Sách Trắng EuroCham 2020 nhận định, tình trạng xâm phạm quyền SHTT trực tuyến có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát trong những năm tới, nếu Việt Nam không nhanh chóng có các biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu để ngăn chặn.

Sách Trắng EuroCham là bản báo cáo thường niên tổng hợp các vấn đề và khuyến nghị về thương mại và đầu tư của EuroCham. Phiên bản lần thứ 12 của Sách Trắng vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) ra mắt ngày 28/7 tại TPHCM.

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, EuroCham nhận định, những năm gần đây đã chứng kiến tình trạng bùng nổ các hành vi xâm phạm trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp. Hoàn toàn không khó khăn để mua trực tuyến các sản phẩm được sao chép lậu như phim, nhạc, video, trò chơi điện tử, sách, ấn phẩm giấy hay điện tử, các sản phẩm xâm phạm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

EuroCham cho rằng, tình trạng xâm phạm quyền SHTT trực tuyến có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát trong những năm tới, nếu Việt Nam không nhanh chóng có các biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu để ngăn chặn.

Hiệp hội này khuyến nghị các cơ quan thực thi cần cần tăng cường công tác xử lý và xử lý nghiêm các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung, sản phẩm xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, ban hành quy định cho phép các cơ quan thực thi pháp luật và chủ sở hữu quyền SHTT thu thập thông tin nhằm xác định chủ sở hữu các trang thông tin điện tử cung cấp nội dung, sản phẩm xâm phạm quyền SHTT.

Sách Trắng 2020 với nhiều khuyến nghị
Sách Trắng 2020 với nhiều khuyến nghị về thương mại và đầu tư Ảnh: EC

Cùng với đó, cần quy định các nhà cung cấp dịch vụ Internet phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về chủ sở hữu các trang thông tin điện tử bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHT. Ban hành cơ chế pháp lý cho phép chủ sở hữu quyền SHTT thực hiện thông báo tới và buộc bên xâm phạm quyền SHTT gỡ bỏ nội dung xâm phạm quyền SHTT của mình. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ internet trong vụ việc xâm phạm quyền SHTT trong các trường hợp cụ thể, đặc biệt khi họ đã được chủ sở hữu quyền SHTT thông báo mà vẫn tiếp tục truyền tải hoặc lưu trữ nội dung xâm phạm quyền SHTT.

EuroCham cho rằng, cơ chế phạt tài chính những trường hợp xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam là quá nhẹ. Trên thực tế, rất ít khi các cơ quan thực thi áp dụng mức phạt tiền tối đa. Mức phạt tiền phổ biến là vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, nhiều khi rất nhỏ so với lợi nhuận thu được từ hành vi xâm phạm. Do vậy EuroCham đề xuất tăng mức phạt thành chính, phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quyền SHTT để đảm bảo tính răn đe.

Về đăng ký nhãn hiệu, EuroCham cho rằng, việc thiếu quy định cụ thể về các đối tượng được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, sẽ gây trở ngại cho Việt Nam trong quá trình đàm phán và tuân thủ các hiệp định đối tác chiến lược song phương hoặc đa phương trong quá trình hội nhập thương mại thế giới. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin và hướng dẫn chi tiết về vấn đề “thế nào là sử dụng nhãn hiệu” sẽ gây khó khăn cho các chủ sở hữu khi muốn chứng minh nhãn hiệu của mình được sử dụng hợp pháp, cũng như khó khăn cho các bên thứ ba có yêu cầu chính đáng muốn hủy một nhãn hiệu không được sử dụng trong thời gian luật định.

Vì vậy, EuroCham khuyến nghị bổ sung Điều 72 Luật SHTT quy định về điều kiện bảo hộ nhãn hiệu, đặc biệt là nhãn hiệu âm thanh. Ngoài ra, cân nhắc điều chỉnh làm rõ định nghĩa về “sử dụng nhãn hiệu” phù hợp với tình hình hiện tại; sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể hướng dẫn về phạm vi, tài liệu chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu; định nghĩa về các đối tượng thường xuyên đăng ký trái phép nhãn hiệu của các bên khác;…