyền thông, chỉ phân bổ 2,9 tỷ reais. Nếu chính phủ không cung cấp bổ sung kinh phí thì vào tháng 9 tới, Bộ Khoa học và Truyền thông có thể hết tiền cho chương trình học bổng cho sinh viên sau đại học và postdoc.
Hậu quả nhãn tiền
Ricardo Galvão, giám đốc viện INPE trong trả lời phỏng vấn báo O Estado de S. Paulo đã tố cáo với công chúng về việc Tổng thống không dám nhìn vào sự thật của nạn phá rừng nhưng lại tấn công viện nghiên cứu của ông.
Ngày 2/8/2019, Galvão đã gặp gỡ Marcos Pontes - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Truyền thông và là cựu phi hành gia và kỹ thuật hàng không vũ trụ ở NASA, để thảo luận về vấn đề này. Trong cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Pontes, ông đã nhấn mạnh, việc theo dõi nạn phá rừng của INPE cần được tiến hành và cần được công bố một cách trung thực. Ông cũng hiểu rằng mình phải rời chức vụ vì đã thách thức Tổng thống. “Tôi không hối hận chút nào”, Galvão nói. Là một nhà vật lý từng giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học São Paulo, ông sẽ trở lại với vị trí này sau khi rời viện INPE.
Việc xảy ra với viện INPE càng làm những người bảo vệ môi trường lo ngại. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Bolsonaro đã thúc đẩy các đề xuất để tăng cường diện tích trồng trọt, ngay cả những khu vực cần được bảo vệ cũng không thoát, kể cả rừng Amazon. Maurício Voivodic, người phụ trách cơ sở của WWF tại Brazil bình luận, Bolsonaro đã nhiều lần chế giễu các điều luật về môi trường như một rào cản cho sự phát triển và chỉ trích lực lượng thực thi pháp luật môi trường.