Tuần qua, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố báo cáo “ASEAN 4.0: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có ý nghĩa gì đối với hợp tác kinh tế khu vực?”.

Báo cáo lý giải tại sao cuộc cách mạng mới nhất này sẽ tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội Đông Nam Á.

Công nghệ sẽ giải quyết những vấn đề nóng

Trong báo cáo dài 20 trang của mình, WEF nhấn mạnh nếu ASEAN trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Có thể tận dụng những công nghệ mới của thời đại thì sau năm 2030, khu vực này sẽ tạo ra thêm 220 tỉ USD – 625 tỉ USD mỗi năm. Những công nghệ như internet of things, big data, trí tuệ nhân tạo, blockchain (chuỗi khối), drone (máy bay không người lái), năng lượng tái tạo…về lâu dài sẽ tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả trong việc phát triển cơ sở hạ tầng của các nước trong khu vực.

Chẳng hạn, hệ thống thanh toán online và trên di động đã tiết kiệm cho hệ thống tài chính phải xây dựng các văn phòng chi nhánh; công nghệ pin lữu trự điện và năng lượng tái tạo phát triển sẽ giúp người dân tự sản xuất và sử dụng điện, tiết kiệm phần nào chi phí đầu tư cho hệ thống lưới điện về vùng sâu, vùng xa.

Những công nghệ trên cũng giúp cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 90% số doanh nghiệp trên toàn ASEAN, có thể mở rộng quy mô, tiếp cận thị trường, tài chính với chi phí thấp, thời gian ngắn và giải quyết bất bình đẳng giữa những người thành thị và nông thôn trong lĩnh vực giáo dục, tiếp cận thông tin nhờ các công nghệ kết nối mới, các khóa học online, khóa học thực tế ảo.

Ngoài ra, hai vấn đề lớn hiện nay của ASEAN là môi trường và giao thông có thể được hạn chế thông qua việc thu thập, phân tích thông tin và dự báo những nguy cơ nhờ công nghệ internet of things và trí tuệ nhân tạo.

Phiên thảo luận về “Tăng cường tính liên kết” tại sự kiện WEF ASEAN, Phnom Penh, tháng 5/2017.
Phiên thảo luận về “Tăng cường tính liên kết” tại sự kiện WEF ASEAN, Phnom Penh,
tháng 5/2017.

WEF dự báo rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đều đặn 8% mỗi năm, áp lực lên môi trường cũngtăng tương tự. Việc ứng dụng công nghệ mới có thể điều chỉnh các hoạt động đánh bắt thủy sản, nông lâm nghiệp một cách hiệu quả, tránh tối đa việc lạm dụng môi trường. Còn trong lĩnh vực giao thông kinh tế chia sẻ và xe không người lái sẽ tăng mức độ an toàn của việc điều khiển phương tiện trên đường và giảm bớt áp lực quá tải lên cơ sở hạ tầng giao thông của các nước.

Báo cáo dẫn tính toán của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản cho rằng, Philipines sẽ mất khoảng hơn 100 triệu USD mỗi ngày vào năm 2030 nếu tình trạng giao thông vẫn như hiện giờ và đấy là câu chuyện chung của toàn khu vực.

Singapore và Thái Lan là hai nước đầu tiên trong ASEAN hiện nay đã chính thức ban hành kế hoạch cụ thể trong việc tiếp cận CMCN 4.0: Singapore có chương trình “Quốc gia thông minh” còn Thái Lan có chương trình “Thái Lan 4.0”. Tuy nhiên, WEF cho rằng, ASEAN cần sự hợp tác chặt chẽ hơn của tất cả các nước trong khu vực hơn là giải pháp cục bộ của quốc gia.

Để “giải phóng tiềm năng” nói trên của CMCN 4.0, dữ liệu trong nhiều lĩnh vực của các nước cầnđược chia sẻ, người lao động có thể làm việc “xuyên quốc gia” trong khu vực thông qua các nền tảng online mà không gặp những rào cản về pháp lý và tiêu chuẩn, doanh nghiệp vừa và nhỏ có đủ năng lực để tiếp cận và áp dụng công nghệ mới…

Những điều này đòi hỏi các nước trong ASEAN cần thống nhất một môi trường kinh doanh phù hợp trong đó quy định rõ ràng khung chính sách trong quản lý và mở dữ liệu, tiêu chuẩn trong sản phẩm và dịch vụ, cách thức tính và thu thuế với những trường hợp làm việc xuyên biên giới.


Bảy đề xuất cho ASEAN

WEF đưa ra bảy đề xuất hướng đến việc thay đổi vai trò, phương thức làm việc, bố trí nhân lực và cách huy động vốn của Ban thư ký ASEAN, theo đó, ban này nên đóng vai trò như một “nền tảng”, một “hệ điều hành”, đặt đầu bài cho những tổ chức bên ngoài làm công việc cụ thể như nghiên cứu, soạn thảo chính sách thay vì tự làm như trước.

Mô hình của Ban thư ký ASEAN sẽ tương tự OECD, tập hợp những bên liên quan từ khối chính phủ, doanh nhân, tổ chức xã hội dân sự cùng nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nóng của khu vực. Đề xuất của OECD dù không có tính pháp lý nhưng thường được các quốc gia thành viên áp dụng nhanh chóng.

Để làm tốt vai trò điều phối như trên, Ban thư ký ASEAN cần thiết lập nhiều tổ chức dưới quyền, mỗi tổ chức chuyên trách một vấn đề quan trọng của khu vực. Mặc dù dưới Ban thư ký ASEAN đã có Văn phòng nghiên cứu kinh tế Vĩ mô ASEAN, phụ trách an ninh tài chính khu vực và Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN – một nền tảng hợp tác công tư trong đầu tư nhưng WEF cho rằng Ban thư ký dường như “vẫn chần chừ” trong việc đẩy mạnh nhiều chức năng khác của mình.

Nhân lực của Ban thư ký sẽ không còn đặt nặng kỹ năng làm luật mà chú trọng vào kỹ năng quản lý, giao tiếp và phải là lao động cơ hữu thay kiểu “bổ nhiệm tự do”, “theo nhiệm kỳ” như trước kia.

WEF cũng đề xuất, kế hoạch dài hạn của ASEAN nên rút xuống từ 10 năm thành ba năm, đồng thời thường xuyên rà soát để thay đổi cho phù hợp với thực tế. Chương trình “Thiết kế cộng đồng kinh tế ASEAN đến năm 2025” (ASEAN Economic Community Blueprint 2025) mà cộng đồng ASEAN đang theo đuổi sẽ nhanh chóng trở nên lạc hậu vì tốc độ phát triển của những công nghệ mới và tác động của nó lên xã hội là không thể lường trước.

Cuối cùng, ASEAN nên hình thành một “khu vực thử nghiệm chung”, bằng cách đưa ra những chính sách “ngoại lệ”, cho phép những ý tưởng đổi mới sáng tạo triển khai xuyên quốc gia trong khu vực. Như vậy, các doanh nghiệp của ASEAN mới có thể “sống sót” dưới sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực công nghệ và quản trị mạnh mẽ.