Trong quy trình này, nhà khoa học chỉ có thể kiểm soát giai đoạn đầu, còn giai đoạn sau thuộc về doanh nghiệp. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ sinh học (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) của chúng tôi nghiên cứu tạo que thử phát hiện nhanh virus rota bằng công nghệ nano, có chất lượng tương đương nhưng giá chỉ bằng một nửa so với sản phẩm ngoại đang được các cơ sở y tế sử dụng. Mặc dù sản phẩm đã được nghiệm thu từ năm 2015 nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ doanh nghiệp liên kết xin giấy phép sản xuất.
Thử sản phầm que thử phát hiện nhanh virus rota gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiệp
Hiện rất nhiều sản phẩm nghiên cứu của Việt Nam được đánh giá tốt về chất lượng và giá thành, nhưng không ra được thị trường và đây không phải lỗi của nhà khoa học hay nhà quản lý. Có 2 nguyên nhân chính gây ra khó khăn này. Thứ nhất là tâm lý doanh nghiệp chỉ muốn làm thương mại thuần túy, rất ít đơn vị chịu đầu tư nghiên cứu; trong khi nhà khoa học chỉ làm ra đến prototype (mẫu thử) và rất cần được hỗ trợ trong sản xuất. Thứ hai, nhiều sản phẩm trong nước có chất lượng tương đương hàng ngoại nhưng chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng khiến sản phẩm nội địa khó sống.
Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào một sản phẩm mà chính họ cũng chưa biết tương lai ra sao thì rất khó. Để tháo gỡ vấn đề này, theo tôi, cần có các mô hình sản xuất thí điểm giống như một trung tâm sản xuất với quy mô nhỏ, có giấy phép sản xuất và sự công nhận của cơ quan quản lý. Khi nhìn thấy sản phẩm có thị trường tốt, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đầu tư sản xuất quy mô lớn. Gần đây, có doanh nghiệp đặt hàng trung tâm chúng tôi tư vấn công nghệ và triển khai sản xuất quy mô nhỏ với kinh phí đầu tư 2-3 tỷ đồng. Cái họ muốn là một sản phẩm được đăng ký đàng hoàng, đưa ra thị trường thăm dò để nếu có tiềm năng, họ sẽ đầu tư nhà máy 100 tỷ đồng. Hiện trên thực tế chưa có mô hình vận hành theo quy trình này. Vì thế, Nhà nước cần đưa ra định hướng về chính sách, tập trung quản lý và sản xuất để doanh nghiệp có thể dễ dàng triển khai.