Từ trước đến nay, người ta thường chỉ nói đến sự yếu kém của hệ thống y tế ở châu Phi nhưng những gì họ đang nỗ lực thực hiện cho thấy, lục địa đen có thể sẵn sàng ngăn chặn dịch COVID-19 hơn là chờ đợi sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Lựa chọn đúng hướng
Để thích ứng với tình hình mới, châu Phi tập trung nâng cao năng lực khoa học trong lĩnh vực virus học, hệ gene học và tăng cường những hợp tác liên ngành nhằm thực hiện các nghiên cứu tác động đến các chính sách ngăn chặn (containment policies) của các chính phủ. Những hướng đi này dường như phù hợp với bối cảnh thế giới đang tập trung vào phát triển các phương thức chẩn đoán, vaccine và thuốc điều trị cho COVID-19.
Từ nhiều năm qua. các nhà khoa học châu Phi đã không trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của các quốc gia bên ngoài, họ tự tiến hành các dự án của riêng mình. Một ví dụ của điều này đó là việc thành lập Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Phi - trung tâm được Liên minh châu Phi xây dựng vào năm 2016 sau khi xuất hiện dịch Ebola ở Tây Phi. Đây là một viện nghiên cứu kỹ thuật chuyên sâu hỗ trợ các sáng kiến y tế công cộng của các quốc gia thành viên, đồng thời giúp tăng cường năng lực của các viện nghiên cứu và các đối tác khác ở châu Phi. Mục tiêu của viện là nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia ở lục địa này có thể phát hiện và phản ứng một cách hiệu quả, nhanh chóng đối với các mối đe dọa và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, dựa trên nền tảng các chương trình và sự can thiệp vận hành bằng dữ liệu.
Những kết quả quan trọng
Chưa đầy một tuần sau khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở Nigeria, các nhà khoa học từ châu Phi đã cung cấp trình tự bộ gene đầu tiên của virus SARS-CoV-2. Trình tự này ngay lập tức được công khai trên các cơ sở dữ liệu gene để cộng đồng khoa học trên toàn thế giới có thể sử dụng.
Ngày 1/3/2020, trình tự bộ gene đó đã được gửi tới hai trong số các viện nghiên cứu hàng đầu ở đất nước này, đó là Trung tâm nghiên cứu Hệ gene học của các bệnh truyền nhiễm châu Phi ở đại học Redeemer và Trung tâm Nghiên cứu Virus học và Hệ gene người ở Trung tâm Nghiên cứu Y khoa Nigeria, để giải trình tự hệ gene và tìm hiểu đặc điểm hình thái phân tử trên virus corona chủng mới này.
Thời gian từ khi các trung tâm này nhận mẫu đến khi giải trình tự xong kéo dài ba ngày. Quá trình xử lý mẫu và phân tích dữ liệu này là sự nỗ lực hợp tác của nhiều viện nghiên cứu trong nước, trong khi những đối tác từ bên ngoài châu Phi chỉ cung cấp những hỗ trợ hạn chế.
Bước đột phá này cho thấy Nigeria có năng lực kỹ thuật, tốc độ xử lý về mặt chuyên môn cũng như có được sự cởi mở và tính chặt chẽ về quản lý khoa học ở trình độ cao.
Hay một ví dụ khác, các nhà nghiên cứu Nam Phi mới đây cũng đã báo cáo về việc giải được trình tự bộ gen của một mẫu thử SARS-CoV-2 ở địa phương nhằm xác định được “danh tính” của chủng virus. Các kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện các dạng virus mới nếu như xảy ra các đột biến, đây cũng là điều thiết yếu trong hoạt động giám sát và xác định sự lây lan của virus và cung cấp thông tin cho việc phát triển vaccine.
Nhiều quốc gia ở châu Phi bao gồm Nigeria, Kenya và Nam Phi hiện nay đã có các phòng thí nghiệm quốc gia về an toàn sinh học cấp 3 để có thể nghiên cứu về virus và các mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao khác. Ngoài ra, Gabon và Nam Phi là hai quốc gia đã có phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4.
Vào năm 2016, các phòng thí nghiệm đã bắt đầu được xây dựng để có thể tiến hành giải trình tự bộ gene ngay tại địa phương. Nhiều nhà virus học và nhà dịch tễ học hiện nay đã có thể cộng tác với các nhà sinh học phân tử kỳ cựu và có trình độ cao.
Trong khi đó cách đây 7 năm khi Tây Phi bùng phát dịch Ebola, hầu như tất cả trình tự bộ gene đều được nghiên cứu ở nước ngoài, còn các nhà khoa học châu Phi chỉ làm việc với tư cách những người tham gia thứ yếu. Hay trước khi Ebola bùng phát ở Sierra Leone vào năm 2014, nơi đây cũng không có cơ sở hạ tầng quốc gia nào được trang bị đủ để thực hiện được những kỹ thuật xét nghiệm phân tử cần thiết cho việc chẩn đoán lây nhiễm virus.
Những sáng kiến liên châu Phi
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Phi đang thực hiện các nỗ lực trong phạm vi khu vực để nghiên cứu và quản lý dịch bệnh COVID-19 trên lục địa này. Cùng với đó, Diễn đàn Quản lý Vaccine Châu Phi tại văn phòng quản lý khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang hỗ trợ các quốc gia kiểm tra các đề xuất cho những thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc và vaccine, nhằm bảo vệ các sở hữu trí tuệ của châu Phi.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi gần đây cũng đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Hệ gene học để có thể thực hiện giải trình tự toàn bộ hệ gene với chi phí phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho những đổi mới về y tế.
Trước mối đe dọa của COVID-19, các quốc gia đã và đang tài trợ quỹ cho các hoạt động nghiên cứu ở châu Phi. Hiệp hội Thử nghiệm Lâm sàng châu Âu và các nước đang phát triển đã kêu gọi nộp các đề xuất hỗ trợ hoạt động nghiên cứu ở vùng Hạ Sahara nhằm quản lý và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Quan hệ đối tác này được hình thành trên cơ sở kinh phí do Liên minh Châu Âu tài trợ với ngân sách 4,75 triệu euro, ngoài ra còn có cả sự đóng góp từ quỹ đầu tư của Bộ Khoa học và Đổi mới của Nam Phi.
Những nỗ lực nghiên cứu và thay đổi môi trường nghiên cứu đang được các nhà khoa học đặt hi vọng sẽ khuyến khích các quốc gia châu Phi khác cùng cam kết tài trợ cho hoạt động nghiên cứu về COVID-19 ở châu Phi và giúp các nhà khoa học châu lục này sẵn sàng về năng lực để có thể kiểm soát các dịch bệnh tiếp theo.
Nguồn: https://phys.org/news/2020-04-africa-scientific-capabilities.html