Các câu hỏi về thực tế chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật từ những công trình được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN chiếm một tỷ lệ lớn trong số câu hỏi gửi đến buổi giao lưu trực tuyến do Báo Khoa học và Phát triển tổ chức sáng 27/10.

GS Mai Trọng Khoa, PGS-TS Bùi Thị Mai An và GS Nguyễn Gia Bình (từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm với Phó Tổng biên tập Báo Khoa học và Phát triển Đỗ Lê Thăng trong buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Loan Lê

Xem lại toàn văn nội dung buổi giao lưu trực tuyến

Về các quy trình lọc máu hiện đại trong cụm công trình được xét tặng giải thưởng Nhà nước năm 2016, nhiều độc giả quan tâm đến khác biệt so với kỹ thuật cũ, về chi phí và nơi ứng dụng. GS-TS Nguyễn Gia Bình - chủ nhiệm cụm công trình - cho biết: Ngoài 7 bệnh viện tham gia nghiên cứu, các quy trình này đã được thực hiện thường quy tại gần 30 bệnh viện trong cả nước, gồm các kỹ thuật lọc máu liên tục, gan nhân tạo, lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, một phần chi phí được bảo hiểm y tế chi trả. Trong đó, kỹ thuật gan nhân tạo có chi phí khoảng 100 triệu đồng/lần, vài ngày thực hiện một lần. Phương pháp lọc máu liên tục có chi phí 20-30 triệu đồng/ngày (áp dụng trong 2-3 tuần).

Trả lời các câu hỏi về cụm công trình về an toàn truyền máu được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2016 của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, PGS-TS Bùi Thị Mai An - đồng tác giả - cho biết: Từ cụm công trình này, viện đã triển khai mô hình ngân hàng máu sống ở nhiều địa phương, ứng dụng công nghệ sản xuất sinh phẩm, tách các thành phần máu tự động… góp phần đẩy mạnh ghép tế bào gốc, ghép tạng, giải quyết tình trạng thiếu máu. “Năm 2016, ngay cả dịp tết và hè, Hà Nội cũng không thiếu máu; viện còn có đủ máu và chế phẩm cho trên 150 bệnh viện ở phía bắc” - TS An nói.

Còn TS Nguyễn Thị Ngọc Trâm - chủ nhiệm công trình về cây trinh nữ hoàng cung trong điều trị ung bướu, giải thưởng Nhà nước 2010 - chia sẻ về kết quả của nghiên cứu này, đó là viên nang Crila - sản phẩm đã vào thị trường Mỹ nhờ công nghệ chiết xuất mới giúp tăng gấp đôi hàm lượng hoạt chất sinh học, giảm số viên thuốc phải uống.

Chia sẻ về các phương pháp bức xạ ion hóa chẩn đoán, điều trị ung thư trong cụm công trình được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2016, GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủ nhiệm cụm công trình - cho hay, các kỹ thuật này có chi phí thấp hơn nước ngoài nhiều lần, được bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ hoặc một phần.

Đáp ứng sự quan tâm của độc giả về cụm công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2016, tác giả Hoàng Đức Thảo tiết lộ, các kết quả của nó đã được ứng dụng tại 42 tỉnh, thành và xuất khẩu sang Lào, Malaysia. Sản phẩm tiêu biểu là hào bêtông cốt thép đúc sẵn, kênh - mương hộp bêtông cốt thép, bêtông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn, thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước; cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển…