Nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ sử dụng đa dạng các kênh bán hàng trực tuyến.

Temu - phiên bản nước ngoài của ứng dụng mua sắm Trung Quốc Pinduoduo - đang là nền tảng mua sắm trực tuyến được yêu thích tại Mỹ. Ảnh: StDaily
Temu - phiên bản nước ngoài của ứng dụng mua sắm Trung Quốc Pinduoduo - đang là nền tảng mua sắm trực tuyến được yêu thích tại Mỹ. Ảnh: StDaily

Anh Lưu Ôn Hải (Liu Wenhai), 33 tuổi, hiện đang làm việc trong ngành thương mại quốc tế ở Nghĩa Ô - trung tâm sản xuất hàng hóa tại tỉnh Chiết Giang Trung Quốc. Cách đây 10 năm, cha mẹ anh đã mở một nhà máy sản xuất mũ tại quê nhà Sơn Đông. Nhà máy vẫn đang hoạt động cho đến hiện tại.

Nhằm mở rộng kênh bán hàng và tiếp cập người mua ở nước ngoài, anh Lưu đã thử bán mũ thông qua các nhà bán lẻ trực tuyến như AliExpress của Tập đoàn Alibaba, Amazon, và eBay. Tuy nhiên số lượng đơn đặt hàng quá ít, trong khi chi phí vận chuyển và vận hành lại quá cao.

Vào tháng 10/2022, anh Lưu đã nhận được lời mời bán hàng trên Temu, một nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của PDD Holdings. Không giống như mô hình truyền thống nơi người bán hàng vận hành các cửa hàng đơn lẻ, Temu yêu cầu người đăng ký gửi sản phẩm đến các kho trung chuyển trong nước. Nền tảng sẽ chịu trách nhiệm về hậu cần, bán hàng, vận hành, hoạt động quảng cáo, và dịch vụ hậu mãi.

Lúc đầu anh chỉ xem đây là một hướng kinh doanh thử nghiệm, nhưng rồi thật bất ngờ, tất cả hàng hóa tồn kho trong 5-6 năm vừa qua ở nhà máy của gia đình anh đã được xử lý sạch sẽ. Thậm chí, do sản xuất không kịp, một số đơn hàng còn được chuyển sang nhà máy của chú anh.
Ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022, Temu cung cấp một loạt các mặt hàng với giá cả cạnh tranh, bao gồm quần áo, thiết bị điện tử, trang sức, giày dép, túi xách, mỹ phẩm, và các sản phẩm cho trẻ em. Tính đến nay, nền tảng này đã có mặt tại hơn 40 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, và châu Đại Dương và ngày càng trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng.

Theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu ứng dụng di động Sensor Tower, ứng dụng Temu đã được tải xuống hơn 300 triệu lần trên toàn cầu từ tháng 9/2022 đến tháng 11/2023. Số liệu từ công ty Nghiên cứu Apptopia cho thấy, người dùng của Temu dành thời gian mua hàng trên ứng dụng này nhiều hơn so với trên các ứng dụng đối thủ. Cụ thể, người dùng đã dành 18 phút mỗi ngày trên ứng dụng Temu trong quý hai năm ngoái, so với 10 phút trên Amazon và 11 phút trên AliExpress.

Sàn TMĐT Shein cung cấp sản phẩm nhanh hơn và thu hút người mua sắm mới mà không phải đau đầu quản lý hàng tồn kho.
Sàn TMĐT Shein cung cấp sản phẩm nhanh hơn và thu hút người mua sắm mới mà không phải đau đầu quản lý hàng tồn kho.

Theo ông Lý Minh Đào (Li Mingtao), Viện trưởng Viện Nghiên cứu tại Trung tâm Thương mại Điện tử Quốc tế Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp ngoại thương Trung Quốc đã có lợi thế trong sản xuất và kiểm soát chất lượng. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại thiếu kinh nghiệm và khả năng trong bán hàng và vận hành, chính điều này khiến họ gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường nước ngoài. Ông Lý nhận định dựa vào nền tảng Temu, các nhà sản xuất có thể hiểu và nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người mua hàng, điều chỉnh tốc độ sản xuất và thanh lý hàng tồn kho. Tất cả những điều này sẽ góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc.

Doanh số tăng vọt

Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ tài chính tại New Zealand vào năm 2018, Củng Tử Hàn (Gong Zhihan) quyết định trở về Trung Quốc để tiếp quản nhà máy của gia đình ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang. Năm 1999, cha mẹ của anh Củng thành lập một công ty sản xuất các sản phẩm sợi microfiber, bao gồm khăn lau, thảm rửa bát, khăn nhà bếp, và khăn tắm. Công ty tham gia vào sản xuất thiết bị gốc (OEM) của các sản phẩm làm sạch cho các thương hiệu được bán tại các siêu thị ở Mỹ cùng Amazon.

“Do một số chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp đã chuyển sang Đông Nam Á và nhu cầu từ các nước phát triển cũng giảm đi, đơn hàng trên những nền tảng thương mại điện tử truyền thống đã giảm gần 30% từ năm 2020,” anh Củng nói. Để cải thiện khả năng sinh lời và tối ưu năng lực sản xuất, công ty bắt đầu bán sản phẩm thông qua các nền tảng điện tử xuyên biên giới như Amazon và Walmart. Vào tháng 11/2022, anh quyết định đưa sản phẩm của mình lên Temu. “Temu có thể giúp tôi xác định nhu cầu của người dùng một cách chính xác hơn, hơn thế nữa, tôi dần nắm bắt được xu hướng thị trường toàn cầu. Doanh số bán hàng của chúng tôi đã tăng mạnh tới 40 lần từ tháng tư đến tháng 11 năm ngoái.”

Các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới khác của Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa. Nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein đã thông báo mở rộng thêm danh mục sản phẩm bằng cách hợp tác với các thương hiệu toàn cầu và các nhà bán hàng bên thứ ba để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài quần áo, khách hàng của Shein hiện có thể mua các sản phẩm khác như thiết bị gia dụng, các sản phẩm nhà ở thông minh như đèn điều khiển từ xa.

Shein được thành lập tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, và nổi tiếng vì giá cả thấp nhưng đa dạng lựa chọn về trang phục và phụ kiện thời trang. Shein là nền tảng mua hàng yêu thích của nhiều người Mỹ. Theo dữ liệu từ nền tảng phân tích App Intelligence, số lượt tải Shein ở Mỹ vào tháng 11/2023 đã tăng 26% so với một năm trước đó.

Vào tháng 9/2023, ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ Trung Quốc ByteDance, đã ra mắt dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop tại Mỹ. Dịch vụ này cho phép người dùng tìm và mua trực tiếp các sản phẩm đã được giới thiệu trong các buổi phát sóng trực tiếp và video ngắn

TikTok đã bắt đầu triển khai dịch vụ thương mại điện tử của mình tại Indonesia vào năm 2021. Tính đến nay, nền tảng đã hoạt động ở hơn 10 quốc gia, bao gồm Anh, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và Việt Nam.

Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, quy mô nhập khẩu và xuất khẩu của ngành đạt 2,38 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 332 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022

Động lực thúc đẩy

Theo ông Giang Châu Bình (Zhang Zhouping), nhà phân tích cấp cao về hoạt động giữa các doanh nghiệp cùng thương mại xuyên biên giới tại Viện Kinh tế Internet, một tổ chức tư vấn trong nước, “ngành thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh chóng trong đại dịch và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền ngoại thương quốc gia”. Thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích các doanh nghiệp ngoại thương truyền thống xây dựng những thương hiệu mới và mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Điểm khác biệt giữa các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ nằm ở chuỗi cung ứng. “Khả năng cạnh tranh cốt lõi của Temu và Shein nằm ở các sản phẩm với giá cả phải chăng và khả năng giao hàng nhanh chóng, điều này phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng chuỗi cung ứng”.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tính bền vững của chiến lược giá thấp mà các nền tảng này áp dụng để thu hút những người săn hàng giảm giá, bởi điều này có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty nhỏ.

Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới mới nổi của Trung Quốc ở phân khúc giá rẻ, Amazon cho biết họ sẽ giảm mạnh mức phí phải đóng của các thương gia bán quần áo có giá dưới 20 USD.

Từ tháng này, Amazon đã giảm phí thu từ người bán hàng chuyên kinh doanh các sản phẩm quần áo có giá dưới 15 USD xuống còn 5%, trong khi người bán quần áo giá từ 15 đến 20 USD được giảm 10%. Mức phí trước đây cho ca hai loại quần áo là 17%.

Cindy Tai, Phó chủ tịch của Amazon phụ trách bộ phận bán hàng của Amazon khu vực châu Á tiết lộ năm nay công ty sẽ tích cực giúp các thương nhân Trung Quốc xây dựng thương hiệu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng cường đầu tư vào sản xuất tại chỗ.

Tháng trước, Amazon cho biết họ sẽ mở trung tâm đổi mới đầu tiên tại Thâm Quyến, Quảng Đông. Trung tâm này dự kiến sẽ là nơi khuyến khích các nhà bán hàng giới thiệu sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu, vận hành kỹ thuật số, phát triển xanh, và triển khai các mô hình kinh doanh mới.

Dữ liệu từ Amazon cho thấy số lượng người bán hàng tại Trung Quốc trên nền tảng này có doanh số hơn 1 triệu USD đã tăng 25% trong một năm, từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 9/2023. Số lượng người bán hàng có doanh thu vượt quá 10 triệu USD cũng tăng gần 30% so với một năm trước đó.

Theo một số liệu khác, số lượng hàng hóa được bán bởi thương gia từ Trung Quốc trên các trang thương mại điện tử như Amazon đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Giang Kiến Bình (Zhang Jianping), Giám đốc Trung tâm Hợp tác Kinh tế Khu vực tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế Trung Quốc cho rằng “các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đã kết nối những yếu tố quan trọng, bao gồm mua sắm, bán hàng và hậu cần, giúp cung cấp một cách tiếp cận mới để những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa của Trung Quốc có thể đem hàng hóa ra thế giới. Điều này tạo ra cơ hội phát triển mới chưa từng có. Các nền tảng này đã giúp các thương hiệu và nhà sản xuất nắm bắt nhu cầu của khách hàng tốt hơn, nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản phẩm và định vị thương hiệu.”

Trong bối cảnh đó, Giám đốc Viện Thương mại Điện tử tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đó là nên tận dụng tối đa các nền tảng thương mại trực tuyến xuyên biên giới để đáp ứng kịp thời nhu cầu từ các thị trường nước ngoài, tìm hiểu thêm về luật pháp, quy định và tiêu chuẩn chất lượng ở các nước khác, và điều chỉnh chuỗi cung ứng để tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu của những nước đó.

Theo ChinaDaily