Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đang tận dụng khả năng của phần mềm WHONET để giám sát tình hình kháng kháng sinh ở Việt Nam.

Hợp tác đa ngành về kháng kháng sinh. Ảnh: BTC
Họp nhóm công tác đa ngành về kháng kháng sinh 26/7. Ảnh: BTC

WHONET là một ứng dụng Windows miễn phí dành cho máy tính để quản lý và phân tích dữ liệu phòng thí nghiệm vi sinh, do Trung tâm Hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xây dựng từ năm 1989 để giám sát tình trạng kháng kháng sinh tại một bệnh viện ở Mỹ.

Sau hơn ba thập kỷ, WHONET đã được triển khai tại 2.300 phòng thí nghiệm bệnh viện, y tế công cộng, thú y và thực phẩm tại hơn 130 quốc gia trên toàn thế giới. Nó có thể so sánh các mô hình độ nhạy kháng sinh của sinh vật, từ đó giúp các phòng thí nghiệm giám sát kháng kháng sinh tại địa điểm của mình.

Tại phiên báo cáo ngày 26/7 của nhóm công tác kỹ thuật đa ngành về kháng kháng sinh của Việt Nam, Ths. Lê Thị Huệ, Phó trưởng phòng Quản lý thuốc thú y, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết, năm 2023, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tổ chức PATH xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu giám sát kháng kháng sinh trên WHONET cho các phòng thí nghiệm có hoạt động giám sát kháng kháng sinh trên động vật.

Theo cơ quan quản lý này, việc theo dõi kháng kháng sinh chặt chẽ trên các loài động vật chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà, tôm, cá v.v) sẽ giúp ngăn chặn hoặc giảm bớt nguy cơ virus kháng thuốc lây lan từ động vật sang người.

Thông qua WHONET, Cục Thú Y sẽ chủ động giám sát kháng kháng sinh trên diện rộng. Năm ngoái đã có 15 tỉnh, thành phố được lấy mẫu để giám sát kháng kháng sinh trên lợn và gà, nhằm theo dõi tình trạng kháng thuốc của ba loại vi khuẩn mục tiêu là Ecoli, SalmonellaCampylobacter với 19 loại kháng sinh. Các kế hoạch tương tự sẽ được triển khai trong những năm tiếp theo.

Tương tự như Bộ NN&PTNT, các phòng xét nghiệm vi sinh trong hệ thống bệnh viện của Bộ Y tế đã sử dụng phần mềm WHONET để phân tích dữ liệu theo dõi kháng kháng sinh của mình từ vài năm nay. (Xem hướng dẫn sử dụng WHONET bằng tiếng Việt cho các bệnh viện)

Một số nhà quan sát đề xuất, với việc sử dụng WHONET ngày càng phổ biến trong cả lĩnh vực thú y và y tế, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để biến WHONET thành một phần của hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc.

Họ cho rằng một phần mềm chung như WHONET sẽ giúp chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo tính nhất quán và độ tin cậy của thông tin. Ngoài ra, nó cũng cung cấp các công cụ mạnh để phân tích, giúp các nhà nghiên cứu và quản lý dễ dàng theo dõi xu hướng kháng thuốc và đưa ra các biện pháp phòng ngừa kịp thời. Hơn thế nữa, WHONET là một phần của mạng lưới giám sát kháng kháng sinh toàn cầu, nó có thể giúp Việt Nam chia sẻ và nhận thông tin từ các quốc gia khác, nâng cao khả năng ứng phó với các vấn đề kháng kháng sinh trên phạm vi quốc tế.

Hiện nay, hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam gồm hai phần: dành cho người và dành cho động vật.

Hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở người đã bắt đầu được xây dựng từ năm 2016 và có cú hích mạnh vào năm 2019. Đến nay, hệ thống bao gồm 19 phòng xét nghiệm vi sinh thuộc bệnh viện, ba phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia, một số phòng xét nghiệm hỗ trợ kỹ thuật ngoài, và một đơn vị điều phối quốc gia là Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

ThS. Trương Lê Vân Ngọc, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia là sẽ mở rộng các phòng xét nghiệm vi sinh: Đến năm 2025, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất một bệnh viện tham gia vào hệ thống giám sát kháng kháng sinh quốc gia và 50% số bệnh viện tuyến trung ương tham gia vào. Đến năm 2030, mỗi tỉnh sẽ có ít nhất hai bệnh viện tham gia và 100% số bệnh viện tuyến trung ương tham gia vào. Số lượng phòng xét nghiệm tham chiếu cũng sẽ tăng thêm hai-ba phòng vào năm 2030. Ngoài ra, ngành y tế sẽ triển khai giám sát kháng kháng sinh trong cộng đồng từ năm 2025.

Hằng năm, dựa trên dữ liệu của hệ thống giám sát, Bộ Y tế có thể phát hành các báo cáo giám sát kháng thuốc của Việt Nam. Các báo cáo này sẽ cung cấp thông tin hữu ích để các nhà quản lý, bệnh viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức đưa ra các quyết định có ảnh hưởng tới tình hình kiểm soát kháng sinh ở Việt Nam. Báo cáo đầu tiên đã được công bố vào tháng 11/2023.

Trong khi đó, hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc ở động vật vẫn còn tương đối mới mẻ, một phần bởi lĩnh vực kháng kháng sinh trên động vật ít được quan tâm hơn trên người. Chúng tôi không có đủ thông tin cập nhật về hệ thống này từ Bộ NN&PTNT, tuy nhiên, theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, ngành nông nghiệp cần thiết lập ít nhất một phòng xét nghiệm tham chiếu và ba phòng xét nghiệm tuyến trung ương tham gia giám sát kháng thuốc trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 và mở rộng thêm hai phòng xét nghiệm tuyến trung ương tham gia vào năm 2030.

Giảm và tiến tới cấm hoàn toàn kháng sinh phòng bệnh trong chăn nuôi

Tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam liên quan trực tiếp tới việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, chủ yếu ở trên động vật nhưng cũng bao gồm cả ở trên người. Hơn 70% kháng sinh trong nước hiện được dùng cho nông nghiệp, chăn nuôi và thú y; số còn lại là dùng cho người.

Đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT đã chính thức ban hành một tài liệu hướng dẫn sử dụng thuốc thú y an toàn, hiệu quả cho động vật nuôi. Tài liệu này sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai một hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu về thuốc thúy. "Đây là một hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến được thiết kế để phục vụ cho công tác quản lý về thuốc thú y, quản lý danh mục thuốc thú y được phép lưu hành, tình trạng sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu kháng sinh, tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam một cách đầy đủ có hệ thống," Th.S Lê Thị Huệ của Cục Thú y cho biết.


Một số thành viên tham gia tại cuộc họp nhóm công tác đa ngành về kháng kháng sinh ngày 26/7/2024. Ảnh: BTC
Một số thành viên tham gia tại cuộc họp ngày 26/7/2024. Ảnh: BTC

Theo bà Huệ, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho chi cục thú y các tỉnh thành và các cơ sở sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi.

Mục tiêu của Bộ NN&PTNT trong Chiến lược quốc gia là vào năm 2025, sẽ có ít nhất 10% các cơ sở khám, chữa bệnh cho động vật tuân thủ hướng dẫn sử dụng kháng sinh thú y, và con số sẽ nâng lên 20% vào năm 2030.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng các hoạt động này cần đẩy nhanh hơn nữa, bởi lộ trình giảm kháng sinh của Việt Nam là cấm hoàn toàn dùng kháng sinh để phòng bệnh trong chăn nuôi vào năm 2026. Tới lúc đó, kháng sinh sẽ chỉ còn được sử dụng để điều trị nếu vật nuôi mắc bệnh và phải sử dụng ở mức độ thích hợp, không được dư thừa. Với thói quen sử dụng kháng sinh phòng bệnh bừa bãi hiện tại của đa số người chăn nuôi, việc thay đổi là không dễ dàng.


Theo
Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045, Việt Nam cần đạt được các mục tiêu: (i) nâng cao nhận thức và hiểu biết cộng đồng về phòng chống kháng thuốc, (ii) củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ, xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; (iii) giảm sự lan truyền của vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm; (iv) tối ưu hoá sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật một cách hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược này áp dụng phương pháp tiếp cận “Một sức khỏe”.
Đây là một khái niệm y tế công cộng, nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa sức khỏe của con người, động vật và môi trường. Thay vì xem xét sức khỏe của từng yếu tố một cách độc lập, người ta coi chúngnhư một hệ thống liên kết, tác động lẫn nhau.

Theo đó, có ba cơ quan quản lý liên quan chính đến vấn đề kháng kháng sinh tại Việt Nam là Bộ Y tế (giải quyết vấn đề kháng sinh trên người), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (giải quyết vấn đề kháng sinh trên động vật, cây trồng) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (giải quyết vấn đề kháng sinh tồn dư trong môi trường).