PGS.TS Nguyễn Ái Việt trò chuyện với báo Khoa học & Phát triển về chương trình đào tạo học sinh tiềm năng VIENOVA do ông phát triển, với mong muốn góp phần nuôi dưỡng một thế hệ tinh hoa mới, có thể giải các bài toán lớn của đất nước.

Thưa ông, được biết ông đã dành nhiều công sức để phát triển mô hình giáo dục Hướng Dương như một khả năng thay thế cho mô hình trường chuyên lớp chọn mà ông tin rằng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó. Ông có thể giải thích rõ hơn vì sao ông cho rằng sứ mệnh của trường chuyên lớp chọn đã kết thúc?

.
PGS. TS Nguyễn Ái Việt. Ảnh: Petrotimes

Cần nói rõ, Hướng Dương là một mô hình giáo dục tổng quát, trong đó có chương trình Tân tinh Việt VIENOVA có dự định thay thế cho mô hình trường chuyên lớp chọn.

Tôi biết lớp chuyên Toán đầu tiên gọi là lớp Toán đặc biệt được thành lập vào khoảng năm 1966-1967 tại Trường Trưng Vương A trong hoàn cảnh chiến tranh. Phải nói rằng các lớp chuyên và trường chuyên có một ý nghĩa to lớn và đã thành công theo một nghĩa nào đó. Tuy nhiên, mô hình này có nhiều khuyết điểm trong sứ mệnh đào tạo tinh hoa hướng tới liên ngành, xuyên ngành, giải quyết những bài toán lớn về kinh tế - xã hội cấp bách của Việt Nam.

Học sinh trường chuyên lớp chọn, một mặt lấy đi các học sinh có năng khiếu tốt nhất, khiến cho tác động lan tỏa của các em tới các học sinh khác có phần hạn chế. Mặt khác, các em không có môi trường tương tác thực tế để phát huy năng lực hướng đạo của mình, mà thay vào đó là một môi trường cách biệt với sứ mệnh thi cử mà ý nghĩa của nó ngày càng hạn hẹp.

Trong điều kiện ngày nay, việc đào tạo theo hướng chuyên và rút gọn chương trình đào tạo thành các nội dung phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn không còn phù hợp với xu thế phát triển. Vì vậy, theo tôi, trường chuyên lớp chọn không còn có ý nghĩa và không thể đáp ứng kỳ vọng phát triển của xã hội đang cần có một đội ngũ hướng đạo tinh hoa. Tất nhiên hướng đạo tinh hoa cần được hòa nhập trong một chương trình đào tạo phổ cập chứ không phải tách biệt trong môi trường tháp ngà như hiện nay.

Trong khi đó, trường chuyên lớp chọn chiếm một tỷ lệ đầu tư cao hơn các lớp thường, tập trung cho một số em, tôi thấy như vậy không công bằng. Chúng ta đào tạo hàng ngàn học sinh chuyên chọn mỗi năm trên phạm vi cả nước, đến nay cũng hơn nửa thế kỷ mà vẫn chưa có các trường có giá trị xã hội ổn định và đặc biệt chưa có đánh giá nào về hiệu quả thực sự của trường chuyên lớp chọn so với đầu tư đó.

Vậy ông có thể chia sẻ về sự khác biệt giữa chương trình VIENOVA dựa trên mô hình Hướng Dương với mô hình trường chuyên lớp chọn truyền thống?


Chương trình VIENOVA, dựa trên mô hình Hướng Dương, có một số điểm khác biệt cơ bản.

Thứ nhất, đào tạo chuyên chọn là đào tạo đặc biệt, tức là cắt giảm một số yêu cầu để đạt được một số mục tiêu thành tích ngắn hạn và xác định - chuyên Toán sẽ tập trung vào Toán, chuyên Lý sẽ tập trung vào Lý, chuyên Anh sẽ tập trung vào Anh. Theo một nghĩa nào đó, nó cũng như đào tạo người khiếm thị, cắt giảm các nội dung có liên quan tới thị giác. Đào tạo tinh hoa cần có tri thức liên ngành, các nhà bác học hay nhà công nghệ nổi tiếng như Einstein, Heisenberg, Neumann, Elon Musk,... đều là những người có kiến thức toàn diện từ triết học, khoa học xã hội, toán học, khoa học sâu sắc, nên tác động xã hội của họ rất lớn.

Thứ hai, đào tạo trường chuyên lớp chọn không dựa trên một mô hình giáo dục có triết lý, phương pháp luận, nên nội dung và phương pháp rất ít thay đổi, không cho phép đa dạng về kiến thức và độc lập về tư duy. Cách nghĩ của học sinh trường chuyên lớp chọn khá na ná nhau.

Thứ ba, hệ thống trường chuyên lớp chọn dạy theo lối bottom up, tức là dạy theo môn học, nên khá xa rời ứng dụng. Phải nói học sinh chuyên rất giỏi trong một kỹ năng giải quyết vấn đề. Và các thế hệ học sinh chuyên chọn sau khi học lên cao thường có khó khăn trong việc “tìm rồng để mổ” giống như người học được nghề mổ rồng trong truyện của Trang tử, nhưng không có rồng để mổ. Trong khi đó cách dạy hiện đại thường dựa trên các vấn đề và đi tìm các tri thức để giải quyết các vấn đề. Do đó cần có một cách tiệm cận top down.

Tất nhiên còn nhiều khác biệt nữa nhưng đó là ba điểm nổi bật nhất.

Chẳng hạn, học sinh trường chuyên lớp chọn không có kỹ năng giải quyết vấn đề lớn theo teamwork mà thường cố gắng giải quyết vấn đề trên một khía cạnh của chuyên gia đơn độc....

Bên cạnh đó, một trong những quan điểm giáo dục của tôi là coi trọng việc diễn đạt, sử dụng ngôn ngữ để tóm lược bản chất chính, kết nối tưởng tượng đa giác quan để sáng tạo và diễn đạt chính xác và có hiệu quả ý tưởng.

Nói rộng hơn, giáo dục Tân tinh Việt theo hướng ngược lại, thay vì đi sâu vào một lĩnh vực hẹp, thì nó cung cấp bức tranh toàn cảnh và gây cảm hứng trước, sau đó sẽ đi sâu ở những giai đoạn phù hợp, khi đã chuẩn bị đầy đủ về năng lực tư duy và kỹ năng phù hợp.

Vì sao một giảng viên đại học kỳ cựu như ông lại dành mối quan tâm đặc biệt cho giáo dục phổ thông?


Tôi quan tâm tới giáo dục phổ thông từ khá lâu. Trước hết, với tư cách là sản phẩm của trường chuyên lớp chọn, tôi được thừa hưởng những lợi ích của nó và cũng phải vật lộn nhiều năm để bỏ đi những thói quen tư duy hạn chế của nó. Bên cạnh đó, tôi nhận thức được nhân lực công nghệ của Việt Nam có rất nhiều nhược điểm do chúng ta dạy đại trà theo một triết lý “chuyên chọn”. Chẳng hạn, chúng ta chọn ra một tập hợp các tình huống (khá là phi thực tế theo thời gian), và nhồi sọ cho trẻ lời giải mẫu. Cách này tuy hiệu quả về thi cử, nhưng không thể tạo ra lời giải mới, hay thậm chí đặt ra các bài toán mới. Mà dường như việc giải các bài toán cụ thể và tiêu chuẩn sẽ bị AI làm tốt hơn rất nhanh.

Tôi có may mắn được đi dạy từ nhỏ, từ năm lớp bảy. Sau đó tôi đều dạy cho các em và các bạn vào các mùa hè. Bởi vậy tôi có những phương pháp dạy khá dễ hiểu và đặc biệt cho phép học sinh tự học. Cách đây khoảng 9-10 năm, tôi bắt đầu tuyển học sinh tài năng và kém - theo các tiêu chí của tôi - để dạy thử nghiệm. Sau một thời gian cải cách chương trình dạy ở một trường đại học, tôi nhận ra một vấn đề nằm ở giáo dục phổ thông. Sinh viên đại học của tôi thiếu rất nhiều thứ rất sơ đẳng, thí dụ như làm thế nào đọc một cuốn sách, lập một đề cương cho công việc. Nhiều thứ cần dạy từ Tiểu học. Trong nhóm ThinkTank VINASA, tôi cũng được phân công xây dựng một chương trình tọa đàm về Giáo dục. Rồi anh Trương Gia Bình, một thành viên trong nhóm, cũng tạo điều kiện để tôi làm việc trong vòng gần một năm ở Trường Tiểu học FPT để thử nghiệm các ý tưởng và hoàn thiện mô hình. Trong quá trình xây dựng mô hình, tôi cũng tiếp cận các chương trình cải cách giáo dục trên thế giới và các phương pháp tâm lý giáo dục hiện đại. Chẳng hạn Vygotsky và Piaget là hai tác giả tôi tâm đắc nhất, vì có nhiều quan điểm tương đồng. Nếu nhìn về tương lai của AI, tôi thấy mô hình của tôi đã có nhiều tiên kiến phù hợp.

Bên cạnh đó, tôi rất tâm đắc với các trường trung học ở Budapest vào đầu thế kỷ 20. Các trường đó không giàu hơn các tập đoàn giáo dục của ta bây giờ, nhưng họ đã đào tạo ra thế hệ người sao Hỏa mà trong thế chiến thứ hai họ đến Mỹ và tạo ra một đế chế khoa học và công nghệ. Tôi rất ao ước ta có một thế hệ như thế. Vấn đề không nằm ở tiền và vật chất.

Như vậy có thể hiểu rằng chương trình VIENOVA đã sẵn sàng để áp dụng vào thực tế. Ông có thể giải thích rõ hơn, chương trình này phù hợp để triển khai cho những không gian học tập nào? Về hình thức, có phải nó sẽ được tiến hành như một chương trình ngoại khóa? Ngoài ra, có đòi hỏi gì đặc biệt về phương pháp và kiến thức đối với người thầy hướng dẫn chương trình cho các em không?

Về nguyên tắc, chương trình VIENOVA có thể triển khai như một chương trình bổ sung được may đo. Nó không đòi hỏi phải thay đổi chương trình chính khóa mà sử dụng chương trình chính khóa như dữ liệu đầu vào để bồi đắp phương pháp tư duy mới. Như vậy, chương trình này có thể được tổ chức theo các lớp (online hoặc offline), câu lạc bộ, trung tâm, hoặc các hoạt động trải nghiệm như trại hè, dã ngoại,... Nó sẽ bổ sung những điều mà giáo dục chính khóa còn thiếu hoặc chưa thể đưa ngay vào được. Cốt lõi nhất vẫn là năng lực tự học, sáng tạo dựa trên ngôn ngữ và đa giác quan.

Tuy nhiên, để có thể có tác dụng tối ưu, VIENOVA cần đưa vào chương trình chính khóa những phương pháp, nội dung của mình, song song với việc giảm áp lực thành tích cho trẻ ở Tiểu học, Trung học cơ sở để có một phương pháp tư duy tích hợp, chủ động sáng tạo, cách nhìn toàn cảnh và nắm được cốt lõi của vấn đề. Ngoài Trí năng và Đức năng, VIENOVA còn rèn luyện Lương năng và Thể năng là những nội dung chương trình chính khóa còn thiếu rất nhiều và chưa thể bổ sung được ngay. Tất nhiên, yêu cầu đối với người thầy sẽ phải thay đổi. Trước hết, phải có tri thức hợp thời và cái nhìn đa lĩnh vực, dựa trên năng lực sử dụng ngôn ngữ và tư duy độc lập. Ngoài ra, còn cần cởi mở với cách giáo dục mới hướng tới vấn đề và teamwork.

Với chương trình VIENOVA, một mặt tôi muốn chia sẻ các tư tưởng của tôi cho mọi người và sẵn sàng giúp tất cả những ai muốn làm. Tham vọng của tôi là có một thế hệ VIENOVA thực sự, vì vậy ai làm thành công tôi đều vui. Tuy vậy, tôi đã thấy có người tiếp thu ý tưởng theo kiểu chụp giật, cơ hội, cắt xén, do đó sản phẩm của họ không giống tôi nghĩ. Giáo dục không thể làm theo lối ăn liền được, dù tôi rất chú trọng các chỉ số đánh giá định lượng và phải có chuyển biến ngay. Do đó tôi vẫn mơ ước trực tiếp làm một ngôi trường đầu tiên để nhân bản mô hình và đào tạo các thầy. Trước mắt, do điều kiện tài chính còn hạn chế tôi chỉ dạy một số lớp với trình độ khác nhau để tiếp tục hoàn thiện mô hình Hương Dương cũng như chương trình VIENOVA.

Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ.


Chương trình VIENOVA đặt mục tiêu: Phát triển tính sáng tạo, khả năng tự học và suy nghĩ độc lập cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở; tập trung vào khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy, diễn đạt để tự học; khai mở trí tưởng tượng và rèn luyện cảm xúc.

Bước đầu, Chương trình tập trung vào việc đọc tích cực, luyện thói quen nắm được những nội dung quan trọng nhất, đồng thời tưởng tượng được các hỉnh ảnh, quan hệ một cách tức thời. Sau đó là việc đặt câu hỏi để phát hiện các quan hệ mới và diễn đạt các nội dung đó theo cách nhìn mới. Ở giai đoạn này, học sinh sẽ biết tự học bằng quy trình nghiên cứu hiện đại có giúp sức của công nghệ mà các chương trình đào tạo sau đại học cũ mới hướng tới. Tiếp theo là các dự án nghiên cứu các vấn đề lớn được tổ chức theo nhóm, vừa khuyến khích độc lập suy nghĩ vừa khuyến khích hợp tác theo nhóm. Giai đoạn ba là các hoạt động thực tế để thấy được các tri thức cần phối hợp, bổ sung, sửa đổi trong thực tế như thế nào. Cuối cùng là các dự án hướng nghiệp, được may đo cho các cá nhân với sự trợ giúp kiến tạo theo phương pháp “bắc giàn giáo” của các thầy có kinh nghiệm và các “huynh trưởng”. Trong các dự án này học viên sẽ được tham gia vào việc tạo ra các sản phẩm thực sự.



Bài đăng số 1294 (số 22/2024) KH&PT