Trong bối cảnh học sinh cả nước phải tạm dừng đến trường để tránh dịch Covid-19 và thời điểm tiến hành kì thi THPT quốc gia đang đến gần, truyền thông đã nêu ra nhiều ý kiến thảo luận về việc có nên hoãn kì thi THPT quốc gia năm nay hoặc tổ chức bằng hình thức nào đó phù hợp hơn cho tình hình thực tế.
Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ nên hoãn kì thi THPT quốc gia năm nay mà để giúp giáo dục phổ thông tiến lên, đi vào thực chất, còn cần xem xét việc bỏ hình thức thi tốt nghiệp THPT, với những lý do nêu ra như dưới đây.
Thứ nhất, tấm bằng “tốt nghiệp THPT” không còn có ý nghĩa đặc biệt nữa trong xã hội ngày nay nữa.
Nhìn vào lịch sử ta sẽ thấy giáo dục cận đại ở Việt Nam hình thành muộn dưới thời Pháp thuộc. Việc có được tấm bằng tốt nghiệp giáo dục phổ thông vốn là một điều không dễ dàng đối với đông đảo người Việt. Bởi thế trong một thời gian dài, ngay cả sau khi đất nước thống nhất sau 1975 và Đổi mới, tấm bằng tốt nghiệp THPT vẫn là một “tấm thẻ vào đời” quý giá. Có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, người ta có thể vào học các trường khác nhau để trở thành người làm nghề chuyên nghiệp, trở thành cán bộ viên chức nhà nước...
Còn ngày nay thì sao? Cùng với sự tăng trưởng của kinh tế đất nước sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, hệ thống giáo dục quốc dân trên cả nước từng bước hoàn thiện và tăng cường chức năng. Từ phổ cập giáo dục tiểu học, Việt Nam đã tiến tới phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS lên THPT ngày càng cao (những năm gần đây đều trên 90%) và cùng với nó là tỷ lệ gia tăng của số học sinh vào đại học.
Cho dù muộn hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cũng đã bước vào thời kì “Đại chúng hóa đại học”. Hệ thống đại học tư ra đời và ngày một phát triển cùng với sự mở rộng quy mô và đa dạng hóa ngành nghề đào tạo của các trường đại học công lập đã làm cho “giấc mơ học đại học” của thanh niên trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Vào đại học (trừ các đại học thuộc diện có yêu cầu tuyển sinh gắt gao) và tốt nghiệp đại học không còn là một chuyện gì đó khó khăn hay ghê gớm nữa. Chính vì vậy, ý nghĩa của việc sở hữu một tấm bằng THPT đã thu hẹp và giảm nhẹ rất nhiều. Trên thực tế nó được hiểu là một điều kiện tối thiểu cần có để cá nhân nộp hồ sơ thi tuyển vào các trường ở bậc học cao hơn. Ý nghĩa “tiến thân” của nó hay sự “tinh hoa” của nó so với mặt bằng chung của xã hội không còn nữa. Logic tất yếu của nó sẽ dẫn đến việc dùng một kì thi quốc gia để sát hạch và cấp cho học sinh một tấm bằng tốt không còn cần thiết.
Thứ hai, việc tiếp tục tổ chức kì thi THPT quốc gia kết hợp hai trong một như đang làm kể từ năm 2015 gây khó cho công tác tổ chức.
Việc ghép hai làm một và tổ chức đồng loạt trên cả nước giúp cho các đô thị “giảm nhiệt” trong kì thi tuyển sinh đại học và đỡ cho phụ huynh, thí sinh phải đổ về thành phố dự thi. Tuy nhiên, khi tổ chức các kì thi ở địa phương, chấm thi tại địa phương kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Đối với thi tốt nghiệp, cán bộ coi thi ít nhiều sẽ có tâm lý thoải mái và lơi lỏng hơn so với thi tuyển sinh đại học. Chính vì vậy mà khi ghép hai vào một và tổ chức ở các địa phương, sự hòa trộn tâm lý nương nhẹ đó sẽ tạo ra kẽ hở cho nảy sinh tiêu cực, gian lận. Những sai phạm nghiêm trọng của các địa phương như Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã cho thấy điều đó.
Ngoài ra, ghép hai kì thi với tính chất, chức năng khác nhau làm một - kì thi tốt nghiệp có chức năng là kiểm tra kiến thức cơ bản của học sinh để công nhận tốt nghiệp trong khi thi đại học là tìm ra những thí sinh có năng lực trí tuệ phù hợp với ngành học, trường học mà thí sinh đăng kí - cũng gây khó trong việc phân hóa thí sinh, cho dù người ra đề có cân nhắc để tính toán, phân bố các vấn đề các bài trong đề thi một cách hợp lý đi chăng nữa.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018 tại TP HCM. Ảnh: nld.com.vn Thứ ba, việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ dựa vào các môn thi được quy định như hiện tại là bất hợp lý.
Trong Luật Giáo dục (2019) đề ra mục tiêu của giáo dục là “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam” (Điều 2). Sự phát triển toàn diện này có được là nhờ vào toàn bộ các hoạt động giáo dục trong nhà trường mà học sinh tham gia cùng trải nghiệm của học sinh ở đó chứ không chỉ là các môn giáo khoa, càng không phải chỉ là nhờ vào các môn học được chỉ định, bắt buộc thi (hoặc là được phép lựa chọn). Như vậy, câu hỏi đặt ra là để công nhận học sinh tốt nghiệp THPT thì nếu chỉ dựa vào một kì thi tốt nghiệp có số môn thi giới hạn, với hình thức thi trên giấy để kiểm tra tri thức như đã và đang làm có công bằng không và có chính xác không? Sự mâu thuẫn giữa mục tiêu giáo dục đặt ra và kiểm tra đánh giá mục tiêu này sẽ dẫn tới lý do thứ tư cần bỏ kì thi tốt nghiệp THPT.
Thứ tư, việc tồn tại kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông (nằm trong thi THPT quốc gia) như hiện tại đã làm giảm động lực học tập thật sự của học sinh, thu hẹp cơ hội sáng tạo của giáo viên và đẩy việc dạy và học ở trường phổ thông vào tình trạng đối phó và hình thức.
Khi “thi tốt nghiệp” mang tính chất bắt buộc, học sinh, phụ huynh, và giáo viên sẽ nảy sinh tâm lý “môn chính”, “môn phụ” và các môn không được lựa chọn thi tốt nghiệp sẽ phải hi sinh thời lượng cho các môn thi trong thực tế. Học sinh chỉ học (kể cả học thêm) các môn phải thi tốt nghiệp. Và thế là cho dù Luật Giáo dục quy định, chương trình nhấn mạnh tính toàn diện, trên thực tế sẽ là một sự lộn ngược khi giáo viên và học sinh chỉ dạy và học môn thi tốt nghiệp. Điều này tạo ra sự nhận thức lệch lạc về việc học và khuyết thiếu trong tri thức, phẩm chất, năng lực của học sinh.
Nhiều người lý luận “không có thi thì học sinh sẽ không học”, nhưng đó là một lý luận dựa trên nhận thức sai lầm và hời hợt về tâm lý học giáo dục. Nó đã chỉ nhấn mạnh và tuyệt đối hóa động lực ngoài tác động tới việc học của học sinh là sự thúc ép của thi, của trừng phạt, phần thưởng mà quên mất động lực bên trong của người học đó là khao khát tìm cái mới, khao khát trở nên hiểu biết hơn và niềm hạnh phúc nội tâm khi thỏa mãn khao khát đó trong học tập. Khi nhận thức và lý luận như vậy, trường học và giáo viên sẽ có cái nhìn “robot hóa học sinh”, coi học sinh chỉ là một thực thể thụ động.
Về phía giáo viên, khi dạy học với nhận thức và tâm thế như trên điều họ lo lắng nhất là “làm sao để học sinh thi đỗ tốt nghiệp” (sau đó là thi đỗ đại học) vì thế họ sẽ chỉ chú tâm đến việc truyền đạt sao cho học sinh lĩnh hội được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Họ sẽ coi kiến thức cơ bản của sách giáo khoa là toàn bộ nội dung giáo dục, bất chấp chương trình thế nào đi nữa. Với quan niệm như vậy, họ sẽ thành “thợ dạy” đúng nghĩa thay vì là “nhà giáo dục”. Công việc của họ sẽ dừng ở mức “tối thiểu” thay vì “tối đa”. Những hoạt động giáo dục thú vị, những bài học giúp học sinh khám phá sâu bản chất của hiện tượng, sự vật, những nội dung giúp phát triển toàn diện học sinh tất yếu sẽ trở thành vật hi sinh.
Cuối cùng, bỏ thi tốt nghiệp THPT, trả kì thi tuyển sinh đại học về cho các trường đại học sẽ tạo điều kiện tốt cho các trường tuyển được người phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Ở Việt Nam trong suốt thời gian dài đã chỉ tuyển thí sinh vào các ngành học dựa trên điểm số của các bài thi kiểm tra tri thức giáo khoa (toán, lý, hóa, văn…). Ngoại trừ một số trường có tuyển năng khiếu ra, đơn vị tuyển sinh hầu như không hề biết mặt thí sinh. Chính vì vậy mà rất nhiều sinh viên khi vào học thậm chí học xong đi làm mới phát hiện ra mình hoàn toàn không phù hợp với nghề mình học, trường mình học. Khi đó lại mất công đi học lại nghề mới lãng phí nhiều thời gian và tiền bạc.
Ở nước ngoài từ lâu trong tuyển sinh đại học, người ta đã kết hợp nhiều phương thức khác nhau như thi môn giáo khoa, tiến cử (với những học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc), viết luận, phỏng vấn. Bằng nhiều phương thức kết hợp như vậy, các trường đại học, cao đẳng có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được người phù hợp (tính cách, khí chất, thể lực, ngôn ngữ, tư duy…). Ở Việt Nam hiện tại đã bắt đầu có một số trường đại học tiến hành tuyển sinh theo hướng này.
Nhật Bản từ lâu cũng đã không thực hiện thi tốt nghiệp THPT nữa và sắp tới có khả năng cao sẽ bỏ luôn cả kì thi thứ nhất vào đại học (kì thi trắc nghiệm kiểm tra kiến thức các môn giáo khoa ở phổ thông) để chuyển sang các hình thức đánh giá năng lực cá biệt của từng học sinh thông qua viết luận, phỏng vấn, kiểm tra tư duy, thử thách năng lực toán học và khoa học…
Thời điểm hiện nay là thời điểm thích hợp để đưa vấn đề thi tốt nghiệp THPT lên bàn nghị sự quốc gia. Nhiều người sẽ e ngại rằng nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT, trả kỳ thi tuyển sinh về các trường đại học thì hóa ra là “cải lùi về chỗ cũ ư?”. Đúng là như thế, nhưng không thể lấy một cái sai mới hay duy trì cái sai đã thấy để giải quyết vấn đề mà cuộc sống đặt ra. Nếu vướng mắc về cơ sở pháp lý thì cần phải tiến hành các thủ tục cần thiết, thậm chí là sửa Luật Giáo dục.
Khi không còn thi kỳ thi THPT quốc gia, việc dạy và học được đánh giá bằng cách nào trong suốt quá trình, tôi xin đề cập trong một bài viết khác.
Tôi biết thời gian qua Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp cho hoạt động dạy học và thi THPT. Nhưng trong bối cảnh này, tôi cho rằng Bộ có thể cân nhắc, tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định không tổ chức thi tốt nghiệp THPT và có phương án hướng dẫn hình thức xét tốt nghiệp cho học sinh đủ điều kiện. Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Theo Tuổi trẻ) |