Quan điểm này được nêu tại hội thảo về nâng cao năng lực quản lý chất lượng MBH và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP, diễn ra sáng 9/5 tại Hà Nội.
Nghị định này hiện là văn bản luật cao nhất quy định về điều kiện kinh doanh MBH với các biện pháp quản lý chất lượng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, nhập khẩu đến phân phối, nhằm đưa hoạt động kinh doanh MBH vào nền nếp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính. Theo đó, nhà sản xuất phải có đầy đủ trang thiết bị và khuôn mẫu để sản xuất các chi tiết chủ yếu của MBH như vỏ mũ, đệm hấp thu xung động...
Ông Tường Duy Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HH
Ông Hồ Lê Phong - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các Nhà sản xuất MBH TPHCM - nói: “Nhiều doanh nghiệp muốn né tránh vấn đề này với lập luận rằng họ không cần tự sản xuất mà có thể đặt gia công linh kiện về lắp ráp, miễn là kiểm soát được chất lượng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự bát nháo của thị trường MBH mà Nghị định 87 muốn chấn chỉnh”.
Ở góc nhìn khác, ông Tường Duy Sơn - Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp mạnh xử lý người sử dụng MBH không đạt chuẩn theo QCVN 02/2008 và không dán tem CR khi đi môtô, xe gắn máy, giống như người không đội mũ MBH.
Theo ông Phong, 10 năm trước, khi Nghị định 36/2001/NĐ-CP của Chính phủ với quy định dán tem cho MBH, các doanh nghiệp cố gắng đầu tư công nghệ, thiết bị để sản phẩm đạt chuẩn. Tuy nhiên sau đó, nhiều loại MBH không đảm bảo chất lượng xuất hiện và dù cơ quan quản lý đã ban hành bổ sung nhiều chính sách, thị trường vẫn không được kiểm soát tốt. Vì vậy, tiếp tục siết chặt quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh và tiêu dùng là mong muốn của các doanh nghiệp để tránh những cạnh tranh không lành mạnh của các đơn vị làm giả, làm nhái MBH.