Việc kinh doanh thuận lợi của Tập đoàn Caosu Việt Nam sau khi tham gia các ban kỹ thuật của ISO để xây dựng tiêu chuẩn đã cho thấy, sự tham gia này vừa nâng cao hiệu quả của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, vừa giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường.

Tiêu chuẩn - rào cản lớn khi xuất khẩu

Hồi tháng 10/2016, 2 lô gạo mà Công ty Phương Quân (Long An) xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Acetamiprid cao. Từ đầu năm 2016 đến thời điểm đó, có tới 17 doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Mỹ bị trả về do không đạt tiêu chuẩn, chất lượng mà nước này quy định.

Đây rõ ràng là câu chuyện quá quen thuộc trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản Việt Nam với hai nguyên nhân chính: Nông dân trồng, bón phân và phun thuốc trừ sâu quá mức cho phép; nhiều doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như VietGAP hay GlobalGAP.

Lý giải về thực trạng tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, hàng hóa đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng - cho rằng, trên 90% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên có sự hạn chế trong đầu tư phát triển hệ thống tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp trình độ khoa học công nghệ yếu, chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của việc áp dụng tiêu chuẩn hóa trong doanh nghiệp mình nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Chiếu xạ vải ở Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Australia. Ảnh: Loan Lê

Trong khi đó, hàng hóa muốn xuất khẩu được thường phải vượt qua 2 dạng rào cản kỹ thuật chính của thị trường nhập khẩu. Ở cấp độ 1, hàng hóa đó phải chịu sự điều chỉnh của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở cấp quốc gia, nghĩa là phải đáp ứng các yêu cầu kiểm tra về an toàn, chất lượng, môi trường tại cửa khẩu trước khi được phép thâm nhập thị trường nước bạn.

Ở cấp độ 2, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt của các hệ thống bán lẻ lớn, thường thể hiện qua tiêu chuẩn của các hiệp hội doanh nghiệp mà thuật ngữ chuyên môn gọi là hệ thống tiêu chuẩn riêng (private standards). Các tiêu chuẩn này hiện có xu hướng đi sâu vào các vấn đề quyền người lao động, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng...

“Đây vẫn là những rào cản lớn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, cần có nhiều biện pháp tháo gỡ” - ông Khôi nói.

Tạo cơ chế mở

Phân tích về thành công trong xuất khẩu của Tập đoàn Caosu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết, ngoài thực tế là chất lượng caosu của Việt Nam rất tốt, có một yếu tố khá quan trọng là tập đoàn này đã tham gia vào các ban kỹ thuật của ISO để xây dựng tiêu chuẩn.

“Khi đó, các chỉ tiêu chất lượng caosu của Việt Nam được đưa vào tiêu chuẩn quốc tế, rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa được sản phẩm của mình ra nước ngoài” - ông Khôi nói. Theo ông, việc kéo doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, hàng hóa sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn, tăng khả năng vượt qua các rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu.

Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp để trực tiếp xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trong các lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, thú y, nông, lâm, thủy sản, nghề muối...

Để doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, ông Nguyễn Văn Khôi kiến nghị cần xây dựng cơ chế mở, kể cả về tài chính: “Khi doanh nghiệp tham gia, họ sẽ thấy rõ được vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong đó. Đây cũng là cách doanh nghiệp chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Mặt khác, các tiêu chuẩn xây dựng từ sự tham gia của doanh nghiệp sẽ sát thực tế hơn”.

Thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho sản phẩm

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật, thủ tục xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở gồm các bước sau:

- Xác định đối tượng mục tiêu xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

- Lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn cơ sở.

- Thành lập tổ soạn thảo tiêu chuẩn cơ sở.

- Tổ chức họp chuyên đề để góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở.

- Xử lý các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn cơ sở, hoàn thiện hồ sơ dự thảo.

- Lãnh đạo doanh nghiệp xem xét và ra quyết định công bố tiêu chuẩn cơ sở để áp dụng trong phạm vi của tổ chức đó.