Làm sao để các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam thực sự trở thành mô hình phát triển kinh tế xanh - nơi người dân nhận các lợi ích nhưng vẫn đảm bảo thiên nhiên sạch. Đó là bài toán không đơn giản mà các nhà khoa học và cơ quan quản lý đang tìm cách giải.
Dân và thiên nhiên đều cần sống khoẻ
Năm 2000, UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam - đó là Cần Giờ. Việc Lang Biang lọt vào danh sách này năm 2015 giúp Việt Nam nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển thế giới lên 9.
Các khu dự trữ sinh quyển có hệ sinh thái, độ đa dạng sinh học phong phú, song cuộc sống của người dân tại đây cũng là vấn đề được đặt ra. Việc đảm bảo sinh kế cho nhân dân bản địa mà vẫn bảo tồn khu dự trữ sinh quyển và phát triển hài hòa không đơn giản.
Bà Trần Thị Hoàng Mai - Phó Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - nói: “Các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam đang đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước; song vấn đề đặt ra là phải đảm bảo hài hòa lợi ích để thực sự là những mô hình phát triển kinh tế xanh”.
Về việc giải bài toán này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc - Trưởng tiểu ban Khoa học tự nhiên của Ủy ban UNESCO Việt Nam - cho biết, để các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam bảo tồn nguồn gene, hệ sinh thái, thực, động vật nhưng người dân vẫn có thể khai thác thiên nhiên và giữ cho thiên nhiên sạch, bền vững, Bộ KH&CN đã phê duyệt và tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia tại 5 khu dự trữ sinh quyển. Kinh phí được trích từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Kết quả của mỗi nhiệm vụ là các mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai tại một khu dự trữ sinh quyển.
Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích
PGS-TS Phạm Trung Lương - Viện phó Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch, chủ nhiệm đề tài “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học tiếp cận lý thuyết và thực tiễn tại Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang” - cho biết: Ở các vườn quốc gia, con người sống tách biệt với vùng lõi, còn ở các khu dự trữ sinh quyển, con người có thể sống trong vùng nên có những đặc điểm khác biệt.
Thực tế một số vườn quốc gia đã chuyển dân ra ngoài, nhưng họ không thích nghi được vì không có sinh kế mới. Người dân lại tiếp tục quay vào rừng. “Vì vậy, không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính mà cố gắng tạo ra sinh kế mới cho người dân nhưng ít tác động xấu đến thiên nhiên” - TS Lương nói.
Theo đó, sinh kế sẽ được tạo ra từ hoạt động du lịch để người dân có thu nhập, hạn chế dần tác động xấu đối với thiên nhiên. TS Lương cho biết, dự kiến đến năm 2017 mô hình này sẽ được triển khai ở khu dự trữ sinh quyển An Giang và nếu đạt kết quả tốt sẽ mở rộng ra các khu khác từ năm 2018.
Đề tài “Xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang” do TS Vũ Ngọc Long - Viện Sinh thái học miền Nam làm chủ nhiệm - lại chọn cách tiếp cận khác. Theo ông Long, chương trình hợp tác đồng quản lý rừng tại Lâm Đồng đã có hiệu quả.
Đây là mô hình lập nhóm bảo vệ rừng cộng đồng, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích và cùng có trách nhiệm, có quỹ tín dụng cộng đồng. Điều quan trọng là kết hợp các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh địa lý và không gian văn hóa bản địa, phân tích mối quan hệ giữa các thành phần cấu trúc cảnh quan và huy động mọi nguồn lực tham gia bảo tồn.
TS Trần Lâm Đồng - Viện Nghiên cứu lâm sinh - lại chọn phương pháp nghiên cứu các nhân tố tác động đến khả năng phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái rừng; từ đó đề xuất các giải pháp quản lý, phục hồi và bảo tồn cho từng loại diễn thế sinh thái về mặt kỹ thuật, kinh tế - xã hội, thể chế và chính sách.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, thế giới có khoảng nửa thế kỷ kinh nghiệm quản lý, bảo tồn và phát triển khu dự trữ sinh quyển, nhưng kinh nghiệm này của Việt Nam còn khiêm tốn. Do vậy, các nghiên cứu và mô hình kể trên sẽ được rút kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển.
Bà Trần Thị Hoàng Mai cũng tin tưởng KH&CN là nền tảng thúc đẩy mạnh mẽ mạng lưới khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Đặc biệt, các nghiên cứu sẽ biến những khu dự trữ sinh quyển này thành phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững. Việc mỗi khu dự trữ sinh quyển có ít nhất một nhiệm vụ khoa học sẽ tạo ra các hoạt động. Từ đó, mỗi khu dự trữ sinh quyển sẽ phát triển các đối tác nước ngoài và cơ quan trong nước… cùng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam.