Có một thực tế tồn tại là doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đến công nghệ nội địa không chỉ vì nhà khoa học không có công nghệ họ cần mà còn vì không biết tìm nó ở đâu.
Thiếu sản phẩm cho thị trường công nghệ
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào số lượng các giao dịch công nghệ của toàn nền kinh tế thì có lẽ không có nhiều lo âu về liên kết chuyển giao công nghệ. Tại Hội thảo đánh giá Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, có một kết quả rất nổi bật về tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị giao dịch công nghệ được Đại học Kinh tế Quốc dân ước tính vào khoảng 20,9%, trong đó giao dịch công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam tăng khoảng 25%, trong nước tăng khoảng 9%, tốc độ giao dịch bình quân cho cả giai đoạn 16%. Như vậy, Việt Nam đạt được hơn 15% theo chỉ tiêu chính của chương trình.
Triển lãm quốc tế về máy móc thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp (Vinamac EXPO 2021). Nguồn: Báo Chính phủ
Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu chi tiết mà Đại học Kinh tế Quốc dân khảo sát để đưa ra con số này - bộ dữ liệu 17000 doanh nghiệp có yếu tố công nghệ và bộ dữ liệu 63.000 doanh nghiệp thì nảy sinh một vấn đề lớn: “Mức độ đóng góp tham gia của các viện, trường trong việc cung ứng các sản phẩm có chất lượng cho thị trường công nghệ Việt Nam còn thấp, chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khi xem xét dữ liệu chi tiết một số nguồn lực nhập khẩu trên cơ sở bóc tách dữ liệu từ điều tra khảo sát, chúng tôi nhận thấy, công nghệ của chúng ta mới ở mức độ trung bình và mức độ tham gia của các chủ thể chính là các viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam vào thị trường, khả năng cung ứng cho thị trường rất thấp”, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) nhận xét tại hội thảo.
Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này là ở chỗ, tính sẵn sàng chuyển giao của các công nghệ của chúng ta thấp, các công nghệ sau khi được nghiên cứu xong thì mới dừng lại ở quy mô pilot và sản phẩm demo nên chưa hoàn thiện để sẵn sàng đưa ra thị trường. Do đó, những người thực hiện chương trình nhận thấy, để sửa chữa điều này, cần phải có những bước tập trung nhiều hơn cho sàng lọc để tìm ra sản phẩm tốt nhưng chưa sẵn sàng chuyển giao, qua đó bồi đắp, nâng cấp mức độ sẵn sàng của sản phẩm cũng như đánh giá và kiểm định thị trường để thúc đẩy chuyển giao. Nếu tiếp tục bỏ rơi khâu này, trong giai đoạn tới sẽ vẫn tồn tại những vòng lặp khiến nghiên cứu xong lại “cất tủ”.
Các nhà nghiên cứu ĐH Bách khoa HN trong phòng thí nghiệm. Nguồn: ĐH Bách khoa
Về phía các doanh nghiệp, khi cần đổi mới công nghệ thì dưới 14% doanh nghiệp nghĩ đến việc liên hệ tới viện, trường trong khi 86% còn lại đi tìm đến những nơi có nhiều tiềm năng hơn do “chạy lên viện, trường cũng không đáp ứng được, mà nếu đáp ứng được thì chắc chắn họ sẽ chạy lên nhiều”, ông Tạ Bá Hưng, trưởng ban chủ nhiệm Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, lý giải.
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ - như chúng tôi đã chỉ ra trong hai kỳ trước - các nhà khoa học ở các viện, trường gặp nhiều khó khăn, rủi ro khi kết nối với các doanh nghiệp vì năng lực tiếp nhận công nghệ của khối doanh nghiệp ở Việt Nam còn yếu, ít doanh nghiệp có khả năng đeo đuổi cùng nhà khoa học để tiếp tục phát triển các nghiên cứu định hướng ứng dụng đi đến bước cuối cùng… mà còn cả sự thiếu rõ ràng trong việc định giá tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích, cơ chế sử dụng tài sản công. Sự lỏng lẻo trong mối liên kết chuyển giao công nghệ này còn có nguyên nhân quan trọng đến từ việc còn thiếu một nhịp cầu rất quan trọng của chuyển giao công nghệ - năng lực của các trung tâm/sàn giao dịch chuyển giao công nghệ - nói nôm na là dù có hàng thì vẫn thiếu chợ.
Chưa có tư duy thị trường
Dù các viện trường đã có sự nỗ lực thay đổi tư duy về chuyển giao công nghệ, như ông Phạm Đức Nghiệm cho biết, vào trước năm 2015, khi khảo sát 13 viện nghiên cứu quốc gia và 6 trường đại học lớn, ông thấy rằng hầu hết các viện, trường đều không có cơ chế quản trị tài sản trí tuệ sau nghiên cứu. Sau rất nhiều hội thảo, chương trình, tập huấn đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ, về môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ, huấn luyện các kĩ năng đàm phán, xây dựng các bàn trà đàm phán hợp tác với doanh nghiệp thì sau bảy năm, tất cả đơn vị đó đều có cơ chế quản trị tài sản trí tuệ, cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa nhà khoa học sau khi nghiên cứu và tiếp tục thương mại hóa. Đó là điểm rất quan trọng, góp phần làm thay đổi tư duy nhận thức cho đến hành động của các nhà quản lý, nhà khoa học.
Tuy nhiên sự thay đổi tư duy này đã giúp các viện, trường có khả năng tham gia những “chợ” công nghệ? Rất tiếc là các trường kỹ thuật, có nghiên cứu định hướng ứng dụng đều đang mắc vào tình trạng “làm công nghệ tốt nhưng tìm kiếm thị trường và tiêu thụ còn rất yếu” phổ biến ở các trường khối kỹ thuật, theo ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học, Đại học Kinh tế Quốc dân nói sau khi khảo sát về các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ (TTO) tại tám cơ sở nghiên cứu trong nước. Các tổ chức trung gian KH&CN như thế này thiếu những người có tư duy thị trường, có khả năng nhận biết được nhu cầu của doanh nghiệp cần những công nghệ gì để tạo được giá trị gia tăng cho họ và sản phẩm của họ bán ra thị trường có lợi thế. “Trên thực tế cũng đã có mối liên kết rồi nhưng dưới dạng chưa chính thống mà mới mang sắc thái cá nhân, mang tính nhỏ lẻ manh mún, chưa mang tính bài bản hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa các trường với nhau”, ông nói.
Xây dựng năng lực tĩnh của các tổ chức trung gian này, bao gồm nhân sự, cơ sở hạ tầng, địa điểm…, không phải là bài toán khó vì nhà nước có thể đầu tư được, nhưng thách thức lớn nhất là năng lực động, khả năng của các TTO trong việc tìm ra cơ hội thị trường. TTO sẽ xem xét tiềm năng thương mại hóa sản phẩm KHCN, từ bước thảo luận với nhà khoa học để cân nhắc tiềm năng thương mại hóa của phát minh và sẽ quyết định có nên nộp đơn xin bằng sáng chế cho phát minh hay không? tìm nguồn kinh phí đăng ký sáng chế ở đâu? thời gian đăng ký sáng chế nhanh hay chậm? công nghệ này sẽ mang lại hiệu quả hay khả năng sử dụng và khai thác ra sao?... cho đến vô vàn những câu hỏi về khả năng tiếp nhận của thị trường, quy mô thị trường, vẽ chân dung khách hàng sẽ sử dụng công nghệ của viện, trường.
Điểm sáng là trong khoảng một, hai năm trở lại đây, một số trường đại học lớn trong nước đã bắt đầu thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ như ĐHQG TP.HCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội... nhưng sự vận hành các trung tâm này sao cho đúng với kỳ vọng vẫn là điều hết sức mới mẻ. Đơn cử trường hợp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, dù nằm trong tốp 400 trường đại học trên thế giới về công nghệ và kỹ thuật nhưng năng lực quản trị tài sản trí tuệ của trường vẫn còn yếu như thừa nhận của ông Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng trường tại hội thảo “Quản trị tài sản trí tuệ và Thương mại hóa công nghệ dành cho các viện/trường thành viên trong khuôn khổ dự án Môi trường sở hữu trí tuệ kiến tạo do WIPO, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN và trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2019.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị có nhiều kết quả nghiên cứu định hướng ứng dụng và nhiều đất dụng võ nhất trong nền nông nghiệp đang khát công nghệ, cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trường vẫn đang “quan tâm nhiều đến vấn đề tập trung nghiên cứu, các mối quan tâm về khâu trung gian cũng như thương mại hóa sản phẩm chưa được đặt vấn đề nhiều. Đây là điểm còn trống và thiếu hụt trong các cơ sở nghiên cứu nói chung và trường đại học nói riêng” như chia sẻ của GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện.
Nếu chiểu theo nguyên tắc thông thường trong kinh tế là không chỉ chế biến chế tạo ra sản phẩm mà còn phải biết marketing sản phẩm thì các trường còn rất yếu khâu này. GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, đội ngũ nguồn nhân lực, nghiên cứu chuyên sâu của nhà trường khá hùng hậu với khoảng 300 giáo sư tiến sĩ, 500-600 thạc sĩ nhưng đội ngũ nhân lực có hiểu biết, có kiến thức về thị trường, marketing còn đang thiếu hụt.
Thị trường công nghệ chưa hoàn chỉnh
Nhưng việc “chào bán” sản phẩm công nghệ có phải là điểm yếu của các tổ chức trung gian trong viện, trường? Trên thực tế thì những tổ chức trung gian khác, góp phần quan trọng vào việc tạo nên thị trường KH&CN, do các cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN tạo dựng ra, cũng hoạt động chưa hiệu quả như kỳ vọng. Theo phân tích của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tại hội nghị chuyên đề quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo vào tháng 3/2021, việc phát triển thị trường KH&CN nói chung và riêng là các mô hình tổ chức trung gian để thúc đẩy chuyển giao công nghệ đều gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân là “cách tiếp cận công nghệ mà chúng ta đang triển khai trong nỗ lực thúc đẩy chuyển kết quả nghiên cứu đến viện, trường vẫn mang hơi hướng tư duy người làm khoa học, người đến từ viện, trường, do đó không nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp”.
Đây là lý do mà theo lý giải của ông, “hiện nay tám sàn giao dịch chúng ta xây dựng cũng là những trung tâm sự nghiệp công lập và người đang làm ở đó cũng ở trong tình trạng như trên. Vì thế cái chúng ta rao bán trên sàn thì doanh nghiệp họ không cần và sàn trở thành nơi rao bán thiết bị công nghệ nhiều hơn là công nghệ”.
Thực tế trớ trêu này khiến các tổ chức trung gian trên thị trường KH&CN chưa được vận hành theo đúng những gì các nhà quản lý mong đợi, ví dụ như có những chuyên gia có khả năng đánh giá lại kho kết quả nghiên cứu và kho công nghệ hiện có, đồng thời có chuyên gia đánh giá được tốt nhu cầu của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực “để biến các sàn giao dịch này thành nơi phản ánh nhu cầu thị trường, nhu cầu doanh nghiệp” như đề xuất của ông Phạm Hồng Quất.
Việc xác lập một mô hình trung gian tối ưu trong vận hành, hiệu quả trong hoạt động đang là một thách thức, ngay với những người làm quản lý cấp trung ương. Do đó, đối với các cơ quan quản lý khoa học ở địa phương như các sở KH&CN, việc vận hành các sàn giao dịch, các trung tâm chuyển giao công nghệ đi kèm với một chuỗi những lo lắng và lúng túng. Cả hai năm ra Bắc tham dự hội nghị giám đốc sở KH&CN địa phương, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ, đều lặp lại một vấn đề: vận hành sàn giao dịch công nghệ bởi “các mô-đun dữ liệu có sẵn thì Sở đã có 1300 công nghệ trên cái sàn ảo – cái sàn ảo thì dễ thống kê nhưng cái sàn này chưa biết mô hình hoạt động như thế nào. Bản thân tôi lúng túng trong chuyện là công nghệ nào, làm cái gì, giao dịch một lần bao nhiêu, bán cho ai, hợp đồng như thế nào…”. Mối lo ngại của ông Ngô Anh Tín cũng là lo ngại của các giám đốc sở KH&CN địa phương khác trong việc vận hành các sàn giao dịch bởi “nếu không khéo rồi đây chúng ta cũng làm theo kiểu phong trào thôi”.
Rõ ràng, một phần chuỗi giá trị mà ông Ngô Anh Tín đưa ra “muốn có được sàn tốt thì phải có sản phẩm tốt, muốn có sản phẩm tốt thì chúng ta phải có công nghệ tốt mới đưa ra được sàn” đã bị tắc lại và chờ được khơi thông bằng những chính sách mới. (Còn tiếp).