I. Đoàn kiểm tra và việc lập biên bản vi phạm hành chính
Trưởng đoàn kiểm tra, cán bộ kỹ thuật và người của cơ quan thực hiện kiểm tra phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm tra nhà nước về đo lường do tổng cục tổ chức. Thành viên đoàn kiểm tra là người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, thanh tra viên KH&CN, công an, quản lý thị trường, người của cơ quan, tổ chức khác được cử tham gia đoàn không bắt buộc có chứng chỉ trên. Tùy thuộc nội dung kiểm tra, thủ trưởng cơ quan thực hiện kiểm tra quyết định số thành viên đoàn. Trường hợp nội dung kiểm tra đơn giản, đối tượng kiểm tra không nhiều, đoàn có thể chỉ cần một thành viên đáp ứng yêu cầu quy định thực hiện nhiệm vụ kiểm tra.
Thành viên đoàn thực hiện nhiệm vụ theo phân công, lập phiếu kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả đó. Phiếu này phải có chữ ký, ghi rõ họ tên của thành viên thực hiện kiểm tra và có các nội dung sau: Quyết định lập đoàn, họ tên thành viên thực hiện kiểm tra, ngày, tháng, năm, địa điểm kiểm tra, đối tượng và cơ sở được kiểm tra, kết quả kiểm tra, kết luận. Trường hợp kết quả kiểm tra được kết luận là không phù hợp, trưởng đoàn xem xét, quyết định lập biên bản kiểm tra về đo lường hoặc biên bản vi phạm hành chính và xử lý theo quy định. Trường hợp người có yêu cầu ký tên vào biên bản vi phạm hành chính không có mặt hoặc không ký, người lập biên bản xử lý theo quy định tại điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Kiểm tra phép đo xăng dầu. Ảnh: CC TCĐLCL Bạc Liêu
II. Kiểm tra đối với phương tiện đo
Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về việc phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn: Đối với phương tiện đo phải phê duyệt mẫu, cần kiểm tra việc tuân thủ quy định phải phê duyệt mẫu, ký hiệu phê duyệt mẫu trên các nhãn mác phương tiện đo, so sánh, kiểm tra các đặc tính kỹ thuật đo lường, các chi tiết, cụm chi tiết... của phương tiện đo so với quyết định phê duyệt mẫu. Chú trọng kiểm tra phát hiện cơ cấu, chức năng có thể tác động để làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo trong quá trình sử dụng. Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định phải được kiểm định, hiệu chuẩn; sự phù hợp của chứng chỉ kiểm định, hiệu quả và thời hạn có giá trị của chứng chỉ.
Quan sát, kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về thể hiện yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản trên phương tiện đo hoặc trên nhãn hàng hóa, tài liệu kèm theo, gồm: Kiểm tra yêu cầu về vị trí gắn nhãn, các yêu cầu kỹ thuật đo lường cơ bản ghi trên phương tiện đo hoặc trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm. Quan sát, kiểm tra sự phù hợp về điều kiện vận chuyển, bảo quản, lưu giữ của phương tiện đo với hướng dẫn của cơ sở sản xuất, nhập khẩu.
III. Kiểm tra đối với phép đo
Kiểm tra, xác định sự phù hợp của phương tiện, phương pháp đo đã sử dụng và điều kiện đo với yêu cầu kỹ thuật đo lường được thực hiện. Kiểm tra chứng chỉ đào tạo (nếu có quy định) đối với người thực hiện phép đo: Kiểm tra giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ quản lý đo lường trong kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đo lường kinh doanh LPG.
Kiểm tra việc thực hiện các điều kiện (nếu có quy định) để người có quyền và nghĩa vụ liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện phép đo, phương pháp đo, phương tiện đo, lượng hàng hóa: Đối với thương nhân kinh doanh xăng dầu, kiểm tra việc thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ tự kiểm tra định kỳ phương tiện, hệ thống đo, điều kiện thực hiện phép đo xăng dầu; đối với các chợ, trung tâm thương mại, kiểm tra việc lắp đặt và duy trì hoạt động của cân đối chứng; đối với cơ sở kinh doanh vàng, kiểm tra việc thực hiện định kỳ tự kiểm tra, lưu giữ hồ sơ kiểm tra định kỳ cân.
Kiểm tra sai số của kết quả phép đo với các bước chính: Trưởng đoàn kiểm tra quyết định chọn số mẫu và lượng hàng hóa, dịch vụ cần đo (phải nằm trong phạm vi thường được đo nhiều nhất cho khách hàng hoặc có khả năng phát hiện sự không phù hợp về sai số của kết quả phép đo so với quy định). Đoàn yêu cầu người của cơ sở được kiểm tra thực hiện phép đo bằng phương tiện của cơ sở. Đoàn sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kỹ thuật để xác định sai số của kết quả phép đo vừa thực hiện.
Xác định giới hạn sai số cho phép của kết quả phép đo: Về phép đo xăng dầu, đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối, tồn trữ, vận chuyển xăng dầu, sai số kết quả đo lượng xăng dầu không được vượt quá 1,5 lần giới hạn sai số cho phép của phương tiện đo hoặc hệ thống đo. Kết quả đo phải được quy đổi về điều kiện nhiệt độ cơ sở là 150C và áp suất cơ sở là 101325Pa. Đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu, sai số kết quả đo không được vượt quá 1,5 lần giới hạn dương của sai số cho phép của phương tiện đo được sử dụng để bán xăng dầu; kết quả đo được xác định tại điều kiện đo thực tế. Trường hợp thực hiện kiểm tra đặc thù, sai số kết quả đo được xác định sau khi trừ tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất tại cửa hàng bán lẻ.
Đối với phép đo LPG, giới hạn sai số của kết quả là 1,5 lần giới hạn sai số cho phép khi kiểm tra phương tiện đo hoặc hệ thống đo được sử dụng để thực hiện phép đo đó. Về phép đo khối lượng vàng, giới hạn sai số của kết quả phép đo được quy định tại quyết định 1550/QĐ-BKHCN ngày 25/6/2014. Về phép đo khối lượng hàng hóa tiêu dùng thông thường, lượng thiếu cho phép (giới hạn sai số cho phép) bằng lượng thiếu cho phép đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, được quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo thông tư số 21/2014/TT-BKHCN.
Bước tiếp theo là so sánh sai số của kết quả phép đo do đoàn vừa thực hiện với giới hạn sai số cho phép của kết quả phép đo để kết luận về sự phù hợp với yêu cầu luật định.
IV. Về kiểm tra đặc thù
Phương tiện, thiết bị chuyên dùng để kiểm tra đặc thù là ôtô, xe máy có sẵn trên thị trường, được sử dụng phố biến tại Việt Nam và được hoán cải, ngụy trang cho phù hợp với mục đích kiểm tra đặc thù. Bình chứa rời (can, thùng...) hoặc bình chứa lắp trên phương tiện giao thông chuyên dùng để lấy mẫu kiểm tra đặc thù có dung tích lớn hơn nhưng không vượt quá 2 lần lượng xăng dầu cần lấy mẫu. Trước khi tiến hành lấy mẫu xăng dầu để kiểm tra, bình chứa rời phải được tráng ướt bằng xăng dầu để đảm bảo độ chính xác của kết quả.
Bình chuẩn kim loại, ca đong, bình đong, ống đong chia độ của cơ quan thực hiện kiểm tra hoặc của cửa hàng bán lẻ xăng dầu được sử dụng để kiểm tra đặc thù phải: Có thể tích phù hợp với lượng xăng dầu cần lấy mẫu; đã được kiểm định, hiệu chuẩn; được tráng ướt trước khi đo. Trường hợp chưa trang bị được ôtô, xe máy chuyên dùng để kiểm tra đặc thù, cơ quan kiểm tra chủ động sử dụng bình chứa rời đáp ứng yêu cầu để lấy mẫu.
V. Kiểm tra nhà nước về đo lường của UBND cấp huyện
Địa bàn kiểm tra: Các chợ, trung tâm thương mại, các điểm bán buôn, bán lẻ. Nội dung và cách thức: Kiểm tra sự phù hợp của phương tiện đo với quy định về việc phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn; kiểm tra sai số của kết quả đo so với giới hạn sai số cho phép; kiểm tra sự phù hợp của việc ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa bằng cách quan sát, kiểm tra theo các yêu cầu kỹ thuật đối với lượng của hàng hóa đóng gói sẵn.
VI. Kiểm tra nhà nước về đo lường của UBND cấp xã
Địa bàn kiểm tra: Các chợ, trung tâm thương mại, các điểm bán lẻ. Nội dung, cách thức: Chỉ kiểm tra sai số của kết quả phép đo khối lượng hàng hóa tiêu dùng trong thương mại bán lẻ. Số mẫu và lượng hàng hóa, dịch vụ cần đo do trưởng đoàn quyết định, phải bảo đảm nằm trong phạm vi thường được đo nhiều nhất cho khách hàng hoặc có khả năng phát hiện sự không phù hợp về sai số của kết quả phép đo so với quy định. Đoàn yêu cầu người của cơ sở được kiểm tra thực hiện phép đo với số lượng và giá trị đã chọn ở trên bằng phương tiện đo của cơ sở. Đoàn sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kỹ thuật để xác định sai số của kết quả phép đo này, sau đó xác định giới hạn sai số cho phép của kết quả đo, so sánh sai số của kết quả phép đo do đoàn vừa thực hiện với giới hạn sai số cho phép của kết quả phép đo để kết luận về sự phù hợp với yêu cầu quy định.