Được tổ chức vào dịp cuối năm, VBF 2017 - một kênh đối thoại chính sách quan trọng giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, (diễn ra ngày 12/12/2017) là dịp để tái hiện bức tranh về môi trường kinh doanh Việt Nam qua góc nhìn của giới đầu tư, kinh doanh, các hiệp hội doanh nghiệp và cũng là dịp để Chính phủ, các bộ, ngành lắng nghe, trao đổi, đưa ra các quan điểm, thông điệp chỉ đạo, điều hành đối với giới đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra năm xu hướng sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, xu hướng đầu tiên là sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam – dự kiến tăng từ mức 10% dân số hiện nay lên khoảng 50% vào năm 2015 (theo Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới) – làm thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động sáng tạo đón đầu.
Bốn xu hướng còn lại được Thủ tướng đề cập đều liên quan tới khoa học và công nghệ. Trước hết là xu hướng thay đổi công nghệ trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.
Với 52 triệu người dùng internet, chiếm trên 54% dân số, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 ở châu Á – Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối internet, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Việt Nam cũng là nước kết nối di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh, dự báo đến năm 2020, sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực với 8/10 người sử dụng điện thoại di động. Thủ tướng cho rằng, đây là nền tảng quan trọng, và là cơ hội lớn giúp dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.
Toàn cảnh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hà nôi, 12/12/2017. Ảnh: Quang Hiếu
Tiếp theo là xu hướng đòi hỏi động lực tăng trưởng mới phải đến từ sáng tạo và các phát kiến. Nhiều nước đang phát triển giờ đây là nơi có số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế, các ấn phẩm nghiên cứu, chi cho nghiên cứu và phát triển tăng lên nhanh chóng. Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó, Thủ tướng khẳng định.
Liên hệ trực tiếp tới tính hiệu quả của Chính phủ là xu hướng số hóa công tác quản lý và cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh chất lượng dịch vụ công hiện nay còn thấp, tệ quan liêu, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, Chính phủ cần thực hiện số hóa dịch vụ công trên cơ sở công nghệ số, mã nguồn mở, những giải pháp công nghệ mà các chính phủ trên thế giới đang triển khai với chi phí thấp.
Cuối cùng là xu thế cơ sở hạ tầng và tiến bộ công nghệ làm chìa khóa cho hội nhập và chia sẻ phúc lợi. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới sẽ là yếu tố kết nối, phát huy tiềm năng của nền kinh tế theo cách phi truyền thống, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của chúng ta cách đây 2 thập niên. Theo thời gian, đã có nhiều phát minh từ công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và người máy... Đây vừa là động lực tăng trưởng mới vừa chứa đựng trong nó nhiều thách thức và rủi ro về an ninh kinh tế và tội phạm công nghệ.
Nắm bắt các xu hướng trên không phải là điều dễ dàng bởi trên thực tế phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. “Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở của Chính phủ”, Thủ tướng chia sẻ đồng thời nêu ra một loạt biện pháp cũng như cam kết của Chính phủ đối với doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tướng chỉ rõ, “đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới”.
Thủ tướng bày tỏ, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ và là nguồn động viên để Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cùng phát triển trong ngôi nhà chung Việt Nam.
Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2017 được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã chủ động rà soát, có nhiều kế hoạch cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua, nhưng cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ còn nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, mà trở ngại lớn nhất vẫn là thủ tục hành chính.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho biết, kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 do VCCI tiến hành và công bố hồi đầu năm 2017 cho thấy có 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính; cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là sự phiền hà từ các thủ tục hành chính mang lại.
Các ý kiến cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh mà trước mắt cần tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành hơn nữa nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Sagara Hirohide, Đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) bày tỏ, vẫn còn nhiều quan ngại về sự minh bạch, hiệu quả của các cơ quan ban ngành; môi trường kinh doanh và đầu tư và năng suất lao động còn hạn chế…
"Do đó, cần xây dựng các chiến lược, kế hoạch hành động; nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm cải thiện năng suất lao động và cải thiện môi trường kinh doanh; tìm ra những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp và những động lực thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân”, ông nói.