“Đối với vùng trung du và miền núi phía bắc, khoa học và công nghệ (KH&CN) có thể tập trung tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên của các địa phương để phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc” - TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương khẳng định như vậy khi trao đổi với Khoa học và Phát triển.
Nhiều đặc sản thành thương hiệu nổi tiếng
Thưa ông, thời gian qua kinh tế vùng trung du và miền núi phía bắc đã chuyển biến tích cực. Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của KH&CN trong thành tựu này?
Đối với vùng trung du và miền núi phía bắc, kết quả hoạt động KH&CN đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Đặc biệt, trong nông - lâm nghiệp, KH&CN đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương thông qua việc ứng dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật sản suất theo chuẩn GAP, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển nhãn hiệu tập thể…
Chính vì vậy, gần đây rất nhiều sản phẩm đặc sản trong vùng đã trở thành thương hiệu có tiếng như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), chè sạch, gà đồi Phú Bình (Thái Nguyên), quýt Quang Thuận (Bắc Kạn), cam Cao Phong (Hòa Bình), lúa gạo Séng Cù (Lào Cai), lúa gạo tẻ râu (Lai Châu), bò vang Hà Giang (Hà Giang), na dai, quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn), hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), mận, hoa Sơn La...
Người dân trồng cam Cao Phòng (Hòa Bình) thăm vườn cam sai quả. Ảnh: Lê Thùy
Theo ông, thời gian tới, các hoạt động KH&CN của vùng trung du và miền núi phía bắc cần tập trung vào những lĩnh vực nào để phát huy các lợi thế đặc thù?
Để KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế, trong giai đoạn 2016-2018 và định hướng đến năm 2020, hoạt động KH&CN của vùng cần tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực nhằm khai thác và phát triển sản phẩm có lợi thế, đặc biệt là phát triển cây dược liệu, cây thuốc. Đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển và một số địa phương đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai... Nhưng nhìn chung, các địa phương chưa thực sự phát triển mạnh lợi thế này.
Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển sản phẩm rau, hoa xứ lạnh ở các địa phương có lợi thế khí hậu và đất đai như Sa Pa, vùng Phia Đén - Cao Bằng, Quản Bạ - Hà Giang, Mộc Châu - Sơn La, Mẫu Sơn - Lạng Sơn, Sìn Hồ - Lai Châu, Thanh Sơn - Phú Thọ cũng cần được chú trọng.
Tương tự là hướng phát triển nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá anh vũ, cá chiên... ở lưu vực các sông, hồ thủy lợi và thủy điện có điều kiện phù hợp như hồ Thác Bà, hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, vùng hồ và sông của Na Hang, hệ thống sông, suối vùng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên... đặc biệt là nuôi cá tầm trên các hồ thủy điện trên sông Đà.
Một lợi thế khác là ứng dụng công nghệ và áp dụng kỹ thuật phù hợp để phát triển đàn gia súc có tiềm năng chăn nuôi thành sản phẩm hàng hóa như trâu vùng Tuyên Quang, Yên Bái; chăn nuôi bò thịt của Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu hay gia cầm ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ...
Khởi nghiệp từ sản phẩm chủ lực
Trên nhiều diễn đàn, lãnh đạo Chính phủ và Bộ KH&CN nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp. Theo ông, doanh nghiệp cần vào cuộc như thế nào để đẩy nhanh ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế vùng?
Để đạt mục tiêu, các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp, trước hết là khởi nghiệp từ việc phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù và cần coi đây là hướng đi quan trọng. Cần phát triển mạnh mẽ các loại hình dịch vụ và thị trường KH&CN, đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp…
Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Một giải pháp quan trọng là quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường đầu tư tiềm lực, phát triển các trung tâm KH&CN, liên kết, phối hợp sử dụng hiệu quả các nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân lực.
Cần xem xét thành lập quỹ phát triển KH&CN cho phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương và hướng dẫn lập quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho KH&CN, khai thác và phát huy lợi thế để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng vào mở rộng sản xuất.