Qua 5 năm triển khai, theo số liệu giám sát và đánh giá, Dự án FIRST đã hoàn thành được các chỉ số mục tiêu cụ thể đặt ra ban đầu và thực sự là một kênh đầu tư cho các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ có hiệu quả. Đó là nhận định của ông Lương Văn Thắng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Ông Lương Văn Thắng.
Ông Lương Văn Thắng.

Theo ông, qua 5 năm triển khai, Dự án FIRST đã đạt được những kết quả như thế nào so với mục tiêu ban đầu?

Ông Lương Văn Thắng: Đây là dự án đầu tiên WB tập trung hỗ trợ Việt Nam thí điểm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), KH&CN. Qua 5 năm triển khai, đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ:

Về hỗ trợ năng lực xây dựng thể chế, đã xây dựng được khung giám sát đánh giá năng lực của các tổ chức KH&CN tiệm cận các quy chuẩn quốc tế, có thể được áp dụng ở Việt Nam; tiếp thu, áp dụng được phương pháp của OECD để điều tra năng lực ĐMST trong các doanh nghiệp - được thí điểm điều tra thành công hơn 7.000 doanh nghiệp ở Việt Nam; chuẩn hóa các phương pháp thống kê hiện đại/hài hòa với thông lệ quốc tế trong thống kê KH,CN&ĐMST ở Việt Nam; hiện đại hóa và đưa vào vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp thông tin KH,CN&ĐMST; hỗ trợ nghiên cứu chính sách, đặc biệt xây dựng các khuyến nghị chính sách thúc đẩy ĐMST ở Việt Nam dựa trên thực tiễn thí điểm của Dự án FIRST.

Dự án thu hút được hơn 90 chuyên gia, trong đó hơn 30 chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp thực hiện các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ với các viện/trường ở Việt Nam; trực tiếp nâng cao trình độ nghiên cứu chuyên sâu cho hơn 120 nhà khoa học Việt Nam ở các cơ sở nghiên cứu tiên tiến tại Nhật, Úc, Hoa Kỳ, Israel, CHLB Đức; trực tiếp giúp các nhà khoa học Việt Nam giải quyết được một số thách thức về KH&CN trong nước đang gặp phải. Qua đó giúp làm chủ một số công nghệ mới, hay sản xuất được nhiều sản phẩm mẫu được đánh giá có tiềm năng thị trường lớn. Ngoài ra, thông qua các sự kiện kết nối của Dự án FIRST, đã có hơn 600 chuyên gia KH&CN người nước ngoài và người Việt ở nước ngoài kết nối với các đối tác trong nước tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Về đầu tư để hỗ trợ chuyển đổi một số tổ chức KH&CN công lập theo hướng tự chủ và gắn kết với thị trường thì 16 tổ chức KH&CN công lập nhận tài trợ từ Dự án FIRST họ làm chủ được những công nghệ cốt yếu đồng thời tạo ra một số sản phẩm chủ lực được thương mại hóa hiệu quả, làm tăng nguồn thu một cách đáng kể, giúp đơn vị tự chủ về tài chính để tiếp tục tái đầu tư phát triển. Sau khi kết thúc Dự án FIRST, có những đơn vị đã đạt tự chủ 100%, mức doanh thu tăng sau 2 năm hơn 30% (lên tới hàng chục tỷ đồng). Một số đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như Viện điện tử - tin học – tự động hóa, Viện nghiên cứu Ngô, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I... đã đưa ra một số sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước; góp phần gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Các sản phẩm được ứng dụng công nghệ nổi bật như hoàn thiện công nghệ sản xuất cá chim vây vàng theo quy mô công nghiệp, Mực in nano bạc dùng trong chế tạo‎ linh kiện vi điện tử, thuốc từ tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam, các phụ gia sinh học, giống lúa được công nhận là giống quốc gia đã được chuyển giao và và sử dụng rộng rãi...

Ngoài ra, điều đáng lưu ý là với sự đầu tư từ Dự án FIRST về trang thiết bị, các đơn vị thụ hưởng đã được bổ sung nguồn lực kịp thời để xây dựng nên những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế về ISO và VILAS. Điều này giúp các đơn vị triển khai dịch vụ KH&CN với trình độ cao, đồng thời tiếp cận được các chuẩn mực quốc tế.

Khởi nghiệp công nghệ (startup) là một thành tố mới nổi quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rất cần được thúc đẩy, hỗ trợ. Vậy thì, ngoài các đơn vị uy tín lâu năm được hưởng lợi từ dự án FIRST, thì các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ có được FIRST hỗ trợ những gì?

Chúng tôi cũng đã hỗ trợ liên kết đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp với viện/trường và khuyến khích phát triển startup. Kết thúc dự án, đã có ba doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ mới và 11 Nhóm liên kết doanh nghiệp - viện/trường kết thúc thành công dự án. Tất cả các doanh nghiệp này đều tạo được những sản phẩm mới, hàm lượng công nghệ nổi trội và có thị trường lớn. Ba doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang mở rộng thị trường, bắt đầu có lãi. Một doanh nghiệp tiếp tục gọi được vốn đầu tư để mở rộng sản xuất (Công ty Minh Việt với sản phẩm sách Magic Book); một doanh nghiệp có sản phẩm đã được thị trường Nhật, Đức và Mỹ chấp nhận, đang chuẩn bị mở rộng dây chuyền sản xuất (Công ty Hidumi Pharma với sản phẩm tảo xoắn Spuriluna); một doanh nghiệp đã có hơn 1 triệu người dùng và có lãi đạt hơn 30% (Công ty Trí Nam với sản phẩm Vtick quản lý công việc).

Lãnh đạo Công ty Hidumi giới thiệu quy trình sản xuất tảo xoắn Spirulina với Ban Quản lý Dự án FIRST và Ngân hàng Thế giới.
Lãnh đạo Công ty Hidumi giới thiệu quy trình sản xuất tảo xoắn Spirulina với Ban Quản lý Dự án FIRST và Ngân hàng Thế giới.

11 nhóm liên kết (Consortia) đã hoàn thiện và chứng minh được dây chuyền sản xuất ở quy mô pilot, tạo ra được những sản phẩm mới được kiểm chuẩn, kiểm tra chất lượng, đăng ký bảo hộ và bước đầu thương mại hóa. Ngay sau khi kết thúc dự án, các nhóm liên kết này tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhà máy và dây chuyền sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới trên thị trường.

Dự án FIRST đã dành nguồn lực lớn hỗ trợ cho các tổ chức KH&CN công lập thực hiện thành công dự án chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững về tài chính. Đến nay, FIRST đã hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi như thế nào?

Dự án FIRST chỉ là một trong những “kênh” đầu tư của Bộ KH&CN và các bộ, ngành chủ quản để thúc đẩy năng lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN công lập theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững vì đây là một chủ trương ưu tiên của Nhà nước trong suốt thời gian qua. Dự án FIRST dành nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập tăng năng lực nghiên cứu bao gồm: tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, đào tạo chuyên sâu theo nhóm cho các nhà khoa học, làm chủ một số công nghệ cốt lõi và thông qua đó tạo ra một số sản phẩm chủ lực để thương mại hóa, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện chiến lược chuyển đổi theo định hướng thị trường, tự chủ và phát triển bền vững về tài chính của chính đơn vị.


Các tổ chức KH&CN do Dự án FIRST tài trợ đã thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra: các sản phẩm nghiên cứu, sáng chế/giải pháp hữu ích, giống cây trồng đã từng bước được thương mại hóa trên thị trường hoặc chuyển giao sang các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các phòng thí nghiệm được công nhận đạt chuẩn VILAS hoặc ISO 17025.


Có thể khẳng định, sự hỗ trợ từ Dự án FIRST của Bộ KH&CN đã góp phần tạo cú hích đáng kể để đơn vị thực hiện có hiệu quả chiến lược tự chủ của mình. Bên cạnh đó, bản thân đơn vị - với bề dày kinh nghiệm chuyên môn, sự năng động trong tái cấu trúc quản trị, tối ưu đầu tư, chủ động liên kết với doanh nghiệp - đã và đang chuyển đổi tổ chức mình theo lộ trình đề ra.

Ví dụ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long sau khi thực hiện dự án, đã nâng cấp và hiện đại hóa được sáu phòng thí nghiệm, các cán bộ được đào tạo tại Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế. Viện đã làm chủ được công nghệ chọn tạo giống lúa mới trên cơ sở kết hợp lai hữu tính và sử dụng chỉ thị phân tử. Nhiều giống lúa mới của Viện đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, và được dùng thay thế các giống lúa trước đây.

Hay Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc, hóa dầu, qua thực hiện Dự án đã có hai phòng thí nghiệm được đầu tư nâng cấp, trong đó có một PTN đạt chuẩn VILAS; hơn 50 cán bộ được đào tạo; làm chủ công nghệ chế tạo, ứng dụng vật liệu xúc tác dị thể và vật liệu nano trong lĩnh vực lọc hóa dầu; làm chủ được công nghệ sản xuất 11 loại dung môi sinh học thay thế dung môi hóa thạch;... có 14 sáng chế được đăng ký trong đó có 4 sáng chế được chấp nhận ở Mỹ. Các sản phẩm đã được thương mại hóa, góp phần tăng gấp đôi doanh thu của đơn vị, sẽ tiến tới tự chủ hoàn toàn trong năm năm tới.

Pin nhiên liệu DEFCN – sản phẩm của tiểu dự án FIRST do Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc, hóa dầu thực hiện.
Pin nhiên liệu DEFCN – sản phẩm của tiểu dự án FIRST do Phòng thí nghiệm trọng điểm lọc, hóa dầu thực hiện.

Dự án Nghiên cứu và phát triển công nghệ LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao.
Dự án Nghiên cứu và phát triển công nghệ LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao.

Nhờ dự án FIRST, Viện Tế bào gốc có được Phòng thí nghiệm đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 (LABA).
Nhờ dự án FIRST, Viện Tế bào gốc có được Phòng thí nghiệm đánh giá hoạt tính sinh học theo chuẩn ISO 17025 (LABA).

Hoặc có thể kể đến Viện tế bào gốc. Viện đã làm chủ được công nghệ sản xuất thuốc tế bào gốc phục vụ điều trị một số bệnh trên người; nâng cấp ba phòng thí nghiệm, trong đó có một PTN đạt chuẩn ISO 7, một phòng đạt chuẩn ISO 17025; năm sản phẩm được đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích; hai sản phẩm được chuyển giao cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu lớn đảm bảo cho Viện tự chủ 100%.

Xin trân trọng cảm ơn ông!